Vợ chồng bị cáo Lương Thế Hiển tại tòa. Ảnh: H.V. |
Sau 3 ngày xét xử, sáng 25/4, TAND TP Hà Nội vẫn chưa thể đưa ra bản án đối với bị cáo Lương Thế Hiển (63 tuổi, cựu Phó chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và vợ là bị cáo Nguyễn Thị Liên (63 tuổi, vợ bị cáo Hiển) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Chiều 20/4, HĐXX quyết định nghị án kéo dài trong 2 ngày 21/4 và 24/4 và đưa ra phán quyết vào sáng 25/4. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, chủ tọa quyết định dành thời gian xét hỏi lại, làm rõ một số tài sản bị kê biên đứng tên bị cáo Hiển.
Không nhận tội đến phút cuối
Tại phiên tòa trước đó, bị cáo Hiển và nhóm luật sư bào chữa phủ nhận tội danh cùng các tình tiết trong vụ án như cáo trạng nêu. Hiển cũng có lời khai mâu thuẫn với vợ và bị hại Nguyễn Thanh Thủy. Được cho nói lời sau cùng, bị cáo Hiển mong muốn HĐXX trả lại hồ sơ để điều tra lại, làm rõ các vấn đề. Bị cáo Liên bật khóc, xin HĐXX cho hưởng bản án thấp nhất.
Tại tòa, con trai riêng của bị cáo Hiển trình bày mong muốn HĐXX xem xét cho thương lượng lại phần trách nhiệm dân sự với bị hại và ông Lê Hải An (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) để khắc phục một phần hậu quả. Người này khẳng định một số tài sản bị kê biên đứng tên ông Hiển thuộc sở hữu chung của bố và mẹ mình.
Trước đó, VKS đề nghị tòa buộc bị cáo Hiển có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính hơn 319 tỷ đồng cho ông Lê Hải An. Ông An có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ thửa đất cho ông Nguyễn Thanh Thủy.
Vấn đề này gây tranh cãi khi luật sư của ông An cho rằng thân chủ là người ngay tình nên được đứng tên tài sản, người bị mất tài sản phải đòi người gây thiệt hại là bị cáo Hiển. Trong vụ án này, ông An không biết các bị cáo chiếm đoạt tài sản của ông Thủy rồi bán cho mình nên mới mua. Phản biện lại, VKS khẳng định 3 thửa đất đứng tên bị cáo Hiển là hình thức, còn về bản chất là của ông Thủy. VKS cũng chứng minh được hợp đồng hợp tác kinh doanh là giả cách, nên những giao dịch sau đó không có giá trị.
Đến nay, bị cáo Hiển vẫn một mực kêu oan, cho rằng cáo buộc của VKS là không đúng. Đồng thời, vợ chồng bị cáo Hiển tiếp tục đưa ra những lời khai mâu thuẫn.
Sau thời gian hội ý, HĐXX quyết định nghị án thêm 5 ngày để các bên thương lượng việc khắc phục hậu quả. Phiên tòa tuyên án được ấn định vào chiều 4/5.
Thẩm phán Đào Bá Sơn. Ảnh: H.V. |
Tranh chấp đất vàng
Cáo trạng xác định 3 thửa đất liền kề tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu có tổng diện tích hơn 676 m2, là nhà thuê ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Nơi đây cho 14 hộ dân thuê ở, trong đó diện tích nhà cũ đã được bán và cấp 11 sổ đỏ cho 11 hộ dân với tổng diện tích 308 m2.
Từ tháng 5 đến tháng 9/2017, ông Nguyễn Thanh Thủy mua gom được 11 nhà đất nêu trên. Cuối năm đó, ông Thủy muốn mua nốt phần diện tích còn lại để gộp làm sổ đỏ chung. Do quy định pháp luật không cho phép mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, ông Thủy nhờ người quen là bị cáo Lương Thế Hiển (khi đó vừa nghỉ hưu) giúp đỡ với tiền công 7 tỷ đồng.
Cáo trạng cho thấy để hợp thức việc nhờ người đứng tên làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, ông Thủy và bị cáo Hiển thống nhất dùng hợp đồng giả cách hợp tác kinh doanh. Đầu tháng 10/2017, ông Thủy và bị cáo Liên (vợ ông Hiển) ký hợp đồng hợp tác đầu tư mua khu đất trên tổng giá trị 200 tỷ đồng, mỗi bên góp 100 tỷ đồng. Hợp đồng và các biên bản liên quan thể hiện ông Thủy đồng ý chuyển nhượng 50% cổ phần cho ông Hiển, tương đương 100 tỷ đồng vốn đã góp để mua 3 lô đất vàng ở phố Bà Triệu.
Ngoài ra, ông Thủy cũng viết giấy biên nhận ghi đã nhận 100 tỷ đồng của vợ chồng bị cáo Hiển. Sau đó, anh Thủy thanh toán hơn 26,5 tỷ đồng để mua phần tổng diện tích nhà ở cũ là gần 166 m2 tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu đứng tên vợ chồng ông Hiển.
VKS cho rằng sau khi giúp ông Thủy đứng tên hoàn tất các thủ tục mua tài sản, vợ chồng bị cáo đứng tên sổ đỏ nên đã chiếm đoạt các lô đất trên, không trả lại cho đối phương mà bán toàn bộ tài sản cho ông Lê Hải An (con trai ông Lê Thanh Thản).
Khi giao dịch, ông An đã chuyển gần 320 tỷ đồng cho vợ chồng cựu phó chánh văn phòng Sở TN&MT Hà Nội. Tuy nhiên, các hợp đồng công chứng giữa năm 2018 về việc mua bán giữa ông Hiển, bà Liên và ông An ghi tổng giá trị chuyển nhượng 3 lô đất vàng là 30 tỷ đồng, thấp hơn gần 300 tỷ đồng so với số tiền thực tế đã giao dịch.
Theo lời khai của bà Liên, việc ký các hợp đồng, biên bản là do chồng nhờ ký, bị cáo không đọc, không tham gia hay trao đổi việc mua bán nhà đất. Sau khi ông Lê Hải An chuyển tiền, bà Liên đã rút để đưa cho chồng. Nữ bị cáo cho rằng dù là vợ chồng, song bà và ông Hiển độc lập về kinh tế, không liên quan tài chính của nhau.
Còn ông Hiển phủ nhận các cáo buộc khi cho rằng việc hợp tác đầu tư mua gom 3 lô đất với ông Thủy là có thật. Ông Hiển cũng khai cùng vợ 3 lần chuyển tổng số tiền 200 tỷ đồng như nội dung các giấy nhận tiền ông Thủy đã ký. Tuy nhiên, VKS xác định có đủ căn cứ kết luận vợ chồng bị cáo đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 3 lô đất vàng của ông Thủy.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…