Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Không chỉ Việt Nam có 1,35 triệu thanh niên '3 không'

Tình trạng lực lượng lao động trẻ "không học, không làm, không được đào tạo" ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia, phản ánh một thế hệ đang lạc lối trên hành trình trưởng thành.

Nhiều người trẻ rơi vào trạng thái NEET vì mất niềm tin vào thị trường lao động. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Xuất hiện từ thập niên 1990 tại Anh, thuật ngữ NEET, viết tắt của cụm "Not in Education, Employment or Training" (tạm dịch: “không học hành, không đi làm, không được đào tạo”), được dùng để chỉ nhóm thanh niên ở độ tuổi từ 16 đến 24 không tham gia vào bất kỳ hoạt động giáo dục, lao động hay đào tạo nghề nào.

Ban đầu chỉ là một nhãn dán thống kê, NEET giờ đây đã trở thành một hiện tượng xã hội nổi bật ở nhiều quốc gia. Trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết tỷ lệ NEET trong năm 2024 đã lên đến 20,4%, được xem là một “cơ hội bị bỏ lỡ” trong việc phát triển nguồn nhân lực tương lai.

Riêng tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê ghi nhận khoảng 1,35 triệu người trẻ từ 15 đến 24 tuổi thuộc nhóm NEET, chiếm 10,4% tổng số thanh niên trong độ tuổi này. So với quý trước, con số này tăng thêm hơn 84.000 người, theo báo cáo quý I/2025.

Thanh niên '3 không' ở nhiều quốc gia

Tại Anh, báo cáo công bồ đầu tháng 4 từ tổ chức giáo dục Việt Học tập và Việc làm cho thấy 3 trong 5 người trẻ thuộc nhóm NEET chưa từng làm công việc có lương nào, thậm chí nhiều người đã ngừng chủ động tìm việc, The Telegraph đưa tin.

Tại Hàn Quốc, nơi giáo dục đại học được xem là tiêu chuẩn tối thiểu, năm 2024 ghi nhận hơn 443.000 người trẻ từ 15–29 tuổi rơi vào nhóm NEET. Đáng nói, 75,6% trong số đó cho biết không còn muốn đi làm, theo Business Inquirer.

Tại Nhật Bản, nơi từ lâu nổi tiếng với chuẩn mực văn hóa lao động nghiêm ngặt, mô hình lý tưởng vẫn là "học hành chăm chỉ, vào một công ty danh tiếng và làm việc cho đến khi nghỉ hưu". Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ không còn thiết tha với lộ trình này.

Với nhóm thanh niên NEET ở Nhật Bản, độ tuổi 20–29 lẽ ra là giai đoạn ổn định sự nghiệp, lại là lúc họ nhận ra mình không phù hợp với văn hóa làm việc khắc nghiệt. Cảm giác choáng ngợp và mệt mỏi đã khiến một bộ phận người trẻ quay lưng với thị trường lao động, rơi vào trạng thái rút lui hoàn toàn khỏi vòng quay xã hội, theo Guidable.

NEET la gi, NEET Viet Nam 2025, thanh nien NEET, tinh trang NEET, nguyen nhan NEET, he luy NEET, nguoi tre khong viec lam, gioi tre that nghiep, suc khoe tinh than tre, tram cam o thanh nien, hikikomori la gi, thanh nien bo hoc, thanh nien that nghiep 2025 anh 1

Việc chưa từng có công việc có lương trước tuổi trưởng thành khiến hành trình vào đời càng thêm chông chênh. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Theo tổ chức Youth Employment UK, tình trạng NEET xuất phát từ nhiều nguyên nhân đan xen, trong đó nổi bật là khó khăn kinh tế, các vấn đề sức khỏe tinh thần, bất bình đẳng vùng miền và hạn chế trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng. Ngoài ra, nhiều người trẻ còn rơi vào cảm giác mất phương hướng trong các giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của cuộc đời, như khi vừa rời ghế nhà trường hoặc bắt đầu đi làm, khiến họ dễ bị tụt lại phía sau nếu không có sự hỗ trợ kịp thời.

Một nghiên cứu được công bố trên European Journal of Public Health vào tháng 3 đã làm rõ mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và nguy cơ trở thành NEET. Theo đó, những người từng trải qua trầm cảm, lo âu từ thời thơ ấu có nguy cơ rơi vào nhóm NEET cao gấp 2,8 lần ở độ tuổi 19–22, và gấp 5 lần ở tuổi 26. Ngoài ra, các yếu tố như chỉ số IQ thấp, hoàn cảnh gia đình bất lợi và tuổi thơ nhiều biến cố cũng góp phần làm tăng nguy cơ này.

Không chỉ là vấn đề đến từ điều kiện ngoại cảnh, thiếu trải nghiệm lao động từ sớm cũng là nguyên nhân quan trọng, theo nhận định của Lucy Burton (Anh), cây bút chuyên mục việc làm của The Telegraph.

Bà cho rằng những thanh niên chưa từng làm công việc có lương có thể thiếu kỹ năng xã hội, thiếu va chạm thực tế và e ngại khi bước vào môi trường công sở. Những công việc tạm thời như phục vụ quán cà phê, bán hàng hay phát tờ rơi, tuy nhỏ nhưng là cơ hội để rèn luyện sự kiên nhẫn, khả năng giao tiếp và thích nghi, thường bị xem nhẹ và bỏ qua.

Ngoài ra, nhiều người trẻ không tìm được công việc phù hợp hoặc đánh mất niềm tin vào thị trường lao động, vốn đang mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu. Một bộ phận có bằng cấp nhưng từ chối công việc tại công ty nhỏ hay bán thời gian vì cho rằng "không danh giá", lựa chọn chờ đợi cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, càng chờ đợi, họ càng dễ mất phương hướng, tụt giảm lòng tự trọng và rút lui khỏi đời sống lao động.

Hệ lụy dài hạn

Việc không học hành, không làm việc và không tham gia đào tạo không chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi trong đời người trẻ, mà có thể để lại hệ lụy lâu dài.

“Chúng ta biết rằng chỉ cần một thời gian ngắn bị NEET cũng có thể ảnh hưởng lâu dài tới triển vọng nghề nghiệp của người trẻ", Laura-Jane Rawlings (Anh), CEO tổ chức Youth Employment UK, cảnh báo.

Theo các chuyên gia, những người từng trải qua giai đoạn NEET có xu hướng nhận mức lương thấp hơn, dễ làm việc thiếu ổn định, và có khả năng vướng vào các hành vi lệch chuẩn hoặc phạm pháp cao hơn trung bình.

Không dừng lại ở đó, NEET còn có thể là khởi đầu cho những biểu hiện tâm lý cực đoan hơn. Một bộ phận người trẻ, sau thời gian dài sống trong trạng thái “không làm gì cả”, dần rơi vào tình trạng hikikomori, lối sống khép kín, tự cô lập hoàn toàn khỏi xã hội.

Hiện tượng này đặc biệt phổ biến tại Nhật Bản, nơi áp lực thi cử, kỳ vọng từ gia đình và chuẩn mực văn hóa nghề nghiệp luôn ở mức cao. Theo khảo sát của chính phủ Nhật Bản năm 2022, có gần 1,5 triệu người từ 15 đến 64 tuổi được phân loại là hikikomori, chiếm gần 2% dân số trong độ tuổi lao động. Con số này tăng mạnh so với năm 2018, phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời kỳ giãn cách, các hoạt động mua sắm không tiếp xúc, đặt hàng qua mạng hay làm việc từ xa khiến việc sống biệt lập trở nên dễ dàng và "hợp lý hóa" hơn bao giờ hết.

Theo Generation, điều đáng lo ngại là hikikomori không còn chỉ là câu chuyện của người trẻ. Ngày càng có nhiều người trung niên sống tách biệt với xã hội suốt hàng chục năm, hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ già yếu. Khi những người thân này qua đời, Nhật Bản có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế quy mô lớn, khi hàng trăm nghìn người không còn nơi nương tựa, cũng không thể hòa nhập lại với xã hội.

NEET la gi, NEET Viet Nam 2025, thanh nien NEET, tinh trang NEET, nguyen nhan NEET, he luy NEET, nguoi tre khong viec lam, gioi tre that nghiep, suc khoe tinh than tre, tram cam o thanh nien, hikikomori la gi, thanh nien bo hoc, thanh nien that nghiep 2025 anh 2

Từ bỏ học hành và lao động tiềm ẩn rủi ro lớn cho sức khỏe tinh thần, kỹ năng xã hội và triển vọng phát triển lâu dài của một thế hệ. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Báo cáo NEETS Integration into Social and Economic Activity in a Context of Sustainability, công bố năm 2024 bởi 2 tác giả Nhật Bản Oleksandr Dluhopolskyi và Tetiana Dluhopolska, nhấn mạnh rằng để giải quyết tình trạng NEET, các quốc gia cần xây dựng một hệ thống chính sách bảo trợ xã hội toàn diện, bao gồm giáo dục, y tế và việc làm. Đây được xem là yếu tố then chốt để ngăn chặn nguy cơ người trẻ bị loại khỏi các hoạt động kinh tế, xã hội trong dài hạn.

Tuy nhiên, không thể có một công thức áp dụng cho mọi nơi. Tùy thuộc vào đặc điểm nhân khẩu học, cấu trúc thị trường lao động và chính sách hiện hành, mỗi quốc gia cần phát triển một bộ công cụ riêng biệt để hỗ trợ nhóm thanh niên NEET.

Trong đó, những phương án khả thi bao gồm: xây dựng hệ thống tư vấn nghề nghiệp và cố vấn cá nhân để giúp người trẻ định hướng lại con đường học tập – việc làm; triển khai các chương trình việc làm dành riêng cho thanh niên yếu thế hoặc thiếu kỹ năng; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội thực tập, học việc hoặc tuyển dụng linh hoạt; khuyến khích khởi nghiệp xã hội và phát triển các mô hình việc làm xanh phù hợp với định hướng phát triển bền vững; đồng thời, có chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho các tổ chức và cá nhân tham gia đào tạo, tuyển dụng NEETs.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách nên tiếp cận vấn đề NEET bằng tầm nhìn dài hạn và linh hoạt, thay vì các giải pháp ngắn hạn hoặc đơn lẻ.

Chàng trai 29 tuổi kiếm triệu USD nhờ đưa con tỷ phú vào Harvard

Với mục tiêu giúp con cái trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu như Harvard, Yale hay Princeton, không ít gia đình sẵn sàng chi mạnh tay để thuê chuyên gia tư vấn tuyển sinh.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm