"Bánh tráng cứng, nhai muốn rụng cả răng".
"Cá đã mặn mặn, hành phi mỡ mỡ lại còn ăn với bơ ngọt như thế này".
"Không hợp khẩu vị thì thôi 5 điểm".
Sau khi nhận những lời chê bai kể trên của TikToker Võ Hà Linh trong một clip review hồi tháng 3, T.T., chủ tiệm bánh tráng, cho biết việc kinh doanh của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không chỉ doanh số sụt giảm, cửa hàng này thường xuyên nhận bình luận công kích và bị khách "bùng" đơn hàng.
"Tôi biết mình mới kinh doanh nên cũng còn nhiều lỗi cần phải khắc phục. Nhưng khẩu vị thì mỗi người một khác và TikToker này đã chê quán tôi với một thái độ rất cợt nhả, chứ không phải theo kiểu góp ý. Vì một clip review mà giờ đây tôi phải rất trầy trật mới có thể trụ nổi", T.T. nói với Zing.
Làn sóng food review từng là "vị cứu tinh"
Hôm 12/4, TikToker Võ Hà Linh đã xin lỗi, đồng thời tuyên bố dừng hẳn việc review hàng quán sau loạt lùm xùm trên mạng xã hội.
"Việc review quán ăn là hoàn toàn sai, vì ngon hay dở là tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng miền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hàng quán".
Từng được mệnh danh là "chiến thần review", tự nhận không ngại khen chê bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, thời gian gần đây, Hà Linh bị chỉ trích vì những đánh giá quá cá nhân và không đủ chuyên môn.
Nhiều người cho rằng các clip review của TikToker này dưới cái mác "cảm nhận cá nhân" đang hạ bệ, gây thiệt hại đối với nhà hàng, quán ăn.
Làn sóng chỉ trích đối với Hà Linh cho thấy mọi người đang thay đổi cách nhìn đối với những người làm nghề review trên TikTok, đặc biệt trong mảng ẩm thực. Thay vì chỉ còn nghe và tin theo, người xem bắt đầu phản hồi, chất vấn, bày tỏ nghi ngại và thậm chí sẵn sàng tẩy chay với nội dung không lành mạnh.
Hà Linh bị chỉ trích vì loạt clip review hàng quán. |
Từng đối mặt với nguy cơ đóng cửa vào năm 2022, nhà hàng Frankensons Pizzeria (Las Vegas, Nevada, Mỹ) trở nên đông đúc, phục vụ không kịp dòng người xếp hàng chờ đợi sau khi xuất hiện trong clip review của TikToker Keith Lee hồi tháng 1.
Chủ nhà hàng cho biết điện thoại đổ chuông không ngừng và nhận được hàng trăm đơn hàng mỗi ngày, đồng thời ca ngợi Lee như "vị cứu tinh" của mình.
Ngược lại, Lee cũng đã hoàn toàn "đổi đời" nhờ clip ăn thử và đánh giá này. Anh có thêm hàng triệu người theo dõi và hiện được vinh danh trong danh sách Visionary Voices của nền tảng.
Vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, các nhà hàng đóng cửa với số lượng kỷ lục và cho nhân viên nghỉ việc. Trong khi đó, trên mạng xã hội, các blogger về ẩm thực cũng phải vật lộn để tìm kiếm nội dung.
The Washington Post nhận định nhiều nhà hàng và TikToker đã bắt tay, cùng nhau sống sót sau đại dịch. Câu chuyện vực dậy của Frankensons Pizzeria là minh chứng cho sự hợp tác thành công.
Vào tháng 6/2022, phó Chủ tịch cấp cao của Google Prabhakar Raghavan nói rằng "gần 40% thanh niên khi tìm kiếm một địa điểm ăn trưa, họ không truy cập Google Maps hoặc công cụ tìm kiếm, mà vào TikTok hoặc Instagram".
Turner Novak, nhà đầu tư mạo hiểm, người sáng lập Banana Capital và viết bản tin The Split, cho biết: "Tôi nghĩ Gen Z chỉ thích tìm kiếm trực quan. Bạn có thể thấy điều đó trong mức độ tương tác của TikTok".
Nghiên cứu của công ty tiếp thị MGH cho thấy TikTok có ảnh hưởng lớn đến quyết định ăn uống của người dùng.
Hơn một phần ba số người được hỏi nói rằng họ đã ghé thăm một nhà hàng sau khi xem các video review trên nền tảng.
Một số người dùng cho biết họ đã đi một quãng đường rất xa để ăn thử những món được TikToker review. 1/5 người dùng đã đến một thành phố khác để ghé thăm nhà hàng xuất hiện trên nền tảng.
Ngày càng ảo tưởng sức mạnh
Tuy nhiên, sức ảnh hưởng cũng đang tạo nên sự ảo tưởng đối với nhiều TikToker. Sau loạt clip review "lành tính" trong thời gian khó khăn của dịch bệnh, không ít TikToker chuyển hướng thành "chuyên gia phê bình ẩm thực online", với những đánh giá gay gắt, cực đoan hơn.
Một bộ phận bị nhầm lẫn hay thậm chí cố tình đánh tráo khái niệm KOL và KOC.
KOL (Key Idea Leader) là người nổi tiếng có chuyên môn và tầm ảnh hưởng nhất định trong một lĩnh vực nào đó liên quan đến sản phẩm dịch vụ. Còn KOC (Key Opinion Customer) là người có khả năng ảnh hưởng sâu đến quyết định mua hàng thông qua việc trải nghiệm sản phẩm.
Review tiêu cực hoàn toàn có thể phá hủy các nhà hàng. Theo ứng dụng hỗ trợ đặt chỗ ăn uống Wowapps, một bài đánh giá tiêu cực có thể khiến hàng quán mất hàng chục khách hàng và 3 bài review chê bai có thể khiến 59% khách hàng tiềm năng sẽ không dùng bữa tại nhà hàng đó.
Nhiều nhà hàng giờ đây không còn muốn chào đón TikToker. |
Nhưng điều đáng sợ của một clip review trên TikTok là nó có thể kéo theo hàng trăm phản hồi tương tự. Giống như hiệu ứng domino, khi một người có ảnh hưởng chê bai một sản phẩm, dịch vụ nào đó, những người theo dõi có xu hướng hùa theo, dù chưa từng một lần trải nghiệm.
Chính vì vậy, nhiều nhà hàng ngày càng e dè với sự nổi tiếng, theo cách tiêu cực lẫn tích cực, trên TikTok.
Laurent Tourondel, chủ một nhà hàng lan truyền trên TikTok vào năm 2021, cho biết: "Thật điên rồ! Hôm trước bạn đang phục vụ bình thường nhưng ngày tiếp theo lượng khách tăng gấp đôi vì ai đó đã đăng video về đồ ăn và không gian quán lên mạng xã hội. TikTok đã giúp chúng tôi đẩy nhanh sự nổi tiếng của mình. Nhưng chúng tôi không muốn nổi tiếng và bị chi phối bởi các bài đăng trên nền tảng này".
Trao đổi với Zing, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa) cho biết các reviewer phải có trách nhiệm với những lời nhận xét, đánh giá của mình. Nếu cố tình đăng tải thông tin sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang dư luận hoặc ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, người làm nội dung có thể phải trả giá trước pháp luật.
Luật sư Giáp cho biết có thể dựa vào một số tiêu chí như: tính đúng đắn của nội dung đăng tải; ảnh hưởng của nội dung đăng tải tới Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác; ảnh hưởng tới hoạt động quản lý của Nhà nước; tính hợp pháp của hình thức và nội dung đăng tải… để xác định hành vi review, đánh giá của các TikToker là sai trái hay đúng pháp luật.
Vị luật sư cũng nhấn mạnh chủ nhà hàng, quán ăn có thể khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại nếu cho rằng các TikToker đã đưa thông tin sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ, gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình hoặc gây tổn thất tinh thần cho chính bản thân họ.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.