Nếu bạn luôn cảm thấy lo lắng khi rời xa chiếc smartphone của mình, thì có lẽ bạn đã mắc hội chứng sau.
Điểm chính:
- Nomophobia thường xuất hiện ở người trẻ và người tiếp xúc thường xuyên với công nghệ.
- Mong muốn cập nhật tin tức nhanh có thể là nguyên nhân khiến nhiều người mắc Nomophobia trong giãn cách.
- Bạn có thể giảm thời gian dùng điện thoại bằng các hoạt động trồng cây, nấu ăn, vận động.
Trong tâm lý học, có một thuật ngữ chỉ chính xác nỗi sợ xa smartphone. Nomophobia (viết tắt của no mobile phone phobia - sợ thiếu điện thoại) là hội chứng xuất hiện ở nhiều người sở hữu điện thoại di động. Một nghiên cứu năm 2019 tại Anh đã chỉ ra rằng có đến 53% người cảm thấy bất an khi điện thoại hết pin, mất sóng hoặc bất ngờ tắt nguồn, theo Healthline.
Bài viết sau sẽ lý giải nguồn gốc của Nomophobia. Dù ngưng sử dụng điện thoại hoàn toàn là bất khả thi, bạn có thể học cách kiểm soát nỗi lo của mình và cân bằng cuộc sống.
Vì sao bạn không thể rời smartphone?
Nỗi ám ảnh điện thoại di động được gọi là Nomophobia sau nghiên cứu 2008 được ủy quyền bởi UK Postal Office. Nomophobia phổ biến đến nỗi hầu hết người trẻ trải qua hiện tượng này, theo Psychology Today.
Người mắc Nomophobia thường không bao giờ tắt điện thoại, kể cả ban đêm, với nhiều lý do khác nhau. Nổi bật trong số đó là họ muốn luôn giữ liên lạc với gia đình, bạn bè và theo dõi công việc. Họ lo lắng mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó nếu thiếu kết nối một vài tiếng.
Trong dịch Covid-19, Nomophobia càng thể hiện rõ hơn khi chúng ta chỉ có thể kết nối với nhau qua online, đồng thời gia tăng nhu cầu cập nhật tin tức hàng ngày, hàng giờ.
Theo báo cáo mới nhất được công bố bởi Cambridge University Press, có đến 89% người tham gia tăng thời lượng lướt điện thoại trong các đợt giãn cách, 30% sử dụng smartphone 6-8 tiếng mỗi ngày, và 33% kiểm tra mạng xã hội 15 phút/lần.
Theo đó, hơn một nửa người dùng được chẩn đoán mắc Nomophobia mức trung bình, và một bộ phận nhỏ "sợ thiếu điện thoại" mức độ nặng.
Dấu hiệu của Nomophobia
"Phobia" (ám ảnh sợ hãi) là một dạng rối loạn lo âu trước một đối tượng hay tình huống cụ thể. Trong trường hợp này, nỗi sợ hãi chính là việc không thể nhìn hay sử dụng điện thoại di động.
Verywell Mind nói các biểu hiện thường thấy của Nomophobia gồm:
- Không thể tắt nguồn điện thoại.
- Liên tục kiểm tra điện thoại để tìm tin nhắn, email, cuộc gọi nhỡ.
- Tiếp tục sạc dù điện thoại đã đầy pin.
- Mang theo smartphone mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi ở trong phòng tắm.
- Luôn kiểm tra xem mình có cầm điện thoại bên người không.
- Lo lắng khi không kết nối được Wi-fi hay 4G.
- Căng thẳng mỗi khi không tìm thấy ai đó trên mạng.
- Bỏ qua các hoạt động đã lên kế hoạch để dùng điện thoại.
Ngoài ra còn có các triệu chứng về thể chất như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, chóng mặt.
Làm sao để giảm ảnh hưởng của điện thoại?
Dù Nomophobia không có phương pháp điều trị cụ thể, giống với không ít chứng ám ảnh khác, bạn có thể tập kiểm soát chúng để tránh ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống.
Nói chuyện với chuyên gia tâm lý là lời khuyên từ Healthline. Sau đây là một số gợi ý để bạn tự quản lý việc dùng điện thoại tại nhà:
- Học cách đối diện với nỗi sợ, cụ thể là quen dần với việc thiếu vắng điện thoại. Bạn có thể bắt đầu bằng việc để điện thoại ở phòng khác khi tắm, hoặc tự quy định bản thân không cầm điện thoại vào giờ cơm.
- Tắt điện thoại khi ngủ và giữ nó ở khoảng cách đủ xa để bạn không chủ động mở máy.
- Lập thời gian trò chuyện trực tuyến với bạn bè, người thân ở xa hay xem tin tức. Trong thời gian giãn cách, bạn có thể tập trung vào những người ở cùng mình nhiều hơn.
- Tìm hoạt động khác để lấp đầy thời gian của bạn. Đọc sách, tập thể dục, vẽ tranh, viết nhật ký, nấu ăn, trồng cây,... là vài cách thư giãn tại gia lý tưởng.
Nomophobia là hiện tượng đi kèm với vấn đề phụ thuộc công nghệ. Với những người cần điện thoại di động để học tập, xử lý công việc, giải trí, việc điều chỉnh có thể không dễ dàng.
Bạn không thể ngừng dùng smartphone hoàn toàn, nhưng bạn có thể vạch ranh giới và xem nó như công cụ phục vụ đời sống, bắt đầu bằng việc thay đổi từ thói quen nhỏ nhất như để điện thoại ngoài phòng tắm ngày mai.