Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Khách Tây mách nhau ăn quán vỉa hè, học nói 'rau mùi' khi đến Việt Nam

Hãy học câu nói "không rau mùi" khi gọi món, chọn quán ăn chỉ toàn người bản địa,... là những điều một số du khách quốc tế truyền tai nhau mỗi khi đến Việt Nam.

Đến Việt Nam lần đầu tiên để thăm bạn, sẵn tiện độc hành du lịch vào tháng 2, Panhlauv Panh (23 tuổi, quốc tịch Pháp - Campuchia, sống tại Mỹ, làm việc trong lĩnh vực phát triển quốc tế) cho biết đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại đất nước hình chữ S, đặc biệt là thưởng thức món ăn truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán, ngắm nhìn một Hà Nội tĩnh lặng hiếm có.

Còn James (27 tuổi, ngụ Brisbane, Australia) - người đã dừng chân tại 8 tỉnh, thành tại Việt Nam từ đầu năm đến cuối tháng 2 - lại cho rằng khu vực miền Trung, nơi có biển, thu hút anh hơn miền Bắc. Song, Hà Nội, Hội An là điểm đến đáng tham quan hàng đầu.

Nhất định phải ghé Hà Nội

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Panhlauv nói rằng khi thăm Hà Nội, nhiều du khách mong muốn được chiêm ngưỡng khung cảnh hồ Hoàn Kiếm thanh bình vào buổi sớm hay phố đường tàu sôi động. Họ thường bỏ qua một phần quan trọng trong việc trải nghiệm văn hóa là sự phong phú các hàng quán cà phê, khung cảnh ẩm thực của Hà Nội.

du khach quoc te anh 1

Panhlauv cùng bạn tham quan Ninh Bình. Ảnh: Panhlauv Panh.

Panhlauv may mắn được một người bạn địa phương giới thiệu nhiều tụ điểm vui chơi với giá cả phải chăng, hòa mình "đúng nghĩa" vào cuộc sống người dân, ngồi nhâm nhi tách cà phê bên lề đường. Đối với Panhlauv, việc bắt đầu mỗi ngày bằng ly cà phê sữa đá hay cà phê trứng không đơn thuần là thưởng thức cà phê địa phương, mà còn đi sâu vào tìm hiểu văn hóa của Hà Nội, nơi hội tụ yếu tố truyền thống và hiện đại.

"Tôi nghĩ điều này là một phần không thể thiếu khi đặt chân đến thủ đô, ngoài tham quan di tích lịch sử. Ngồi tại các quán cà phê ven đường là cách rõ nhất để du khách kết nối với thành phố, cảm nhận 'nhịp đập' của thủ đô, quan sát bối cảnh và những điều hiện diện tại đây", Panhlauv tâm sự.

Đồng quan điểm, James cho rằng việc uống cà phê vào sáng sớm tại Hà Nội mang đến cảm giác khác biệt so với tỉnh, thành khác anh từng ghé.

"Hà Nội là một thủ đô cổ kính, nhiều công trình kiến trúc, khu nhà xưa. Tôi thích cảm giác vừa thưởng thức ly cà phê vào lúc 6h, vừa ngắm nhìn tòa nhà cũ, cảnh sinh hoạt của người dân. Mọi thứ rất yên bình", James chia sẻ.

Về ẩm thực Hà thành, Panhlauv không chọn Phở (món ăn trứ danh truyền thống của Việt Nam) hay bánh mì, mà muốn dấn thân tìm hiểu món ăn khác, chẳng hạn bún ốc, bún riêu và bún chả.

Chàng trai mang hai quốc tịch mê hương thơm từ miếng chả, thịt lợn nướng ăn cùng với bún tại một quán ở phố Hàng Than; bát xôi đầy ắp topping tại phố Thợ Nhuộm hay miếng chả cá Thăng Long. Thông qua một bát bún chả, một ly cà phê, Panhlauv chia sẻ anh có thể cảm nhận được sự sôi động nhưng không kém phần cổ kính ở thủ đô Việt Nam.

Ngoài ra, Panhlauv cho biết thêm du khách nhất định phải đến Ninh Bình tham quan hệ thống hang động, dừng chân tại Huế tìm hiểu lịch sử và thử cà phê muối, ghé Nha Trang đi dạo trên bãi biển đầy cát trắng, nhảy múa tại các club ven biển.

Mẹo tránh bẫy du lịch

Rời miền Bắc - nơi có bạn bè - để bắt đầu chuyến tham quan Việt Nam một mình, Panhlauv thích lang thang trên đường phố tại điểm đến mà không có kế hoạch, để sự tò mò dẫn lối. Cách khám phá mọi thứ theo hướng tự phát này tình cờ giúp anh tìm thấy những món ăn đường phố chuẩn hương vị địa phương, tránh gặp phải quán ăn chỉ phục vụ du khách.

Theo Panhlauv, có 3 điều khách du lịch nên lưu ý khi lựa chọn hàng quán, dựa vào sự đúc kết từ nhiều năm du lịch vòng quanh châu Á:

Một, đừng quá chú trọng vào việc hàng quán có thực đơn bằng tiếng Anh hay không. Theo kinh nghiệm của Panhlauv, anh cho rằng đây là những địa điểm thường có giá tương đối cao, nhưng chất lượng đồ ăn không đảm bảo chuẩn vị địa phương.

Hai, nếu có ý định đến thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng, du khách cân nhắc né những khung giờ cao điểm, có thể ghé vào sáng sớm hoặc lúc vãn khách.

Ba, tìm quán ăn có nhiều người dân địa phương. Panhlauv cho rằng một quán ăn thu hút đông đảo dân bản địa là một tín hiệu khả quan về hương vị món ăn. Nhiều du khách sẽ lo ngại về vấn đề gọi món lần đầu tiên tại đây. Tuy nhiên, khi bước qua vùng an toàn, bạn có thể đặt chân đến cảnh giới khác về ẩm thực, con người tại điểm đến đó.

Ngoài ra, liên quan đến mẹo tránh bẫy du lịch, James cho biết du khách nên tự học và nhận biết một vài từ vựng địa phương như bò, gà, rau mùi, đặc biệt... để xác định đúng món ăn.

Bên cạnh đó, khách có thể khảo sát trước giá dao động của món ăn, chẳng hạn phở thường có giá từ 50.000-80.000/bát. Từ đó, bạn trẻ này chuẩn bị tiền với mệnh giá lớn hơn như 100.000 đồng để giảm thiểu tình trạng lúng túng khi trả tiền đồ ăn.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Khách Tây săn đồ cổ trong quán cà phê hẻm sâu ở TP.HCM

Sau gần 10 năm hoạt động, chợ đồ cổ trong lòng quán cà phê vẫn đều đặn đón khách du lịch và người dân thành phố đến tham quan, mua sắm vào 2 ngày cuối tuần.

Khu ẩm thực Tây, Hàn, Nhật, Trung kín khách ngoại ở TP.HCM

Ngoài thưởng thức ẩm thực địa phương, du khách quốc tế đến TP.HCM còn dễ dàng tìm kiếm món ăn phong cách châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... ngay trong lòng thành phố.

Khu ẩm thực Tây, Hàn, Nhật, Trung kín khách ngoại ở TP.HCM

Ngoài thưởng thức ẩm thực địa phương, du khách quốc tế đến TP.HCM còn dễ dàng tìm kiếm món ăn phong cách châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... ngay trong lòng thành phố.

Tường Vi

Bạn có thể quan tâm