Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không riêng Việt Nam, trường học nhiều nước khác cũng cấm điện thoại

Nhiều thành phố, bang ở Mỹ, Australia, Pháp, Singapore cũng đã và đang áp dụng lệnh cấm điện thoại trong trường học và nhận được phản hồi tích cực.

Nhiều quốc gia cấm trẻ dùng điện thoại ở trường vì lo ngại loạt nguy cơ gây hại cho trẻ. Ảnh: Pexels.

Vào đầu ngày, trước mỗi giờ học, học sinh tại trường Trung học Queensway (Singapore) phải cất điện thoại di động vào một tủ đựng đồ. Các em không được sử dụng điện thoại cho đến ít nhất 6 giờ sau đó - khi bài học cuối cùng kết thúc.

Tủ đựng đồ chung được đặt ở phía trước lớp học, giáo viên phải đảm bảo tất cả học sinh đều bỏ điện thoại di động trong đó cho đến khi các em chuẩn bị tan học và rời khỏi trường.

Nói về việc cấm điện thoại di động, Hiệu trưởng Audrey Chen Li Ying cho biết phụ huynh nhìn chung đều ủng hộ kể từ khi quy định có hiệu lực vào năm 2019. Ngay khi con vừa nhập học, phụ huynh đã được trường thông báo về việc này.

“Chúng tôi cấm điện thoại di động để giúp học sinh không bị xao nhãng trong giờ học, đồng thời khuyến khích các con tương tác trực tiếp với nhau trong giờ nghỉ”, cô hiệu trưởng nói với Straits Times.

Tại Singapore, nhiều trường bắt đầu tăng cường các biện pháp hạn chế trẻ sử dụng điện thoại thông minh trong bối cảnh ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy việc dán mắt vào thiết bị điện tử này có mối liên quan với vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh, thiếu niên.

Singapore không phải quốc gia duy nhất làm điều này. Hàng loạt nước khác như Mỹ, Australia, Trung Quốc… cũng đưa ra lệnh cấm tương tự. Thậm chí, trường học ở Pháp đã cấm điện thoại từ năm 2018, và đến năm 2024 bắt đầu có những biện pháp mạnh tay hơn.

cam dien thoai o truong anh 1

Học sinh ở Singapore cất điện thoại vào tủ đựng đồ trước khi giờ học bắt đầu. Ảnh: Straits Times.

Loạt quốc gia cấm điện thoại ở trường

Tại Mỹ, từ năm 2023, bang Florida đã thông qua luật yêu cầu tất cả trường công lập phải cấm học sinh sử dụng các thiết bị không dây cá nhân trong giờ học, ví dụ điện thoại di động, tai nghe, máy tính bảng…

Một trường công lập ở thành phố Orlando thậm chí còn áp dụng biện pháp mạnh tay hơn là cấm học sinh sử dụng điện thoại trong thời gian ở trường, kể cả giờ ra chơi.

Ngoài cấm điện thoại, bang Florida cũng yêu cầu các trường chặn học sinh truy cập vào các nền tảng mạng xã hội và đặc biệt cấm TikTok trên các thiết bị do nhà trường cung cấp, theo New York Times.

Nối gót Florida, một số bang cũng thông qua luật hoặc áp dụng lệnh cấm tương tự. Trong năm học mới 2024, một số bang như Indiana, Louisiana thông qua chính sách mới để hạn chế trẻ sử dụng điện thoại di động khi đến trường.

cam dien thoai o truong anh 2

Mỹ và các nước châu Âu đồng loạt cấm điện thoại vì lo ngại học sinh mất tập trung, phụ thuộc mạng xã hội và bị bắt nạt trên mạng. Ảnh: Pexels.

Hay tại bang Pennsylvania, ngành giáo dục của bang đã chi hàng triệu USD để các trường mua túi khóa để học sinh cất điện thoại. Bang Delaware cũng phân bổ hơn 250.000 USD cho các trường để sắm thiết bị phục vụ cho lệnh cấm.

Bang Virginia, Minnesota và Ohio chưa áp dụng quy định cấm điện thoại. Nhưng dự kiến từ năm 2025, học sinh ở các bang này sẽ không được tự do dùng đồ điện tử cá nhân khi tới trường.

Một số địa phương ở Australia cũng cấm điện thoại trong trường học kể từ năm 2023. Ví dụ như tại South Australia, vào tháng 8 vừa qua, bang vừa kỷ niệm một năm kể từ khi cấm điện thoại di động ở các trường công lập.

Trung Quốc cũng cấm điện thoại di động ở trường học kể từ năm 2021. Theo Bộ Giáo dục nước này, học sinh sẽ không được phép mang điện thoại di động đến trường nếu chưa có sự đồng ý bằng văn bản của phụ huynh.

Các nhà chức trách nói rằng mục đích của việc cấm điện thoại di động trong môi trường giáo dục là cải thiện khả năng tập trung, ngăn tình trạng nghiện Internet và bảo vệ thị lực cho trẻ.

Pháp cấm điện thoại di động trong trường học kể từ năm 2018 nhưng vẫn cho phép các em đưa điện thoại đến trường. Đến năm 204, chính phủ nước này quyết định thử nghiệm lệnh cấm hoàn toàn đối với học sinh dưới 15 tuổi.

Italy cũng như Pháp, áp dụng lệnh cấm từ rất sớm, thậm chí sớm hơn Pháp là từ năm 2007. Đến năm 2017, nước này nới lỏng lệnh cấm rồi sau đó tiếp tục “siết chặt” vào năm 2022. Tại Italy, lệnh cấm điện thoại được áp dụng cho mọi lứa tuổi.

Đức không có lệnh cấm chính thức nhưng hầu hết trường học đều không cho phép trẻ dùng điện thoại di động và đồ điện tử trong lớp học, ngoại trừ mục đích giáo dục. Còn tại Hà Lan, việc hạn chế dùng điện thoại được áp dụng cho học sinh trung học từ đầu năm 2024, nhưng chỉ là khuyến nghị, không phải nghĩa vụ pháp lý. Trẻ tiểu học lại bị cấm hoàn toàn kể từ năm học 2024.

Năm 2023, Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi lệnh cấm toàn cầu đối với việc sử dụng điện thoại thông minh trong trường học. Lý do mà tổ chức này đưa ra là điện thoại có thể làm gián đoạn việc học, đồng thời làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em.

Đã có sự thay đổi

Sau một thời gian áp dụng lệnh cấm điện thoại ở trường học, các nhà giáo dục nhận thấy học sinh có những thay đổi tích cực.

Cô Gina Hiu, giáo viên dạy Tiếng Anh ở Singapore, cho biết việc cấm điện thoại giúp học sinh tập trung, chú ý nghe giảng hơn.

Cô giáo giải thích rằng trước đây, học sinh thường bị mất tập trung nếu mang điện thoại vào lớp, đặc biệt là khi để ở chế độ rung. Dù không phải thông báo quan trọng, nhiều em vẫn có thói quen mở điện thoại lên xem ngay lập tức.

Mỹ cũng cấm điện thoại vì lo ngại học sinh mất tập trung khi học, và kết quả cho thấy họ đã làm đúng. Các giáo viên của nước này cho biết lệnh cấm điện thoại đã cải thiện khả năng tập trung và làm việc nhóm của học sinh. Một số trường cũng nhận thấy hạn chế điện thoại cũng làm giảm nguy cơ bắt nạt trên mạng ở trẻ.

Dữ liệu báo cáo của Australia cũng chỉ ra rằng kể từ khi điện thoại di động bị cấm trong khuôn viên trường, các sự cố nghiêm trọng liên quan mạng xã hội (ví dụ như bắt nạt trên mạng) đã giảm 63% so với thời gian trước khi lệnh cấm diễn ra.

Chính phủ nước này cũng cho biết các vấn đề về hành vi đã giảm 54%, các vấn đề liên quan tuân thủ chính sách giảm 44% và các vụ bạo lực cũng giảm khoảng 10% kể từ khi trẻ không được dùng điện thoại ở trường.

Học sinh cũng có cái nhìn tích cực hơn với điều này sau một thời gian không dùng điện thoại ở trường.

cam dien thoai o truong anh 3

Brodie bắt đầu quen với lệnh cấm điện thoại và không còn cảm thấy khó chịu. Ảnh: ABC News.

Brodie (15 tuổi), học sinh ở Australia, thừa nhận với ABC News rằng ban đầu em không thích lệnh cấm. Nhưng sau vài tuần, em dần quen với điều đó và không còn cảm thấy khó chịu nữa.

Hannah (16 tuổi) cũng có cái nhìn tích cực với điều này, thậm chí em nói rằng “cấm điện thoại cũng tốt”. Nữ sinh cho biết kể từ khi không được dùng điện thoại ở trường, em và bạn bè giao tiếp xã hội với nhau nhiều hơn nên dần dần, mọi người đều đón nhận trạng thái “bình thường mới” ở trường.

Leelu (17 tuổi) cho biết lệnh cấm đã giúp em hạn chế sử dụng mạng xã hội, ngay cả khi không ở trường. Tuy nhiên, nữ sinh cho rằng lệnh cấm chỉ giúp học sinh nâng cao khả năng tập trung, nhưng không thể hạn chế nguy cơ bắt nạt trên mạng vì khi về nhà, nhiều người vẫn có thể dùng điện thoại để truy cập mạng xã hội.

Nhiều học sinh ở Singapore cũng chia sẻ rằng các em đã bỏ bớt thói quen mở điện thoại liên tục. Trước đây, mỗi khi rảnh, Anand Nethra (16 tuổi) sẽ với tay lấy điện thoại để kiểm tra thông báo hoặc trả lời tin nhắn. Nhưng kể từ khi có lệnh cấm, em và các bạn ít mở điện thoại hơn. Hầu hết thời gian khi ở trường, các em đều để điện thoại trong túi hoặc dưới gầm bàn.

Ng Jun Yi, học sinh 14 tuổi ở Singapore, cũng nhận xét việc cấm dùng điện thoại ở trường giúp em tập trung học tốt hơn, không còn xao nhãng như trước. Dù vậy, nữ sinh vẫn mong quy định nên được nới lỏng trong giờ ra chơi.

“Em vẫn muốn sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi hoặc giải lao, vì trong những lúc đó em muốn thư giãn và muốn nói chuyện với bạn bè ở trường khác”, nữ sinh nói với Straits Times.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Cha mẹ nghiện điện thoại, trách sao con dán mắt vào màn hình

Nghiên cứu của Hàn Quốc chỉ ra một lý do gây ra tình trạng nghiện điện thoại thông minh ở trẻ nhỏ.

Thái An

Bạn có thể quan tâm