Hơn 1.000 công nhân bị sa thải khỏi một nhà máy may mặc ở Thái Lan sắp được nhận tiền đền bù trị giá 8,3 triệu USD từ Victoria’s Secret, theo VICE.
Cụ thể, khoản thanh toán sẽ chia cho 1.250 công nhân sản xuất đồ lót tại nhà máy ở tỉnh Samut Prakan (Thái Lan). Nhà máy thuộc sở hữu của công ty Brilliant Alliance Thai Global Co Ltd (BAT).
Hãng nội y Mỹ đặt một trong số các nhà máy ở Thái Lan. Ảnh minh họa: Cezary Kowalski/Sopa Images/Lightpocket. |
Tháng 3/2021, các công nhân bị sa thải sau khi BAT phá sản và đóng cửa nơi làm việc. Thời điểm đó, công ty và Tập đoàn Clover, chủ sở hữu có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), từ chối trả phí bồi thường mất việc hoặc tiền lương chưa thanh toán cho họ.
Hơn một năm sau, công ty Victoria’s Secret, một trong những nhà bán lẻ quần áo được cung cấp bởi nhà máy trên, nói rằng họ sẽ gia hạn khoản vay để giúp công ty BAT giải quyết khoản thanh toán cho người lao động.
David Welsh, Giám đốc nhóm vận động quyền người lao động có trụ sở tại Mỹ Solidarity Center, đã ca ngợi tác động đầy tiềm năng của thỏa thuận triệu USD này.
“Việc này chưa từng có tiền lệ. Nó đại diện cho một mô hình mới, cũng như sự tham gia trực tiếp của thương hiệu lớn”, ông nói.
Nhà máy ở Samut Prakan cũng sản xuất đồ lót cho các thương hiệu khác của Mỹ là Lane Bryant và Torrid, nhưng chỉ có Victoria’s Secret góp phần giải quyết vụ việc.
“Vài tháng qua, chúng tôi đã tích cực liên hệ với các chủ nhà máy để tạo điều kiện giải quyết. Chúng tôi rất tiếc vì họ không ở vị trí để có thể tự giải quyết sự việc. Bởi vậy, để đảm bảo người lao động được nhận đầy đủ số phí bồi thường nghỉ việc, chúng tôi đồng ý tạm ứng quỹ cho các chủ nhà máy”, Victoria’s Secret cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước.
Quyết định của hãng nội y được đánh giá cao, hy vọng tạo nên biến chuyển mang tính bước ngoặt. Ảnh minh họa: Matt Baron/Bei/Shutterstock. |
Những người ủng hộ hy vọng khoản thanh toán lịch sử này có thể tạo ra biến chuyển mang tính bước ngoặt, có thể làm rung chuyển ngành công nghiệp may mặc toàn cầu - nơi từ lâu đã bị chỉ trích vì bóc lột nhân công lao động giá rẻ ở các nước đang phát triển.
“Các thương hiệu toàn cầu cần nhận ra rằng họ không phải những nhà đầu tư thụ động, mà là người tạo ra xu hướng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn lao động”, ông Welsh nói.
Mặc dù Victoria’s Secret không tiết lộ số tiền liên quan đến thỏa thuận, một tài liệu của Bộ Lao động Thái Lan cho thấy tổng số tiền phải trả lên tới 285,2 triệu baht (8,36 triệu USD), theo Reuters.
Theo Scott Nova, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quyền của Người lao động (WRC), đối với một số công nhân, khoản chi trả tương đương hơn 4 năm tiền lương.
Jitnawatcharee Panad, cựu công nhân tại nhà máy, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Công nhân Quốc tế Triumph của Thái Lan, nói với AFP rằng hơn 1/3 số công nhân bị sa thải là phụ nữ từ 45 tuổi trở lên.
“Nếu không đấu tranh để đòi bồi thường, chúng tôi sẽ không nhận được gì. Khi chúng tôi đến Bộ Lao động để tìm kiếm sự giúp đỡ, các cánh cửa đều bị khóa. Giới chức dường như không muốn lắng nghe vấn đề của chúng tôi", người phụ nữ cho biết.