Khi gái già bị cấm… lấy chồng
Nhà nào có gái già thường chỉ lo ngay ngáy muốn “tống đi” cho xong. Ấy vậy mà Phương lại bị bố và các anh em tìm đủ cách giữ làm “bà cô”.
>> 'Máy bay bà già' khổ vì chuyện phòng the
>> Những nỗi sợ của trai già độc thân
Phương 38 tuổi, cầm tinh con Hổ. Đã là gái tuổi Dần, lại còn không xinh đẹp, con nhà nghèo, nên cô ế. Đến khi đã an phận thì bỗng có vài anh muốn cưới, thế là gia đình náo loạn.
“Đã nhịn, sao không nhịn cho trót?”
Nhận được lời cầu hôn, thấy người ta có vẻ chân thành, gia cảnh cũng tương đồng, Phương nghĩ cũng đã đến lúc cô cần có một gia đình riêng, bởi ít năm nữa khi các anh em lấy vợ hết, cô sẽ thành kẻ ăn nhờ ở đậu ngay trong chính nhà mình. Khi nói chuyện này với cả nhà, Phương tưởng mọi người sẽ mừng cho mình, không ngờ ai nấy đều lặng ngắt. Mãi sau bố cô mới bảo: “Năm nay mày Kim Lâu, cưới xin gì”.
Khi gặp bố vợ tương lai, người đàn ông của Phương nói hết nước hết cái, ông vẫn dứt khoát không cho cưới sớm: “Con Phương nhà tôi là con nhà tử tế, có phải loại chửa hoang đâu mà phải cưới vội. Cậu mà thật lòng với nó thì phải chờ”. Anh rể đành chịu, xin năm sau cưới sớm, nhưng ông già thủng thẳng: “Năm sau giỗ mẹ nó, tôi định sang cát cho bà ấy luôn, sau đó có cưới xin gì hẵng hay”. Hỏi ra thì giỗ mẹ Phương là vào giữa tháng Chạp, và bố cô bảo sau đó thì năm hết Tết đến rồi nên để qua năm hẵng tính. Thấy ông già cố tình “câu giờ” trong khi bản thân đã ngoại tứ tuần, cha mẹ giục phải cưới gấp sinh con gấp, anh bạn trai của Phương đành rút lui.
Nửa năm sau đó, một người quen giới thiệu cho Phương một anh kinh tế rất khá, phải cái đã có một đời vợ với hai đứa con trai, tướng lại vừa béo vừa hói. Anh này ưng Phương ở cái tính chăm chỉ, thu vén, biết quan tâm chăm sóc người khác, trái ngược với cô vợ cũ, nên cũng nhiệt tình hỏi cưới. Nhưng cả nhà Phương chẳng ai nở một nụ cười khi anh đến gặp. Ông bố bảo: “Không có chuyện con Phương đi làm vợ hai, nuôi con hộ người ta”. Khách về, thấy Phương khóc, cậu em bảo: “Chị tiếc làm gì, ông này phải làm sao thì vợ mới bỏ chứ. Mà béo ục ịch như thế chắc gì đã còn chức năng đàn ông, chị cũng chỉ làm osin cho người ta thôi”.
Người đàn ông thứ ba bị cả nhà Phương phản đối vì “đã thấp bé xấu trai lại còn dân Thanh Hóa”. Lần này, Phương lên tiếng: “Con cũng có đẹp gái hơn người ta đâu. Quê nào mà chả có người xấu người tốt”. Ông bố gầm lên: “Hóa ra mày mót trai đến thế hả, đồ hư đốn? Ham thế sao không lấy chồng từ hồi 20 đi, giờ quá lứa lỡ thì còn định vơ đại để bôi tro trát trấu vào mặt gia đình hả?”. Anh trai Phương vội can bố rồi lấy giọng ôn tồn khuyên em gái: “Thôi đằng nào cô cũng giữ mình được đến tuổi này rồi, chịu khó an phận là hơn, con gái tuổi Dần lấy chồng khó sướng lắm. Gần 40 rồi, sinh đẻ cũng khó, nhỡ đẻ ra con bệnh down thì đời cô còn khổ nhục thế nào. Thôi cứ ở nhà chăm sóc bố và giúp đỡ anh em, sau này cô già yếu còn có anh em và các cháu lo cho, ruột thịt chẳng hơn người dưng nước lã ư?”.
Đến đây, Phương nhận ra tại sao gia đình cản trở cô đi lấy chồng: vì những người đàn ông trong nhà đã quen được hầu hạ, từ miếng cơm, chén nước đến tấm áo manh quần đều được phái nữ trong nhà phục vụ tận răng. Đến khi mẹ cô qua đời, toàn bộ những việc ấy trút cả lên vai Phương. Trừ người anh thứ 2 đã lập gia đình, ra ở riêng, còn em út đang học lớp 12, anh cả đã 45 hầu như không có hy vọng lấy vợ. Cả 3 người đàn ông trong nhà đều quen ỷ lại vào Phương.
Chị xuất giá thì lấy ai làm osin?
Không hiếm những cô gái “quá lứa” chỉ vì muốn dành tâm sức giúp đỡ gia đình, đến khi muốn nghĩ chuyện riêng tư lại bị chính những người thân ngăn cản. Xuân cũng vậy. Cô là chị cả của 3 đứa em trai. Bố mất sớm, mẹ sức yếu, Xuân cùng mẹ tảo tần nuôi các em nên phải bỏ học sớm. Các em cô đều được chu cấp đến lúc tốt nghiệp đại học hay cao đẳng, tùy sức học và khi đứa út đi làm, Xuân đã ngoài 30, bắt đầu muốn tìm chồng nên duyên chưa đến. Thế rồi thằng em thứ hai lấy vợ, sinh con, mẹ ốm đau nên Xuân chẳng những cáng đáng toàn bộ việc nhà mà còn chăm sóc em dâu cùng cháu nhỏ. Cả đại gia đình đều mặc nhiên coi Xuân là không đi lấy chồng, sẽ phục vụ mọi người trong nhà đến hết đời.
Khi Xuân báo sẽ lấy một anh bộ đội là lúc cô em dâu thứ mới có bầu. Nhận thông tin trên, cô ta làu bàu với chồng: “Chị Hoài (dâu cả) hên thật, đẻ hai đứa con đều có bác chăm. Giờ có lẽ thấy sắp phải chăm cả con mình nên bác chạy mất. Em đúng là số khổ”. Anh chồng bảo: “Khổ quá thì thuê osin”. “Anh mơ à? Lương ba cọc ba đồng, đến nhà không mua nổi phải ở chung lại còn…”. Rồi cô tỉ tê, số chị Xuân là số khổ, có lấy chồng cũng chỉ hầu hạ người ta chứ sướng gì, thà cứ ở với người nhà có hơn không; mẹ cũng già yếu rồi, ai chăm mẹ cho bằng con gái; rằng mấy anh em còn bận kiếm tiền, lo con cái cũng đủ mướt mồ hôi… khiến anh chồng dần dần cũng cảm thấy chị mình chẳng cần phải lấy chồng làm gì. Được cái nàng dâu cả nghĩ đến chuyện chị đi lấy chồng cũng hoảng, sợ trọng trách gia đình rơi xuống vai mình, bèn ra sức dèm pha chồng tương lai của chị. Mấy anh chị em đồng tâm hợp lực, thế là Xuân không xuất giá nổi.
Hy sinh có lẽ là đức tính được ca ngợi nhiều nhất ở phụ nữ Việt Nam, đến mức nhiều khi người ta mặc nhiên coi đó là nghĩa vụ. Cùng với tư tưởng trọng nam, khi gia đình khó khăn cần một đứa con hy sinh sự nghiệp riêng cho tương lai những đứa còn lại, dĩ nhiên người hy sinh là đứa con gái – kẻ sẽ phải nghỉ học đi làm để những đứa con trai được học hành, lập thân. Ngoài chuyện nhiều cô gái già được khuyến khích ở vậy lo cho đại gia đình, có không biết bao nhiêu cô gái bị đẩy đi lấy chồng mà không có tình yêu, cũng để có tiền lo cho gia đình. Trong số những thiếu nữ lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, có không ít cô “nhắm mắt đưa chân” chỉ vì lời tha thiết của bố mẹ: “Thôi con hãy vì các em, vì cái gia đình này”.
Hầu hết những cô gái được đề nghị quên chuyện riêng để giúp đỡ gia đình như thế đều cảm thấy tội lỗi nếu không đáp ứng, quên mất rằng quyền mưu cầu hạnh phúc riêng với họ cũng chính đáng như những anh em khác.
Theo Đất Việt