Nhiều người trong chúng ta thành thạo công việc, song lại lúng túng để tìm ra cách nghỉ ngơi hiệu quả, phù hợp. Họ quá bận tâm tới deadline hoặc những dự án mà quên chăm lo sức khỏe của bản thân.
Theo chuyên gia của Healthline, việc nghỉ ngơi nên được luyện tập như thể một kỹ năng sống. Một tâm trí thoải mái, thả lỏng chắc chắn khiến bạn tái tạo sức lực và làm việc hiệu quả hơn.
Dưới đây là một số gợi ý từ chuyên gia giúp bạn nghỉ ngơi đúng cách.
Lên kế hoạch
Bạn không thể bắt đầu rèn luyện thói quen nghỉ ngơi một cách gấp gáp, nôn nóng. Thay vào đó, bạn cần lên kế hoạch dần dần, tạo dựng một quỹ thời gian hợp lý dành cho bản thân, giúp cơ thể được thả lỏng.
Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản mà bạn yêu thích khiến tâm trí được thư giãn như tập thể dục, nghe nhạc, đọc sách...
Duy trì
Dành thời gian nghỉ ngơi là tốt, song bạn cần có sự duy trì ổn định và lâu dài.
Bạn sẽ luôn có những vấn đề trong cuộc sống cần phải giải quyết và quên đi giây phút dành cho bản thân. Đừng chỉ nên nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi. Hãy ưu tiên cho mình một quỹ thời gian nhất định trong ngày, giúp cơ thể thư giãn và tái tạo năng lượng.
Việc dành thời gian hàng ngày sẽ tạo cho bạn một thói quen tốt, học được cách yêu bản thân và cơ thể của mình.
Phương pháp thư giãn tinh thần
Giải tỏa tâm lý là điều cần thiết giúp cơ thể nghỉ ngơi tốt hơn.
Healthline đưa ra một vài gợi ý về những phương pháp thư giãn thân-tâm hiệu quả, giúp bạn cảm thấy nhẹ đầu hơn khi thực hiện.
- Liệu pháp căng-chùng cơ (PMR)
- Yoga nidra (thư giãn tinh thần)
- Yoga cơ bản
- Đi dạo
- Cà phê cùng bạn bè.
Giải phóng cơ thể
Theo chuyên gia, tác động vật lý giúp bạn quên đi những vấn đề như lo âu về suy nghĩ. Hoạt động càng nhiều sẽ càng dễ giải tỏa áp lực càng lớn.
Vì vậy, bạn có thể tập thể dục như một liệu pháp nghỉ ngơi, vừa giúp giải tỏa áp lực, vừa cải thiện sức khỏe.
Một vài bộ môn mà bạn có thể lựa chọn cho mình:
- Tập thể hình
- Khiêu vũ
- Chạy bộ
- Tập võ
- Yoga.
Sàng lọc suy nghĩ
Tác động vật lý giúp giải quyết lo âu tạm thời, song không triệt để.
Đa số căng thẳng đều đến từ suy nghĩ của bạn. Theo đó, bạn cần nhìn nhận lại những vấn đề nguyên nhân khiến bạn căng thẳng hay mệt mỏi, khi tìm được vấn đề bạn sẽ biết cách khắc phục.
Những nhận thức suy nghĩ sai lệch nhiều người thường mắc phải:
- Tư duy rạch ròi: mọi thứ phải hoàn hảo
- Quy chụp: áp dụng một kết luận cho mọi trường hợp
- Suy nghĩ tiêu cực: luôn nghĩ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra
- Quy về bản thân: nhận hết trách nhiệm về bản thân
- Đọc suy nghĩ: giả sử bạn biết người khác đang nghĩ gì
- Màng lọc tâm trí: tập trung vào điều tiêu cực
- Coi nhẹ những điều tốt: coi sự tốt đẹp như một điều may mắn
- Sự áp đặt “tôi phải”: đặt ra những quy tắc và nếu làm sai sẽ trách bản thân
- Cảm tính: kết luận vấn đề theo cảm xúc một cách vô điều kiện
- Định kiến: gán nhãn “ngu ngốc” cho những ai bạn cảm thấy vậy.
Sau khi xác định được nguyên nhân hay nhận thức vấn đề sai hướng, bạn có thể xử lý với các bước sau:
- Cô lập những suy nghĩ vô ích và loại bỏ nếu không cần thiết
- Ghi lại cảm xúc sau khi loại bỏ bớt suy nghĩ
- Xác định sự thay đổi nào đang diễn ra (theo hướng tốt hay xấu)
- Viết lại hoặc trình bày lại suy nghĩ theo cách khách quan, cân bằng hơn.
- Ghi nhận cảm xúc nảy sinh từ suy nghĩ đã được sửa đổi.
Nhận biết và tạo lập chu kỳ
Tất cả các bước trên giúp bạn nhận biết và hiểu được cơ thể của mình.
Theo đó, bạn có thể dự đoán và ước lượng được sức chịu đựng của bản thân, thời điểm nào sẽ cảm thấy mệt mỏi và phương pháp gì phù hợp để chữa lành.
Điều này gần giống với việc các bạn nữ biết được "ngày đèn đỏ" của mình khi nào sẽ tới và luôn chuẩn bị trước cho nó.
Chúng ta cần phải luyện tập, lặp đi lặp lại để làm cho việc nghỉ ngơi trở thành thói quen tự nhiên có lợi cho sức khỏe.
Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.