Nhân sự đồng loạt xin thôi việc khi vừa trở lại văn phòng sau Tết. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Sau khi nhận lì xì của cấp trên, chúc Tết đồng nghiệp trong ngày làm việc đầu tiên, Trâm Anh (24 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trở về bàn, khởi động máy tính và “lướt” mạng xã hội để tìm việc làm.
Nữ nhân viên văn phòng này đã chỉnh sửa xong CV, porfolio trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, và lặng lẽ rải hồ sơ ngay khi trở lại chốn công sở.
Trâm Anh đã ấp ủ dự định nhảy việc từ cuối năm ngoái. Nhưng cô kéo dài thời gian tới tận bây giờ để nhận khoản thường Tết bằng 2,5 tháng lương, cũng như tránh mang tiếng "ăn cây táo rào cây sung" khi thôi việc ngay dịp đầu năm.
“Ra Giêng, tôi hạ quyết tâm nghỉ việc. Tôi mong muốn nhận mức lương, thưởng tốt hơn, không còn hài lòng với thu nhập 10 triệu đồng/tháng”, Trâm Anh chia sẻ với Tri thức – Znews.
Nhân sự chuyển đổi công việc sau Tết Nguyên đán để tìm kiếm vị trí có phúc lợi tốt hơn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Theo khảo sát do Resume Builder thực hiện tại Mỹ trước thềm năm mới 2024, 1/2 ứng viên cho biết đang tìm kiếm công việc mới. Trong khi đó, 48% không ứng tuyển vào các vị trí khác, nhưng vẫn sẵn sàng đón nhận cơ hội việc làm tốt hơn.
Đối mặt với tốc độ phát triển kinh tế chậm, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn trạng thái “nằm im chờ thời”. Tỷ lệ nghỉ việc của thanh niên quốc gia này tăng đến mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023. Số liệu này được dự đoán không thay đổi nhiều trong đầu năm 2024, theo CNN.
Tại Việt Nam, theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search, thị trường lao động Việt Nam sau Tết Nguyên đán được coi là "mùa nhảy việc".
Hết Tết, nhân sự ồ ạt nhảy việc
Doanh nghiệp của Đức Hùng (27 tuổi, quận 8, TP.HCM) thông báo ngày làm việc trở lại sau Tết Nguyên đán là ngày 19/2. Tuy nhiên, kỹ sư công nghệ này sử dụng toàn bộ ngày phép còn lại, nghỉ đến hết ngày 23/2. Trong thời gian này, Hùng tranh thủ đi phỏng vấn tại 2 đơn vị đã đặt lịch hẹn trước Tết Âm lịch.
Do số lượng dự án đầu năm không nhiều, anh mạnh dạn xin nghỉ phép dài ngày, không lo ngại ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung của đội nhóm.
Kế hoạch nhảy việc của Đức Hùng bắt đầu nhen nhóm từ tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, anh trì hoãn quyết định để đón làn sóng tuyển dụng đầu năm, cho rằng nhiều cơ hội tốt thường đến vào dịp này. Hơn nữa, kỹ sự công nghệ cũng lo ngại về khả năng thất nghiệp trước Tết.
“Tính tôi vốn ‘ăn chắc mặc bền’. Tôi chỉ xin nghỉ ở công ty hiện tại nếu nhận được thư mời làm việc từ doanh nghiệp khác”, Hùng tâm sự.
Khác với Đức Hùng, nhân viên truyền thông Thảo Vân (23 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lập tức soạn đơn xin thôi việc trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán. “Giọt nước tràn ly” đẩy cô đến quyết định gấp gáp này là cường độ công việc cao, dẫn đến tình trạng quá tải trong kỳ nghỉ lễ.
Thảo Vân quyết tâm xin nghỉ ngay sau Tết Âm lịch vì phải làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ. |
“Thường ngày, tôi vẫn phải trả lời tin nhắn, email công việc vào buổi tối, dịp cuối tuần. Tôi nghĩ rằng tình trạng này đỡ hơn trong kỳ nghỉ lễ, nhưng hiện thực trái ngược với tưởng tượng của tôi”, Vân cho biết.
Trong suốt Tết Âm lịch, Thảo Vân luôn mang theo laptop khi ra khỏi nhà. Cô thậm chí phải kiểm tra điện thoại mỗi 5-10 phút vì sợ bỏ lỡ tin nhắn, cuộc gọi quan trọng liên quan đến công việc.
Công ty cô mới nhận một dự án với đối tác nước ngoài trước kỳ nghỉ. Do khách hàng không đón Tết Nguyên đán, họ vẫn giục tiến độ công việc, đặt ra hàng loạt deadline trong dịp lễ hội của người Việt. Là nhân sự phụ trách dự án, Vân không dám lơ là.
Nhận thấy con gái không được nghỉ ngơi, vẫn làm việc đến 2-3h sáng ngày 30 Tết, mùng 1 và 2 Tết, bố mẹ Thảo Vân khuyên cô nghỉ việc, tìm kiếm vị trí khác. Về phần mình, Vân cũng muốn hưởng chế độ đãi ngộ tốt hơn.
“Ít nhất tôi phải có ngày nghỉ”, nữ nhân viên văn phòng nói.
Quản lý ứng phó
Sau Tết Nguyên đán là giai đoạn nhiều nhân sự tìm kiếm môi trường làm việc mới để phù hợp hơn với nhu cầu cuộc sống và sự nghiệp.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, “mùa nhảy việc” cũng chính là “mùa tuyển dụng”. Các công ty mở rộng, thay đổi quy mô kinh doanh, mặt khác phải chia tay nhiều nhân sự cũ, vì vậy đặt ra nhu cầu tìm kiếm người đồng hành kế nhiệm.
Tuy vậy, trong làn sóng sa thải xảy ra tại rất nhiều công ty, “mùa nhảy việc” sẽ khó khăn, cạnh tranh cao hơn khi nhiều doanh nghiệp không còn có chính sách tuyển dụng cởi mở như trước.
Chính sách tuyển dụng ngày càng thắt chặt của các doanh nghiệp khiến “mùa nhảy việc” trở nên khó khăn, cạnh tranh hơn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Đoán biết một số nhân sự có ý định xin thôi việc từ trước Tết, trưởng phòng hành chính Hồng Hà (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không bất ngờ khi nhận 3 đơn xin nghỉ trong những ngày làm việc đầu năm.
Ngồi ở vị trí quản lý, Hồng Hà đã quen với làn sóng nhảy việc dịp đầu xuân năm mới. Cô dự định chỉ thuyết phục một nhân viên “cứng” ở lại và phê duyệt đơn xin nghỉ của 2 người còn lại.
Từ đầu năm, Hà sớm nhận được quyết định cắt giảm quỹ lương từ lãnh đạo doanh nghiệp. Với sự ra đi của 2 nhân sự, Hồng Hà dễ dàng cân đối lương, thưởng cho cấp dưới hơn.
“Trong cái rủi có cái may, nhờ nhân viên chủ động xin thôi việc, tôi không phải khó xử khi trực tiếp giảm mức thu nhập của mọi người”, Hà nói.
Nhận thấy công việc của bộ phận không đến mức quá tải trong quý đầu năm, quản lý này chưa có ý định tuyển dụng nhân viên mới. Cô chỉ đưa ra quyết định tuyển người khi khối lượng công việc tăng cao hoặc ban lãnh đạo nới lỏng quỹ lương.
Tương tự Hồng Hà, Tuấn Anh (36 tuổi, quận 4, TP.HCM), quản lý cấp trung tại một công ty quảng cáo, nhận 2 email xin nghỉ của nhân sự trong tuần làm việc đầu năm.
Không được phân bổ quỹ lương lớn, Tuấn Anh ngại đăng tải thông báo tuyển dụng, bao gồm mức thu nhập, lên mạng xã hội. Ngoài ra, anh cũng không muốn bỏ công sức đào tạo nhân viên mới từ A - Z.
Vì vậy, quản lý này gặp riêng từng nhân sự xin nghỉ để tìm cách giữ chân.
Biết rằng không thể đưa ra mức lương, thưởng tốt hơn cho cấp dưới, anh thuyết phục bằng các lợi ích khác như chuyển đổi vị trí công tác hay xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng.
“Tôi không dám hứa nhiều, chỉ có thể đem đến những quyền lợi trong tầm tay cho nhân sự”, Tuấn Anh nói.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.