Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Không buồn, không vui, bạn có đang trải nghiệm cảm xúc 'languishing'?

Languishing được gọi là cảm xúc chủ đạo của năm 2021. Đây có thể là lý do bạn mất tập trung và giảm động lực trong thời gian giãn cách.

languishing la gi anh 1

Languishing được gọi là cảm xúc chủ đạo của năm 2021. Đây có thể là lý do bạn mất tập trung và giảm động lực trong thời gian giãn cách.

languishing la gi anh 2

Điểm chính:

  • Languishing đối lập với trạng thái hưng phấn.
  • Một số biểu hiện thường gặp: Trống rỗng, không có động lực sống và kiệt sức.
  • Languishing không phải là một bệnh tâm lý. Dù vậy, bạn không nên xem thường cảm xúc này.

Khi đối diện với những thay đổi do Covid-19, chúng ta thường nhắc đến hai kiểu người trái ngược nhau: Người cố gắng sống tích cực và người hay lo lắng, sợ hãi.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận khá đặc biệt. Họ không tuyệt vọng đến mức rơi vào trầm cảm, nhưng cũng không còn hào hứng với sinh hoạt thường ngày.

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy uể oải, trống rỗng trong những ngày ở nhà, thì rất có thể bạn đang trải qua giai đoạn languishing.


Languishing là gì?

Languishing xuất phát từ từ gốc "languere" trong tiếng Latin - mô tả trạng thái trì trệ, mòn mỏi khi phải ở trong hoàn cảnh không như ý một thời gian dài.

Người đặt tên cho cảm xúc này là nhà xã hội học Corey Keyes. Thông qua các nghiên cứu tâm lý của mình, ông cũng là người đã tạo ra thuật ngữ flourishing chỉ "cuộc đời nở hoa".

Languishing chính là cảm xúc ngược lại với sự hân hoan trên. Hiểu đơn giản, đây là cảm giác lơ lửng, không buồn, không vui.


Dấu hiệu của languishing

Adam Grant, tác giả cuốn "Think Again: The Power of Knowing What You Don’t Know" gọi languishing là "đứa con thứ bị lãng quên" của sức khỏe tinh thần. Lý do là hầu hết chúng ta để ý các triệu chứng của trầm cảm, hưng cảm, nhưng lại không quan tâm đến languishing.

Vì đây không phải là một bệnh lý, nên người có biểu hiện thường không được chẩn đoán cụ thể. Đôi khi, họ vẫn được xem là người khỏe mạnh, trừ việc họ không tìm thấy mục đích của cuộc sống.

Languishing thể hiện khác nhau ở mỗi cá nhân, mỗi mức độ.

Theo PsychCentral, một ví dụ thường thấy là bạn sẽ từ chối tham gia các hoạt động mình từng rất thích. Bạn không ghét nó. Bạn chỉ cảm thấy không có lý do gì để thực hiện mà thôi.

Các biểu hiện khác của người đang "thả trôi" gồm:

  • Tâm trạng lửng lơ giữa vui và buồn
  • Cảm thấy không có động lực làm việc hay thức dậy mỗi ngày
  • Thường đứng ngồi không yên, nhưng cũng không thật sự lo lắng về điều gì
  • Khó tập trung vào một số việc nhất định
  • Cảm thấy mất kết nối với người khác dù hoàn toàn không có vấn đề với họ
  • Thờ ơ với mọi thứ, kể cả những sở thích quen thuộc
  • Kiệt sức và có phần trì trệ
  • Cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa

Người đang languishing có xu hướng làm việc khá hời hợt, thiếu động cơ rõ ràng và dễ bỏ cuộc hơn so với bình thường.


Vì sao chúng ta trở nên lạnh nhạt?

The New York Times nói không ít người kinh nghiệm languishing sau khi Covid-19 bùng phát. Một khảo sát năm 2021 của Ipsos phát hiện cứ 5 người Mỹ trưởng thành lại có một người có dấu hiệu của languishing.

Trong những ngày đầu tiếp nhận thông tin dịch, bộ não của chúng ta ngay lập tức bật chế độ cảnh giác cao để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, một khi bạn đã quen với việc ở nhà 24/7, rửa tay đều đặn, đeo khẩu trang,... trạng thái sợ hãi kia sẽ lui dần.

Lúc này, nếu vẫn không có gì thay đổi, thì não chuyển sang trạng thái buồn chán, mất cảm giác hạnh phúc vì không còn cuộc sống như cũ.

Theo Health, việc xa cách người thân khi giãn cách và quá trình thích nghi biến động trong lối sống, thu nhập có thể là tác nhân. Người hướng ngoại dễ bị languishing hơn khi ở nhà. Đơn giản vì họ cần được nạp năng lượng bằng giao tiếp xã hội.

"Tình trạng này phổ biến hơn cả trầm cảm nặng", Adam Grant viết, "ở một số khía cạnh, nó là yếu tố lớn góp phần dẫn đến các bệnh tâm lý nghiêm trọng."


Làm thế nào để vượt qua languishing?

Dịch không thể biến mất một sớm, một chiều, nhưng bạn có thể học cách đối diện với cảm xúc của mình và cố gắng để bản thân không lún sâu trong sự chán chường.

Sau đây là 6 gợi ý từ Verywell Mind giúp bạn giải quyết languishing:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi khi có thể. Điều này đồng nghĩa bạn cho phép mình thư giãn 100%, không bị phân tâm bởi thứ khác.
  • Làm bất cứ điều gì bạn thích, miễn là không gây nguy hiểm. Nếu các sở thích cũ không làm bạn hứng thú, hãy thử học một kỹ năng mới.
  • Tập trung vào những "chiến thắng nhỏ", như việc hoàn thành task hôm nay mà không trì hoãn, để tạo động lực cho mình.
  • Học cách quản lý stresschăm sóc sức khỏe thể chất.
  • Cố gắng duy trì kết nối với bạn bè thân thiết và gia đình.
  • Nếu tâm trạng vẫn không cải thiện và có chiều hướng tệ đi, bạn nên cân nhắc trò chuyện với chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ.

Thiên Hân

Đồ họa: Minh Trí

Bạn có thể quan tâm