Mỹ phẩm Hàn Quốc phải nhường sân cho sản phẩm nội địa tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Sulwhasoo. |
Zhao Siqi (28 tuổi, nhân viên tài chính, Trung Quốc) từng là khách hàng trung thành của History of Whoo - thương hiệu mỹ phẩm Hàn được ngôi sao phim Queen of Tears Kim Ji-won đại diện.
Tuy nhiên, gần đây cô không còn dành nhiều tiền cho mỹ phẩm Hàn Quốc, thay vào đó tìm đến mì ăn liền ramyeon của quốc gia này.
Giống với Zhao Siqi, Ashely Sun (23 tuổi, sinh viên đại học, Trung Quốc) cũng cho thấy sự yêu thích gia tăng với mì cay Buldak Bokkeum-Myeon được nhóm nhạc K-pop (G)I-DLE quảng cáo.
Zhao và Sun là đại diện tiêu biểu cho khách hàng trẻ Trung Quốc - những người ngày càng thờ ơ với mỹ phẩm, nhưng hào hứng với đồ ăn Hàn Quốc, theo SCMP.
Mỹ phẩm Hàn ngày càng thất thế tại Trung Quốc. Ảnh: Whoo. |
Mỹ phẩm Hàn ‘thất thế’
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Hàn Quốc, vào năm 2017, mỹ phẩm đến từ xứ sở kim chi chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường làm đẹp Trung Quốc.
3 năm sau, thị phần của các thương hiệu Hàn giảm mạnh, rơi xuống vị trí thứ 4.
Năm ngoái, thị phần của mỹ phẩm Hàn chỉ còn 14,2%, giảm một nửa so với số liệu năm 2017.
Theo Sowmya Srinath, Giám đốc dịch vụ tư vấn tại Frost & Sullivan, doanh số bán sản phẩm làm đẹp Hàn tại Trung Quốc dự kiến sụt giảm.
“Sức hấp dẫn của ‘làn sóng Hàn’ trong lĩnh vực mỹ phẩm đã giảm”, Sowmya Srinath nói.
Để giải thích cho tình trạng này, Srinath cho biết phân khúc tầm trung mà Hàn Quốc tham gia đang bị xâm chiếm bởi sản phẩm nội địa. Nếu muốn cải thiện tình hình này, các thương hiệu mỹ phẩm Hàn cần tập trung thay đổi định vị và hoạt động tiếp thị tại xứ tỷ dân.
Mì ăn liền Hàn Quốc chứng minh sức hút tại Trung Quốc. Ảnh: Buldak. |
Thực phẩm Hàn ‘lên ngôi’
Trong khi đó, xuất khẩu thực phẩm Hàn Quốc sang Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, sau Mỹ và Đông Nam Á.
Mỳ ramyeon đặc biệt được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Theo dữ liệu, xuất khẩu mì ăn liền tăng gần 20%, lên 181 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với sản phẩm này.
Bên cạnh mỳ ăn liền, xuất khẩu các chế phẩm từ gạo, bao gồm kimbap đông lạnh, cơm cuộn rong biển, tteokbokki, bánh gạo xào cay, từ Hàn Quốc sang Trung Quốc cũng tăng 24%, lên mức 6 triệu USD trong cùng kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, xuất khẩu các chế phẩm từ gạo dự kiến tăng vì những sản phẩm này đã thâm nhập vào các nền tảng mua sắm trực tuyến toàn cầu và hệ thống cửa hàng bán lẻ lớn tại Trung Quốc.
Khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế đối với nội dung từ Hàn Quốc vào năm 2017, nhu cầu của khách hàng đối với thực phẩm đến từ xứ sở kim chi gia tăng đột biến.
Nhóm nhạc K-pop (G)I-DLE trong chiến dịch quảng cáo cho mì ăn liền Buldak. Ảnh: Buldak. |
Theo Sunny Moon, Giám đốc nghiên cứu tại Euromonitor International, thị trường thực phẩm Hàn ngày càng phát triển ở Trung Quốc.
Văn hoá Hàn Quốc được thể hiện thông qua các bộ phim truyền hình cũng được lòng khán giả Trung. Những thước phim ghi lại khoảnh khắc các nhân vật thưởng thức ẩm thực đường phố được xem như sản phẩm tiếp thị hiệu quả.
Sunny Moon cho rằng một thị trường liên quan đến văn hoá Hàn Quốc đang nở rộ tại xứ tỷ dân, đem đến nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ hơn trong tương lai. Xu hướng này không chỉ giới hạn ở thực phẩm.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.