Anmol Aroz (23 tuổi), làm việc trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ thông tin tại Anh, mua một chiếc iPhone 13 Pro cũ cách đây 2 năm và tiết kiệm được khoảng 500 bảng Anh.
Anh cảm thấy hài lòng với điện thoại này và ít ấn tượng với các tính năng mới của các mẫu gần đây. Anh không thấy cần thiết phải dùng Apple Intelligence vì đã đủ thỏa mãn với ChatGPT trên điện thoại. Bên cạnh đó, Aroz cũng quan tâm đến tính bền vững và không bị cuốn hút bởi quần áo hay thiết bị mới, những thứ nhanh chóng mất giá.
"Chạm vào vỏ hộp là đã mất 200 bảng Anh rồi. Tôi sẽ trung thành với điện thoại đã qua sử dụng", anh nói.
Qua 17 năm, việc ra mắt một mẫu iPhone mới đã mất dần sức hút. Nhà phân tích Apple Ming-Chi Kuo ước tính doanh số đặt trước iPhone 16 trong tuần đầu tiên giảm gần 13% so với iPhone 15.
Thay vào đó, thị trường điện thoại đã qua sử dụng đang trên đà xu thế. Theo công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research, thị trường smartphone cũ trên toàn cầu tăng trưởng 5% từ năm 2021 đến năm 2022.
Apple chiếm một nửa thị trường điện thoại bán lại trong năm 2022 và chiếm khoảng 1/4 lượng điện thoại thông minh mới được giao trên toàn cầu vào cuối năm 2023, theo Công ty Nghiên cứu Dữ liệu Quốc tế (IDC).
Một khảo sát năm 2023 của Vodafone và Recommerce Group cho thấy 43% người dùng châu Âu từng sở hữu điện thoại "qua tay". Zion Market Research ước tính thị trường điện thoại cũ tại Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 13% mỗi năm đến năm 2032, Business Insider đưa tin.
Người dùng không muốn chi tiền cho iPhone mới với không quá nhiều cải tiến đáng kể. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Smartphone "đập hộp" bớt hấp dẫn
Glen Cardoza, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Counterpoint, cho biết có một số yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ của điện thoại đã qua sử dụng. Ông chỉ ra rằng nhờ các chiến dịch quảng cáo và truyền miệng, người tiêu dùng ngày càng biết đến các sản phẩm điện thoại cũ.
Chẳng hạn, khi biết bạn bè vẫn dùng iPhone 12 nhưng vẫn năng nổ nhất trong nhóm chat, chúng ta có thể sẽ muốn mua một chiếc điện thoại cũ.
Cùng với đó, chất lượng dịch vụ sửa chữa và bảo hành từ các nhà bán điện thoại "second-hand" cũng được cải thiện, khiến người dùng yên tâm hơn.
Một số người quan tâm đến tác động môi trường, nhưng có thể thấy giá cả vẫn là vấn đề lớn nhất. Ông Cardoza cho biết nhiều người cảm thấy những cải tiến nhỏ trên điện thoại đời mới không thực sự đáng để bỏ tiền.
"Họ không ngại sử dụng một mẫu cũ nhưng rẻ hơn, mà vẫn có hầu hết tính năng mới nhất", ông chia sẻ với Business Insider.
Amy Marty Conrad (34 tuổi), sống tại Washington, D.C. (Mỹ), cho biết vợ chồng cô đều mua điện thoại second-hand đã sửa. Cô đang dùng chiếc Samsung Galaxy S21 thứ hai, mua cách đây 2năm, và vừa thay pin để kéo dài tuổi thọ.
"Tôi chủ yếu dùng điện thoại để gọi, email, làm việc và chụp ảnh. Nhiều cải tiến phần mềm không thực sự cần thiết với tôi", Conrad chia sẻ. Cô cũng quan tâm đến việc giảm lượng rác thải và thường mua quần áo, đồ gia dụng cũ.
Doanh thu chậm của iPhone 16 cho thấy người dùng không còn mấy mặn mà với sản phẩm công nghệ mới. Ảnh minh họa: Jason Hiner/ZDNET. |
Những người kinh doanh đồ công nghệ cũ đang tận dụng thời cơ này.
Back Market, sàn thương mại điện tử (TMĐT) chuyên công nghệ cũ có trụ sở tại Pháp, đã huy động hơn 1 tỷ USD và dự kiến có lãi tại châu Âu lần đầu tiên trong năm nay, theo CEO Thibaud Hug de Larauze.
Trong một cuộc họp báo gần đây, ông tiết lộ rằng công ty đã phục vụ 15 triệu khách hàng và bán được 30 triệu sản phẩm, cho thấy tỷ lệ khách hàng quay lại mua hàng khá cao trong 10 năm qua.
Điện thoại chiếm phần lớn doanh số của Back Market, bên cạnh đồng hồ thông minh, tai nghe, laptop và máy chơi game. Cùng với đó, thiết bị công nghệ đã được tân trang hiện nằm trong số 5 danh mục hàng cũ phổ biến nhất trên eBay.
Ông Hug de Larauze nhận định rằng trong vòng 10 năm tới, 90% người trưởng thành sẽ chọn mua sản phẩm tân trang hoặc sửa chữa thiết bị, thay vì mua mới.
Ông so sánh xu hướng này với sự thay đổi trong thị trường ôtô, khi xe hơi ngày càng đắt đỏ, nhanh mất giá và cải tiến giữa các mẫu không đáng kể. Tương tự, điện thoại cũng không phải là khoản đầu tư dài hạn tốt, khiến nhiều người chuyển sang mua thiết bị đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí.
Cơ chế "ghép cặp linh kiện" khiến việc sửa chữa điện thoại cũ trở nên khó khăn. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Bài toán "ghép cặp linh kiện"
Tuy nhiên, một trở ngại lớn đối với thị trường điện thoại second-hand chính là các nhà sản xuất.
Apple và nhiều công ty khác áp dụng "ghép cặp linh kiện", tức chỉ các bộ phận được phần mềm nhận diện mới hoạt động, gây khó khăn cho việc sửa chữa thiết bị tại các cửa hàng độc lập.
Ví dụ, nếu mọi người thay màn hình iPhone ở tiệm sửa chữa không thuộc Apple, tính năng Face ID có thể không hoạt động nữa.
Tuy vậy, tình hình đang dần thay đổi. Tháng 4, Apple công bố sẽ cho phép sử dụng một số linh kiện chính hãng đã qua sử dụng cho các thiết bị khác.
Oregon trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm ghép cặp linh kiện với các thiết bị sản xuất sau ngày 1/1/2025, mở ra thay đổi lớn trong ngành. Liên minh châu Âu cũng đã thông qua quy định yêu cầu các nhà sản xuất tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc sửa chữa thiết bị.
Song CEO Apple Tim Cook không coi xu hướng điện thoại cũ là mối đe dọa lớn. Dù doanh số ban đầu không cao, Apple vẫn bán được hàng chục triệu chiếc iPhone 16, và nhu cầu có thể tăng vào dịp lễ cuối năm khi Apple Intelligence ra mắt.
Tuy nhiên, với xu hướng chuộng điện thoại cũ và sự hoài nghi về AI, Apple có thể cần phải thay đổi chiến lược để thu hút người tiêu dùng trong tương lai.
"Trong thời đại công nghệ liên tục thay đổi, đôi khi điện thoại chỉ cần đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản", Amanda Hoover, cây viết của Business Insider, nhận định.
Tim Cook, CEO đương nhiệm của Apple, không mấy lo lắng về iPhone 16 đang dần hạ nhiệt. Ảnh: @aditiraohydari. |
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.