"Part-timer terrorism" (Kẻ khủng bố bán thời gian) là thuật ngữ mới được truyền thông Nhật Bản sử dụng để ám chỉ những nhân viên bán thời gian có hành vi phá hoại doanh nghiệp - chủ yếu là các nhà hàng và cửa hàng tiện lợi.
Trong tiếng Nhật, những "kẻ khủng bố bán thời gian" được gọi là "baito tero" (kết hợp của "arubaito" có nghĩa công việc theo tiếng Nhật, và từ tiếng Anh "terrorism" có nghĩa là khủng bố).
Một số kẻ đã bị bắt quả tang hành vi sai trái với các clip được tung lên mạng xã hội, The Guardian đưa tin.
Những kẻ "khủng bố"
"Baito tero" khác với hiện tượng "sushi terrorism" - cụm từ chỉ những kẻ có hành vi phá hoại trong chuỗi của hàng sushi khắp nước Nhật, gây chấn động dư luận vào năm 2023. Bởi trong các vụ "khủng bố sushi", thủ phạm là khách hàng chứ không phải nhân viên.
"Khủng bố sushi" từng là hiện tượng gây chấn động dư luận Nhật Bản vào năm ngoái. Ảnh: The Straits Times. |
Thực tế, "khủng bố bán thời gian" là cụm từ đã được cập nhật cách đây hơn một thập kỷ. Nhưng hàng loạt vụ việc nhức nhối trong thời gian gần đây khiến thuật ngữ này được sử dụng nhiều hơn, tạo nên một làn sóng tranh luận tại xứ Phù Tang.
Vụ việc nghiêm trọng nhất được ghi nhận gần đây là nhân viên một cửa hàng thuộc Domino's Pizza ngoáy mũi bằng ngón tay rồi bôi nó lên bột bánh pizza sống. Clip ghi lại cảnh này lan truyền trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) gây xôn xao.
Một vụ khác là nam nhân viên bán thời gian tại nhà hàng tự quay clip chính mình đang phun kem dành cho món tráng miệng của khách vào miệng đồng nghiệp.
Nhật Bản là quốc gia tự hào về những tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất và người tiêu dùng chẳng đòi hỏi gì hơn sự an toàn. Bởi vậy, Domino's Pizza Japan đã phải nhanh chóng trấn an công chúng bằng việc tuyên bố toàn bộ bột bánh pizza trong ca làm việc của kẻ phá hoại đã bị vứt đi.
"Chúng tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc nhất tới khách hàng vì bất kỳ sự khó chịu và bất tiện nào gây ra. Kể từ bây giờ, toàn bộ công ty sẽ cố gắng để ngăn chặn sự việc tái diễn và khôi phục niềm tin", thông báo của thương hiệu này viết.
Mua bảo hiểm cho "danh tiếng"
Không dễ để các nhà hàng có thể bảo vệ mình trước những kẻ "khủng bố bán thời gian", khi rõ ràng hành động của một cá nhân có thể gây dư luận xấu và hạ uy tín của cả một doanh nghiệp đồ sộ. Một khi đã dính phốt, khó mà lấy lại niềm tin từ khách hàng trong một sớm một chiều.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực để bảo vệ danh tiếng, và quan trọng là ngăn dư luận xấu gây ảnh hưởng đến doanh thu.
Theo Mainichi Shimbun, công ty bảo hiểm Tokio Marine & Nichido Fire Insurance đã bắt đầu bán "bảo hiểm chi phí danh tiếng" vào tháng 4/2019. Công ty này chịu rủi ro liên quan đến các bài đăng lan truyền trực tuyến, chẳng hạn như bài đăng về "khủng bố bán thời gian" và các sản phẩm bị nhiễm vật thể lạ.
Nhiều nhà hàng Nhật Bản phải mua bảo hiểm để bảo vệ danh tiếng khỏi những nhân viên "khủng bố bán thời gian". Ảnh: Bloomberg. |
Chính sách bao gồm chi phí tư vấn quản lý khủng hoảng, tư vấn với luật sư và xóa các bài đăng trực tuyến. Một công ty tư vấn làm việc với công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ các bên mua bảo hiểm tổ chức một cuộc họp báo xin lỗi và thành lập ủy ban bên thứ ba. Tính đến tháng 12/2023, số lượng người đăng ký đã tăng 20% so với một năm trước.
Công ty Bảo hiểm Sompo Nhật Bản đã bán các gói "Business Master Plus" đặc biệt, toàn diện kể từ tháng 7/2020. Công ty sẽ bồi thường các khoản phí pháp lý phát sinh khi giải quyết vấn đề và cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí về cách phản hồi các khiếu nại. Người đăng ký tăng lên hàng năm, đạt khoảng 20.000 người vào tháng 12/2023.
Đại diện của Sompo Japan cho biết: "Với nhận thức ngày càng tăng về quyền lợi của người tiêu dùng và sự bùng nổ của mạng xã hội, các công ty phải đối mặt với rủi ro thiệt hại kinh tế lớn hơn bao giờ hết. Nhu cầu bảo hiểm của các công ty, không chỉ đối với 'khủng bố bán thời gian', sẽ tiếp tục tăng".
Nhiều biện pháp cũng được áp dụng để chống lại kẻ phá hoại. Một số công ty đã kiện đòi bồi thường thiệt hại, trong khi những công ty khác kiện ra tòa yêu cầu bắt giữ một số người vì nghi ngờ cưỡng bức cản trở hoạt động kinh doanh.
Những người bị kết án phải đối mặt với án tù 3 năm và mức phạt tối đa là 500.000 yen (hơn 3.300 USD).
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.