Sau 3 ngày xét xử và 10 ngày nghị án xuyên lễ, chiều 4/5, TAND TP Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù đối với bị cáo Lương Thế Hiển (63 tuổi, cựu Phó chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và 8 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Liên (63 tuổi, vợ bị cáo Hiển) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Hiển không được hưởng khoan hồng
HĐXX kết luận các hợp đồng hợp tác kinh doanh là giả tạo, không có thật, các chủ thể hoàn toàn không quan tâm đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng. Do vậy, việc thanh lý hợp đồng chỉ nhằm để ông Thủy mua lại toàn bộ diện tích 3 thửa đất và chuyển giao cho vợ chồng Hiển.
“Hành vi chiếm đoạt của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì giá trị tài sản bị chiếm đoạt là đặc biệt lớn, gây sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội, nên cần có bản án nghiêm khắc. Bị cáo Hiển có vai trò chính, từng bước hợp thức giấy tờ của 3 khu đất bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh giả cách, hợp đồng thanh lý, cuối cùng sang tên các sổ đỏ cho vợ chồng bị cáo", HĐXX nhận định.
Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Hiển không nhận tội, có thái độ chống đối cơ quan tố tụng, nên không được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo được xem xét tình tiết giảm nhẹ là có nhiều bằng khen và thành tích cao trong quá trình công tác.
HĐXX cho rằng bị cáo Liên có chuyển biến rõ ràng về nhận thức pháp luật, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, có thái độ ăn năn hối cải, nói lên sự thật khách quan của vụ án và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, nên HĐXX thấy cần cho hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Hiển có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính hơn 319 tỷ đồng cho ông Lê Hải An (người có quyền, nghĩa vụ liên quan). Buộc thu hồi, hủy bỏ 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở TN&MT cấp cho ông An. Ông An được nhận lại số tiền từ Hiển, có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ thửa đất cho ông Thủy.
Tại tòa, bị cáo Hiển cho rằng cơ quan điều tra thiếu khách quan, chỉ tin vào thông tin một chiều do bị hại cung cấp, nên đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ để điều tra lại, làm rõ các vấn đề. Hiển cũng đưa ra các lời khai mâu thuẫn với vợ và bị hại Thủy.
Trước đó, tại phiên tòa sáng 25/4, HĐXX quyết định tiếp tục nghị án kéo dài để các bên thương lượng việc khắc phục hậu quả. Con trai bị cáo Hiển mong muốn tòa cho thương lượng lại phần trách nhiệm dân sự với bị hại và ông Lê Hải An để khắc phục một phần hậu quả. Người này khẳng định một số tài sản bị kê biên đứng tên ông Hiển thuộc sở hữu chung của bố và mẹ mình.
Thẩm phán phiên tòa. Ảnh: H.V. |
Tranh chấp đất vàng phố Bà Triệu
Cáo trạng xác định 3 thửa đất liền kề tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu có tổng diện tích hơn 676 m2, là nhà thuê ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Nơi đây cho 14 hộ dân thuê ở, trong đó diện tích nhà cũ đã được bán và cấp 11 sổ đỏ cho 11 hộ dân với tổng diện tích 308 m2.
Từ tháng 5 đến tháng 9/2017, ông Nguyễn Thanh Thủy mua gom được 11 nhà đất nêu trên. Cuối năm đó, ông Thủy muốn mua nốt phần diện tích còn lại để gộp làm sổ đỏ chung. Do quy định pháp luật không cho phép mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, ông Thủy nhờ người quen là bị cáo Lương Thế Hiển (khi đó vừa nghỉ hưu) giúp đỡ với tiền công 7 tỷ đồng.
Cáo trạng cho thấy để hợp thức việc nhờ người đứng tên làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, ông Thủy và bị cáo Hiển thống nhất dùng hợp đồng giả cách hợp tác kinh doanh. Đầu tháng 10/2017, ông Thủy và bị cáo Liên (vợ ông Hiển) ký hợp đồng hợp tác đầu tư mua khu đất trên tổng giá trị 200 tỷ đồng, mỗi bên góp 100 tỷ đồng. Hợp đồng và các biên bản liên quan thể hiện ông Thủy đồng ý chuyển nhượng 50% cổ phần cho ông Hiển, tương đương 100 tỷ đồng vốn đã góp để mua 3 lô đất vàng ở phố Bà Triệu.
Ngoài ra, ông Thủy cũng viết giấy biên nhận ghi đã nhận 100 tỷ đồng của vợ chồng bị cáo Hiển. Sau đó, ông Thủy thanh toán hơn 26,5 tỷ đồng để mua phần tổng diện tích nhà ở cũ là gần 166 m2 tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu đứng tên vợ chồng ông Hiển.
VKS cho rằng sau khi giúp ông Thủy đứng tên hoàn tất các thủ tục mua tài sản, vợ chồng bị cáo đứng tên sổ đỏ nên đã chiếm đoạt các lô đất trên, không trả lại cho đối phương mà bán toàn bộ tài sản hơn 676 m2 cho ông Lê Hải An (con trai ông Lê Thanh Thản).
Khi giao dịch, ông An đã chuyển hơn 319 tỷ đồng cho vợ chồng cựu phó chánh văn phòng Sở TN&MT Hà Nội. Tuy nhiên, các hợp đồng công chứng giữa năm 2018 về việc mua bán giữa ông Hiển, bà Liên và ông An ghi tổng giá trị chuyển nhượng 3 lô đất vàng là 30 tỷ đồng, thấp hơn gần 300 tỷ đồng so với số tiền thực tế đã giao dịch.
Theo lời khai của bà Liên, việc ký các hợp đồng, biên bản là do chồng nhờ ký, bị cáo không đọc, không tham gia hay trao đổi việc mua bán nhà đất. Sau khi ông Lê Hải An chuyển tiền, bà Liên đã rút để đưa cho chồng. Nữ bị cáo cho rằng dù là vợ chồng, song bà và ông Hiển độc lập về kinh tế, không liên quan tài chính của nhau.
Còn ông Hiển phủ nhận các cáo buộc khi cho rằng việc hợp tác đầu tư mua gom 3 lô đất với ông Thủy là có thật. Ông Hiển cũng khai cùng vợ 3 lần chuyển tổng số tiền 200 tỷ đồng như nội dung các giấy nhận tiền ông Thủy đã ký. Tuy nhiên, VKS xác định có đủ căn cứ kết luận vợ chồng bị cáo đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 3 lô đất vàng của ông Thủy.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…