Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2019-2025, TP.HCM sẽ thiếu khoảng 300.000 lao động. Trong khi đó, số người thất nghiệp vẫn tăng hơn 320.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những lý do khiến nhân lực vừa thừa vừa thiếu là do định hướng nghề nghiệp còn nhiều bất cập.
Hướng nghiệp không thể “nhắm mắt đưa chân”
Đăng Hoàng, cựu sinh viên khoa Kế toán của một trường đại học tại Hà Nội, là một trong những ví dụ điển hình cho thực trạng lựa chọn ngành nghề không phù hợp năng lực và xu hướng tuyển dụng. Với lực học trung bình khá, thích các môn xã hội hơn là logic, Hoàng gặp khó khăn khi theo học Kế toán.
Chàng trai thú nhận khi đăng ký thi đại học, không biết Kế toán là làm gì, chỉ chọn theo... tùy hứng, do bạn bè và gia đình tác động. Khi học mới biết, ngành này rất khó so với Hoàng. Vì thế, điểm của bạn cũng không cao, phải học lại mấy môn.
Hiện nay, tuy đã tốt nghiệp được gần một năm, Đăng Hoàng chưa tìm được công viêc đúng ngành vì năng lực còn hạn chế. Ở thế "tiến thoái lưỡng nan", chàng trai chưa biết hướng đi nghề nghiệp tiếp theo như thế nào.
“Mình đã bảo không theo được nhưng bố mẹ cứ kêu học nốt cho đỡ tốn tiền. Giờ có bằng cũng để không. Có nhiều việc làm nhưng mình không có kiến thức nên rất khó xin việc”, Hoàng nói.
May mắn hơn Hoàng, Ngọc Huyền có thời gian học đại học khá thuận lợi, vì đúng sở trường. Tuy nhiên, với bằng cử nhân được đào tạo 4 năm, Huyền cũng không tìm được việc đúng ngành, mà lại chọn một hãng thời trang và đồ thủ công.
“Nếu hồi trước được hướng dẫn tốt hơn, có lẽ, mình cũng không chọn đại học mà học nghề thêu hoặc thời trang để đi làm sớm hơn, đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình”, cô chia sẻ.
Nói về thực trạng hướng nghiệp cho học sinh hiện nay, cô Nga - giáo viên lâu năm tại một trường THPT ở Hà Nội - cho biết công tác này còn khá bất cập, do tác động từ nhiều phía.
Giáo trình nặng nề, thời gian hạn chế, giáo viên chỉ có thể tập trung dạy kiến thức, chứ chưa thể sâu sát tư vấn cho mấy chục em học sinh trong lớp. Hơn nữa, nhiều phụ huynh không quan tâm các hoạt động hướng nghiệp hay nguyện vọng phát triển của con mà chỉ nhìn vào điểm cuối kỳ.
Bắt kịp xu hướng, đúng nghề, hợp năng lực
Đăng Hoàng, Ngọc Huyền chỉ là hai trong nhiều bạn trẻ thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng khi chọn ngành, mà không cân nhắc thực lực, nhu cầu thị trường. Việc bạn trẻ tập trung một vài ngành “hot” theo "trend", dẫn tới ngành thì thừa người, ngành thiếu lao động.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ra rằng hàng năm, 60% sinh viên ra trường làm trái ngành học. Ở góc độ nào đó, đây là một sự lãng phí lớn về nhân lực và tiền của.
Các công ty luôn thiếu nhân lực với tay nghề giỏi. |
Để khắc phục bất cập trên, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” chỉ ra rằng cần phối hợp giữa việc tăng chất lượng công tác hướng nghiệp và nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp.
Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo sau trung học phổ thông đã đổi mới truyền thông, nhiều trường có hoạt động "Open Day", tour tham quan để phụ huynh và học sinh có cái nhìn chính xác hơn về học nghề.
Đặc biệt, nhiều trường bắt đầu triển khai hình thức lớp học thử, khóa học ngắn hạn để giới trẻ tự trải nghiệm xem có phù hợp năng lực và tính cách của mình không. Các cơ sở dạy nghề chú trọng đầu tư, đổi mới cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng viên để thu hút sinh viên, đồng thời tăng chất lượng đầu ra.
Phụ huynh và học sinh cũng cần tích cực, chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường. Nhiều phụ huynh vẫn còn định kiến khi con theo học một số ngành nghề như du lịch, khách sạn hoặc học nghề.
Tâm lý “phải lấy tấm bằng đại học” hoặc phải học ngành nào đó mới dễ kiếm việc, vừa tạo áp lực cho giới trẻ vừa không thiết thực. Thay vì đánh giá chủ quan, phụ huynh và học sinh nên tham khảo các nguồn thông tin chính thống hay nghiên cứu từ các tổ chức đáng tin cậy để biết thị trường lao động hiện tại ra sao.
Cô Nga cũng khuyên rằng: “Phụ huynh nên có tầm nhìn xa hơn là điểm số. Cần phải cân nhắc toàn diện các yếu tố như thị trường, học lực, sở trường của con em để có được hướng đi phù hợp”.