Du khách chụp ảnh tượng Nữ thần Tự do. Ảnh: immigrationimpact. |
Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump dần bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Người dân Mỹ cũng như những người theo dõi tranh cử hồi hộp không biết cái tên nào sẽ được gọi.
Tuy nhiên, tác động đối với ngành du lịch khi một trong hai đắc cử là điều có thể dự đoán được.
Trước mắt, người dân Mỹ đang chứng kiến giá mỗi phòng nghỉ tại các bang được chọn tổ chức chiến dịch tranh cử tăng gấp đôi so với các đợt bầu cử trước, theo Skift, trang tin chuyên cung cấp nghiên cứu về thị trường du lịch.
Một số hãng bay của Mỹ như Delta Airlines, United Airlines và JetBlue Airways hy vọng việc di chuyển sẽ chậm lại vào ngày bầu cử tới.
Song, dù Kamala Harris hay Donald Trump làm tổng thống, các chuyên gia du lịch kỳ vọng người cầm quyền sẽ giải quyết một số tồn đọng trong ngành du lịch nước này.
Người đứng đầu Nhà Trắng sắp tới được kỳ vọng sẽ cải thiện ngành du lịch Mỹ. Ảnh: The White House. |
Đầu tiên, thị thực và dòng khách ngoại.
Theo Skift, CEO các công ty lữ hành hầu như im lặng về vấn đề chính trị trong mùa bầu cử 2024. Tuy nhiên, một điều chắc nịch rằng những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch mong muốn du khách sẽ tiếp tục đến Mỹ và đến theo con đường "thông thoáng nhất có thể".
Giám đốc điều hành khách sạn Wyndham Geoff Ballotti cho biết ngành du lịch Mỹ có rất nhiều cơ hội để gia tăng lượng khách, đồng thời hạ thấp rào cản đối những người muốn đến đây du lịch.
Dưới thời ông Biden, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đẩy nhanh việc xem xét đơn xin thị thực nhằm giải quyết tình trạng hồ sơ ùn ứ trong đại dịch.
Năm 2023, hàng chục nghìn đơn xin visa mỗi tuần được xử lý từ xa nhờ cơ chế miễn phỏng vấn dành cho những đương đơn xin thị thực diện công tác/du lịch/thăm thân nhân có hồ sơ bảo lãnh đã được Sở Di trú và Nhập tịch (USCIS) chấp thuận.
Tại Diễn đàn Toàn cầu Skift vào tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Richard Verma cho biết Bộ Ngoại giao phần lớn đã có thể đưa thời gian chờ thị thực bằng với mức trước đại dịch. Verma cho biết thời gian chờ đợi bị ảnh hưởng bởi nhu cầu du lịch Mỹ mạnh mẽ và những lo ngại về an ninh của nước này.
Còn thời ông Trump, việc cấp thị thực được thắt chặt hơn ngay cả trước đại dịch. Chính quyền thực hiện sàng lọc, kiểm tra và từ chối cấp thị thực đối với du khách từ các quốc gia đem lại mối lo ngại về an ninh chẳng hạn Trung Quốc. Thời điểm đó, du khách quốc tế đến Mỹ giảm nhẹ vào năm 2019, xuống khoảng 79,4 triệu lượt.
Quảng trường Thời Đại (Times Square) là điểm du lịch nổi tiếng khi khách đến New York. Ảnh: inspiriaoutdoor. |
Hiện tại, Mỹ đang trên đà thu hút 90 triệu lượt khách vào năm 2026, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói vào tuần trước.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ đã cấp 11,5 triệu thị thực trong năm tài chính 2024, 8,5 triệu trong số đó là thị thực du lịch, tăng 10% so với năm 2023.
Vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cấm du lịch đối với công dân Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Trump cho biết ông sẽ làm điều đó một lần nữa nếu đắc cử vào năm nay, bất chấp việc không có quốc gia nào trong danh sách bị cấm nằm trong top 20 thị trường du lịch hàng đầu của Mỹ.
Mối bận tâm thứ hai là cách tiếp cận đối với doanh nghiệp lớn, giao dịch và bảo vệ người tiêu dùng.
Skift nhận định chính quyền Biden-Harris đã có lập trường cứng rắn về việc sáp nhập các ông lớn trong ngành hàng không.
Bằng chứng là ông Biden đã ngăn chặn việc thỏa thuận mua bán và sáp nhập của JetBlue với Spirit Airlines hồi tháng 3 và Liên minh Đông Bắc của JetBlue với American Airlines. Lý do là đảm bảo tính cạnh tranh trong thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (USDOT) đã phê duyệt việc sáp nhập Alaska Airlines và Hawaiian Airlines vào tháng 12/2023 nhưng nhấn mạnh việc bổ sung các biện pháp bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Ngoài ra, ông Biden còn thông qua dự luật buộc các hãng hàng không phải tự động hoàn tiền cho hành khách khi chuyến bay bị hủy, nếu khách không muốn đi chặng khác hồi tháng 5.
Mới vào tháng 10, Bộ Tư pháp cho biết cơ quan sẽ khởi động một "cuộc điều tra công khai rộng rãi" về tình trạng cạnh tranh trong du lịch hàng không, theo sau cuộc điều tra của USDOT về các chương trình khách hàng thân thiết.
Cuối cùng là vấn đề môi trường, cơ sở hạ tầng và thuế.
- Khí hậu: Ngành du lịch Mỹ mong đợi nhân vật đắc cử tiếp tục tập trung vào biến đổi khí hậu. Vào năm 2021, chính quyền Biden-Harris đã tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khi hậu sau khi Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào năm 2017. Việc tái ký kết của Biden cho thấy mức độ cam kết của Mỹ trong việc giảm phát thải khí nhà kính và sự hợp tác với quốc gia khác chống lại sự nóng lên toàn cầu. Đạo luật Giảm Lạm phát dưới thời Biden đã cung cấp các ưu đãi để phát triển nhiên liệu hàng không bền vững.
- Cơ sở hạ tầng: Các khách sạn và hãng hàng không được hưởng lợi hơn một nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng dưới thời Biden-Harris. Chẳng hạn, Wyndham, Choice Hotels và BWH Group (công ty đứng sau Best Western) có được mặt bằng vị trí tốt với hàng nghìn bất động sản gần các khu nhà ở cho công nhân. Biden cũng đã cam kết chi một tỷ USD nhằm hiện đại hóa các sân bay của Mỹ.
- Thuế: Đây là lĩnh vực dễ nhận thấy sự khác biệt ở Trump và Harris, theo Skift. Trump duy trì thuế suất doanh nghiệp ở mức 21% và muốn giảm thêm nữa. Harris muốn tăng nó trở lại 28%. Các chuyên gia ngành du lịch lo ngại mức thuế cao sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty lữ hành. Trong viễn cảnh đó, việc doanh nghiệp tăng giá dịch vụ có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vi vu của người dân.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.