Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không có cuộc gọi trong list như Dương Chí Dũng khai'

Nói về lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa, trung tướng Hoàng Kông Tư cho biết, ông này đã nhiều lần thay đổi lời khai trước cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận.

Chiều 8/1, các bị cáo liên quan đến vụ tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài đã lần lượt nhận các bản án.

Trong 7 người, Dương Tự Trọng (nguyên phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục VII - Bộ Công an) nhận mức án cao nhất là 18 năm tù. Người chịu án thấp nhất là Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng) và Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, ở Hải Phòng) cùng mức án 5 năm tù. Bốn bị cáo còn lại nhận mức án từ 6 - 13 năm tù.

Trung tướng Hoàng Kông Tư. Ảnh: Tiền Phong.

Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết căn cứ các quyết định về độ tuyệt mật, tối mật trong ngành công an cũng như căn cứ lời khai của các bị cáo và đề nghị của VKS, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu làm lộ nên quyết định khởi tố vụ án. Quyết định này được gửi đến VKSND Hà Nội.

Trước đó, chiều 7/1, tại phiên xử sơ thẩm Dương Tự Trọng cùng các đồng phạm tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, nhân chứng vụ án là Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng) đã khai ra người mật báo để ông trốn chạy ra nước ngoài là một cán bộ cao cấp của Bộ công an. Cựu cục trưởng Vinalines nói đã đưa cho người này một khoản tiền lớn. Đây được xem là tình tiết mới tại tòa.

Trả lời phỏng vấn Cổng thông tin điện tử Bộ công an về lời khai của Dương Chí Dũng, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết trước đây, trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng đã khai báo, Cơ quan An ninh điều tra đã báo lên lãnh đạo Bộ.

"Đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo. Bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận" trung tướng Tư nói.

Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra cho biết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án.

Với những thông tin từ lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa có liên quan đến một số cán bộ công an và cá nhân khác, trung tướng Tư cho hay theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với VKS, Tòa án cùng các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không oan, sai.

Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:

1. Tố giác của công dân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;

3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;

4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;

5. Người phạm tội tự thú.

Điều 104: Quyết định khởi tố vụ án hình sự

1.... Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự...,  quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra.

 

Hà Anh

Bạn có thể quan tâm