Sự xuất hiện của BA.5 khiến nhiều người lo lắng kháng thể từ vaccine và lần mắc trước đó có còn hiệu quả bảo vệ? Theo các nhà khoa học, nó vẫn có khả năng bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ bệnh nặng, nhưng điều này không ngăn được chúng ta sẽ tái mắc lần nữa với chính Omicron.
Dẫu vậy, kháng thể của cộng đồng đã tăng lên rất nhiều sau những chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Bằng chứng là BA.5 có tốc độ lây lan nhanh chưa từng có nhưng tỷ lệ bệnh nặng, tử vong khá thấp.
Nguy cơ tái mắc là điều không thể tránh khỏi
Những manh mối đầu tiên cho thấy Omicron có thể trốn tránh khả năng miễn dịch đến từ Nam Phi, nơi các nhà khoa học ước tính ít nhất 70% người dân sẽ nhiễm nCoV vào thời điểm nào đó trong đại dịch. Omicron và chủng phụ của nó cũng liên quan hiện tượng tái mắc ngày càng phổ biến.
Khi Omicron gia tăng ở Anh, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nhiều người khỏi Covid-19 một thời gian sau bị tái nhiễm nhưng là biến chủng mới. Họ ước tính nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao gấp 5 lần so với các biến chủng khác.
Kết quả tương tự cũng xuất hiện ở Đan Mạch. Tại đây, các nhà khoa học so sánh hơn 2.200 hộ gia đình có người nhiễm Omicron với khoảng 6.300 hộ nhiễm Delta. Kết quả Omicron có nguy cơ lây cho người ở chung nhà đã tiêm 3 mũi cao gấp 3,6 lần so với Delta. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là nó hầu như không lây sang người chưa được tiêm phòng.
Ngay cả khi tiêm đủ hai liều vaccine và mũi tăng cường, hiệu quả bảo vệ trước Omicron cũng giảm nhanh theo thời gian. Ảnh: Freepik. |
Một số nhà khoa học nghiên cứu kháng thể được tạo ra từ người khỏi Covid-19. Nếu họ trộn chúng với biến chủng khác, các kháng thể làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn virus lây nhiễm vào tế bào người. Nhưng nếu họ trộn nó với Omicron, virus vẫn có thể xâm nhập vào bên trong tế bào. Điều đó có nghĩa đột biến Omicron tạo ra đã thay đổi hình dạng của protein gai, giúp virus xâm nhập tế bào tốt hơn.
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được công bố trên tạp chí New England gần đây cũng cho thấy những người bị nhiễm phiên bản gốc của Omicron có thể dễ dàng bị tái nhiễm BA.4 và BA.5, đặc biệt nếu họ chưa được tiêm chủng, CNN cho hay.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature giữa tháng 6 phát hiện Omicron có thể tiến hóa đột biến để loại bỏ khả năng miễn dịch khi nhiễm BA.1. Điều này cho thấy vaccine mũi tăng cường dựa trên BA.1 có thể không đạt được khả năng bảo vệ tốt khi chống lại các chủng Omicron phụ mới như BA.4, BA.5.
Với những thông tin này, tiến sĩ Wesley Long, Bệnh viện Houston Methodist, Mỹ, nhấn mạnh chúng ta cần hiểu việc tái mắc là tất yếu và không nên chủ quan hay hoảng sợ.
Tái tiêm vaccine là không thể tránh khỏi nhưng công thức cần điều chỉnh
Một số nhà sản xuất vaccine đã và đang chỉnh sửa công thức điều chế cho biến chủng cụ thể nhằm cải thiện phản ứng kháng thể.
Một số nghiên cứu chỉ ra việc tiêm phòng đầy đủ cùng một mũi nhắc lại cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại Omicron, ít nhất trong thời gian ngắn. Nếu không có mũi tăng cường (chỉ tiêm 2 liều), vaccine Pfizer, Moderna cung cấp khả năng bảo vệ thấp hơn, nhưng vẫn giúp tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng do Omicron.
Khi nghiên cứu với người tiêm đủ hai mũi sau khi khỏi Covid-19, kháng thể của họ có tác dụng bảo vệ rất mạnh mẽ chống lại Omicron.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu tại các nước cho kết quả khá phong phú về hiệu quả của hai mũi tiêm chủng. Ở Nam Phi, các nhà nghiên cứu phát hiện hai liều vaccine Pfizer-BioNTech có hiệu quả chống lại lây nhiễm Omicron chỉ là 33%. Với các biến chủng khác, hiệu quả của nó là 80%.
Nora Gossett, 7 tuổi, phản ứng khi được bác sĩ Sophia Jan tiêm cho mũi vaccine Pfizer đầu tiên ở Trung tâm Y tế Trẻ em Cohen, New Hyde Park, New York, Mỹ, ngày 4/11/2021. Ảnh:Andrew Kelly/Reuters. |
Ở Anh, các nhà nghiên cứu phát hiện những người đã tiêm hai liều vaccine AstraZeneca không được bảo vệ khỏi Omicron sau 6 tháng tiêm. Hai liều Pfizer-BioNTech có hiệu quả chỉ 34%. Nhưng một mũi tăng cường giúp hiệu quả của nó tăng lên 75%.
Tuy nhiên, các mũi tiêm tăng cường có thể mất dần hiệu quả theo thời gian. Trong một nghiên cứu của Anh, các nhà khoa học phát hiện mũi vaccine tăng cường sẽ giảm dần hiệu quả chống lại lây nhiễm Omicron có triệu chứng sau 10 tuần.
Theo bà Pavitra Roychoudhury, khoa Y học Phòng thí nghiệm và Bệnh học, Đại học Washington, Mỹ: "Việc tái tiêm vaccine Covid-19 là điều không thể tránh khỏi cho đến khi chúng ta có vaccine thế hệ mới hoặc biện pháp khác". Vaccine vẫn sẽ giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong. Nhưng yêu cầu điều chỉnh công thức là rất cấp thiết. Vì đa số vaccine hiện nay đều dựa vào chủng nCoV gốc - gây bệnh cách đây hơn 3 năm.