Đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Pexels. |
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật việc làm sửa đổi, trong đó có đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên.
Cụ thể, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Theo ban soạn thảo, trách nhiệm quản lý làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Đề xuất là cần thiết
Trao đổi với Tri thức - Znews, TS Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ, nhận định nhu cầu làm thêm của học sinh, sinh viên là rất lớn và chính đáng.
Tuy nhiên, các em cần hiểu rằng trong quá trình học tập, làm thêm chỉ là việc phụ, quan trọng vẫn là việc học. Vì vậy, cũng nên có hướng dẫn giúp các bạn có thể dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ học tập hơn. Đơn cử như đề xuất mới đây.
Đồng quan điểm, ThS Trần Văn Tuyến, Phó hiệu trưởng Đại học Nguyễn Trãi, cho rằng xét về mặt chủ trương, đề xuất này hoàn toàn đúng, mong muốn sinh viên dành thời gian nhiều hơn cho việc học tập và nghiên cứu khoa học, từ đó nâng cao chất lượng đầu ra cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nếu được áp dụng, quy định này sẽ buộc các doanh nghiệp xây dựng khung thời gian làm việc phù hợp cho sinh viên, cũng như đảm bảo mức lương chi trả không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo giờ đã quy định. Việc này giúp sinh viên được đảm bảo quyền lợi tốt hơn.
Các trường cho rằng việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên thông qua nhà trường là khó khả thi. Ảnh: Phương Lâm. |
Nhưng khó khả thi
Đánh giá đề xuất mới có nhiều mặt tích cực, tuy nhiên, ThS Trần Văn Tuyến cũng nhìn nhận thực tế hiện tại, nhiều sinh viên ngoại tỉnh đi học xa nhà, điều kiện kinh tế khó khăn, các em đều có nhu cầu làm thêm để có thu nhập bù đắp chi phí học tập, sinh hoạt tại các thành phố lớn. Nếu số giờ làm thêm không đáp ứng được nhu cầu cũng sẽ là khó khăn lớn cho sinh viên.
Trong khi đó, hiện nay, các trường cao đẳng, đại học đều có quy định rõ ràng về chuẩn đầu ra. Sinh viên phải đảm bảo các yêu cầu về chương trình đào tạo, đánh giá đầu ra mới có thể tốt nghiệp. Khi càng siết chặt “đầu ra”, sự tuân thủ của sinh viên cũng càng cao.
Do vậy, ThS Tuyến cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng quy định cứng số giờ làm thêm tối đa mỗi tuần cho sinh.
Đánh giá về trách nhiệm quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên, ThS Tuyến cho rằng nếu giao cho các trường, đây sẽ là một áp lực lớn.
“Quản lý theo cách nào, ra sao khi mỗi trường có đến hàng nghìn sinh viên đi làm thêm tại các cơ sở khác nhau?”, ThS Tuyến đặt câu hỏi.
Theo ông Tuyến, nếu số hóa toàn bộ, việc quản lý sẽ dễ hơn nhưng hiện nay, yêu cầu quản lý sinh viên thế nào cũng là điều rất khó khăn với nhà trường. Các trường chỉ có thể quản lý thời gian làm việc của sinh viên khi các em làm việc tại các doanh nghiệp theo chương trình liên kết, giới thiệu từ nhà trường. Còn nếu các em tự tìm việc làm thêm, nhà trường sẽ rất khó giám sát.
Hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM cũng cho rằng quy định về giờ làm thêm của học sinh, sinh viên được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của nước ngoài nhưng chưa thực tiễn ở Việt Nam. Cụ thể, các nước trên thế giới quy định giới hạn giờ làm thêm của sinh viên chỉ áp dụng cho du học sinh thay vì sinh viên bản địa.
Bên cạnh đó, thực tế, việc quản lý số giờ làm thêm của sinh viên Việt Nam không hề đơn giản. Ở nước ngoài, sự phối hợp quản lý giờ làm thêm của sinh viên rất chặt chẽ giữa nhà trường, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước như thuế.
“Nếu áp dụng ở Việt Nam, ai sẽ là người đếm số giờ của sinh viên khi rất nhiều công việc làm thêm của sinh viên không đóng thuế. Giao cho nhà trường quản lý giờ làm thêm của sinh viên cũng là nhiệm vụ bất khả thi, không đủ nguồn lực. Ngoài quản lý sinh viên, ai sẽ quản lý những người sử dụng lao động?”, vị hiệu trưởng nói.
Chung quan điểm, TS Nguyễn Thị Hồng Liên cũng cho rằng trách nhiệm quản lý làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục là khó cho nhà trường.
“Nhà trường chỉ quản lý được giờ lên lớp, giờ học của sinh viên tại nhà trường, chứ không thể quản lý thời gian làm thêm chính xác của hàng trăm, hàng nghìn sinh viên", TS Liên nói.
Sinh viên cần có ý thức, căn chỉnh được thời gian để làm thêm không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Ảnh: Pexels. |
Quan trọng là sự tự giác của sinh viên
Hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM cũng cho rằng thay vì áp dụng cứng số giờ làm thêm, hãy khuyến khích sinh viên tự giác, chủ động sắp xếp kế hoạch sao cho phù hợp, đây cũng là trách nhiệm của các em.
“Mỗi em có một hoàn cảnh nhất định. Việc siết giờ làm thêm có thể không hiệu quả bởi không phải em nào làm thêm cũng lơ là học tập và ngược lại”, vị hiệu trưởng nói.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Hồng Liên, quan trọng, sinh viên cần có ý thức, căn chỉnh được thời gian để làm thêm không ảnh hưởng đến kết quả học tập, đảm bảo đầu ra theo yêu cầu của trường cũng như doanh nghiệp.
“Ngoài ra, tôi khuyến khích sinh viên nên đi làm thêm những công việc liên quan đến ngành học”, TS Liên chia sẻ.
Theo TS Liên, hiện tại, các trường đều đã có phương án, tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên để các em tiếp cận các công việc làm thêm đúng chuyên ngành như giới thiệu, kết nối với doanh nghiệp, giúp các em có thêm thu nhập, đồng thời tích lũy được thêm kinh nghiệm, kiến thức, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.
Với cách làm này, nhà trường vừa có thể quản lý giờ làm thêm của sinh viên. Sinh viên cũng có thể yên tâm về mức độ uy tín khi đã có nhà trường đảm bảo.
Bên cạnh đó, các trường và các cơ quan quản lý cũng có những phương án hỗ trợ sinh viên về mặt học phí, sinh hoạt, nhất là các ngành đặc thù. Ví dụ, ở Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ, sinh viên được nhận học bổng khuyến khích học tập, học phí được giảm 70%, chi phí ở ký túc xá rẻ. Đó cũng là phương án giúp sinh viên giảm áp lực làm thêm.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.