Ngày 19/7, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra, xem xét xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống.
Quyết định trên được đưa ra sau khi vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng 89 tuổi, ở quận Tây Hồ) có đơn tố cáo một số cán bộ UBND phường Nhật Tân và cán bộ văn phòng công chứng làm giả hồ sơ, thực hiện hành vi gian dối nhằm khai tử 2 cụ dù họ còn sống.
Trong đơn tố cáo, vợ chồng cụ Hợp còn cho rằng nhóm người trên đã tạo điều kiện cho bà Viễn (64 tuổi, con dâu cụ Hợp) chiếm đoạt tài sản nhà, đất và tước đoạt quyền thừa kế.
Ông Hợp và vợ (bìa phải) tại phiên tòa sáng 18/9/2020. Ảnh: Hoàng Lam. |
Bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng cụ Hợp, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án cho thấy vụ tranh chấp dân sự có dấu hiệu tội phạm. Đây cũng là lý do TAND TP Hà Nội trả hồ sơ hôm 18/9/2020 để đề nghị Công an quận Tây Hồ làm rõ.
Theo luật sư, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ. Nhà chức trách sẽ tiếp tục điều tra làm rõ ai đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi thể hiện như thế nào và hậu quả đã gây ra đối với xã hội, với tổ chức, cá nhân ra sao để xử lý.
Vụ tranh chấp nêu trên kéo dài từ năm 2015. Sau 5 lần mở phiên tòa, TAND TP Hà Nội chưa thể đưa ra phán quyết.
Chia sẻ với Zing, ông Hợp cho biết năm 1998, ông chia cho con trai cả tên Tiến mảnh đất rộng hơn 180 m2 sau khi con lập gia đình. Năm 2005, ông Tiến qua đời khi đã xây xong nhà. Một năm sau, bà Viễn (vợ ông Tiến) đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhà và đất.
Thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4/7/2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú ký duyệt nêu rõ: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”.
Ngôi nhà xảy ra tranh chấp nằm ven hồ Tây. Ảnh: Hoàng Lam. |
Khi nhận được văn bản, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế tại trụ sở. Đáng chú ý, trong đó có nội dung ghi ông bà Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đã chết. Năm 2015, chị Mai (con gái cả của bà Viễn) gặp ông Hợp và thông báo bà Viễn đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho người khác.
Ra UBND phường tìm hiểu, ông Hợp biết được chính con dâu đã khai tử bố mẹ chồng khi làm giấy tờ tại Phòng Công chứng số 3, Hà Nội. Khi ông hỏi chuyện thì bà Viễn đã bán nhà, đất và sang tên sổ đỏ cho vợ chồng chị T.H. (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trao đổi với Zing, bà Viễn giải thích khi đến làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản, công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng, bà đã kê khai là "ông, bà ấy chết cả rồi". Nói lý do của việc này, bà cho hay lúc còn sống, chồng cũng dặn bà như thế. Hơn nữa, bố mẹ chồng đã không coi con trai và con dâu còn sống từ trước, thì bà cũng coi ông bà cụ đã chết từ lâu.
Bà Viễn thừa nhận bản thân sai khi khai tử bố mẹ chồng, nhưng bà cho rằng điều đáng tiếc là câu trả lời lại được công chứng viên ghi vào văn bản rồi gửi sang UBND phường.