Khi teen Việt hiến dâng hết mình cho thần tượng
Buộc cha mẹ phải có trách nhiệm với thần tượng của mình, dọa bỏ nhà đi, rạch tay để uy hiếp … vì không được đi xem thần tượng biểu diễn chưa phải là những hành động cuối cùng của giới trẻ.
>> Giải mã cơn sốt văn hóa Hàn của teen Việt
>> Fan nhạc Hàn ‘điên cuồng’ bám đuổi thần tượng
>> Dân mạng 'nổi đóa' với 'ca sĩ hút hầm cầu'
Họ còn nghĩ ra trò vái lạy, thậm chí hôn lên chiếc ghế thần tượng vừa ngồi. Không được định hướng, sự hâm mộ đã trở nên quá khích.
Sự quá trớn nguy hiểm
“Không hiểu họ đã từng hôn lên chiếc ghế của các bậc sinh thành bao năm dưỡng dục họ như vậy chưa”? Một bạn trẻ tại TP.HCM đã thốt lên như vậy khi đọc được thông tin trên các trang báo về việc không ít fan hâm mộ đã quỳ xuống hôn lên chiếc ghế mà ca sĩ Hàn Quốc vừa ngồi trong một đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Những sự cảnh báo đã được đưa ra không ít. Quan điểm của những nhà làm giáo dục, những người làm truyền thông cũng đã được đưa ra theo xu hướng nhiều lo ngại. Không đơn giản chỉ là một cái hôn lên ghế. Hành động quá trớn ấy có thể sẽ không dừng lại ở phát ngôn nặng nề trên các trang thông tin.
Đón thần tượng tại sân bay |
Trước đây, không ít lần truyền thông đã lên tiếng về những hành vi quá trớn thể hiện sự hâm mộ thái quá của các fan trẻ tại Việt Nam đối với các thần tượng nước ngoài. Việc vái lạy thần tượng, hôn ghế hay dọa nạt cha mẹ vì không được đi xem thần tượng biểu diễn. Thậm chí, T.T, một nam sinh viên còn quả quyết: “Sẽ không chọn một cô gái làm vợ nếu người đó mù tịt về Kpop, US - UK…”.
“Có lẽ giáo dục của chúng ta chưa tìm ra chiến lược cũng như chiến thuật hiệu quả để ứng phó với kịch bản này”, tiến sỹ Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP.HCM đã bày tỏ như vậy trong một cuộc trao đổi về hiện tượng này.
Theo tiến sỹ Huỳnh Văn Thông: “Hâm mộ là chuyện bình thường, nhưng đến mức hôn lên cả chiếc ghế của thần tượng vừa ngồi thì là hâm mộ cuồng. Mà có khi trên cả mức cuồng, đến mức mê tín dị đoan”. Tiến sĩ bộc bạch: “Có thể những bạn trẻ này là nạn nhân của xã hội giải trí hào nhoáng, họ "nghiện" và tôn thờ những thứ hào nhoáng, và điều đó có thể ảnh hưởng đến việc bản thân họ có tìm được giá trị sống thật sự hay không.
Bản thân một bạn trẻ 9x như Hoàng Uyên, sinh viên trường Đại học KHXH&NV cũng cảm thấy khó hiểu vì hành vi này. Uyên cho rằng: Gần như một hiệu ứng đám đông, người đầu tiên hôn ghế sẽ kéo theo những người khác hôn cùng theo vô thức. Những hành động biểu hiện lòng hâm mộ dễ chấp nhận như xin chữ ký, chụp ảnh lưu niệm, tặng hoa…đã đi quá xa. Đó chỉ là biểu hiện của một nhóm người thái quá nhưng nếu không hạn chế lại thì sẽ kéo theo nhiều hành vi khác thái quá hơn.
Ca sĩ Châu Việt Cường |
Mới đây một nữ sinh tố cáo bị thần tượng là nam ca sĩ Châu Việt Cường cưỡng hiếp. Chính bản thân cô đã tìm về tận nơi ca sĩ này đang ở và anh chàng ca sĩ cũng thừa nhận việc quan hệ với cô (nhưng trên cơ sở tự nguyện). Kiện cáo một thời gian ngắn thì cô rút đơn. Chưa nói đến những khúc mắc pháp lý, nhưng việc hâm mộ thái quá một thần tượng như diễn viên, ca sĩ thì hậu quả để lại cũng đã rõ ràng.
Lỗi của ai?
Là một người đào tạo về truyền thông lâu năm, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông cũng bày tỏ rằng: Truyền thông phải là người chịu trách nhiệm chính vì những hành vi quá trớn như vái lạy hay hôn ghế thần tượng. Ông nói: "Truyền thông đã dẫn nhiều bạn trẻ đến với việc định nghĩa khái niệm thành đạt dựa trên sự hào nhoáng và các ảo tưởng về cảm xúc thăng hoa. Họ tìm thấy niềm vui thăng hoa gì đó trong việc được đụng chạm vào những giá trị hào nhoáng nào đó, thậm chí là đụng vào một chiếc ghế chẳng hạn..."
Fan cuồng của HKT |
Quan điểm của người làm giáo dục và đào tạo lâu năm này cho rằng: trong dòng chảy của các hoạt động giao lưu văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ thời gian gần đây đã gây ra nhiều thứ hệ quả và hệ lụy. Hệ quả là thanh niên được tiếp cận với nhiều nền văn hóa, với nhiều sự kiện nhờ đó mà thay đổi nếp nghĩ, thay đổi nhận thức về các giá trị theo hướng quốc tế hóa.
Nhưng hệ lụy là ở chỗ, sự quyến rũ của các hiện tượng văn hóa nước ngoài do "khác lạ" có thể dẫn giới trẻ đến việc chối bỏ các giá trị truyền thống mà họ cho là nhàm chán vì quá quen thuộc với họ. Và vì thế nhiều người có thái độ sùng bái các yếu tố bên ngoài tới mức phát cuồng.
Giải pháp giáo dục truyền thông sẽ được nói đến trước tiên. Chỉ có cách dạy cho các bạn trẻ nhận thức và cách thức đúng để tiếp cận các giá trị văn hóa nước ngoài thông qua các làn sóng truyền thông hiện nay.
Chị Đỗ Thị Thu Hương (quận 3, TP.HCM) chia sẻ: "Các ca sĩ nước ngoài chỉ là những nhân vật trong làng giải trí. Họ chẳng dạy được các bạn trẻ Việt Nam điều gì. Chị cũng có con thích K-pop, nhưng sẽ đau lòng lắm nếu đứa con mình nuôi dưỡng bao năm lại đi hôn lên ghế một nhân vật chẳng thân, chẳng quen, dù đó có là ngôi sao trong làng giải trí. Theo chị Hương, chỉ có cách giáo dục mới có thể giúp các bạn trẻ biểu hiện sự hâm mộ thần tượng một cách đúng đắn hơn".
Định hướng là chức năng quan trọng của truyền thông. Trong bối cảnh Việt Nam trở thành điểm giao lưu nhiều luồng văn hóa như hiện nay thì việc “lựa chọn văn hóa” để giao lưu ngay từ bước đầu sẽ khiến chúng ta tiết kiệm thời gian hơn khi phải ngồi để lo ngại những hệ quả do sự bất cẩn mang lại.
Đây là một vấn đề đang được dư luận, đặc biệt là giới trẻ và các bậc phụ huynh quan tâm. Nó phản ánh thị hiếu, quan điểm, cuộc sống của các bạn trẻ, đồng thời là nỗi lo ngại của các bậc cha mẹ, thầy cô. Để có cái nhìn rộng mở hơn về vấn đề này, độc giả có thể chia sẻ ý kiến của mình qua địa chỉ email news@zing.vn. |
Đặng Sinh
Theo Infonet