Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh khiến nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá. Không ít người, đặc biệt người lao động có thu nhập thấp hay sinh viên, đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu trước thực tế giá hàng hóa "leo thang" từng ngày.
Chật vật khi giá cả "leo thang"
Ngọc Khiêm (23 tuổi) hiện là sinh viên năm cuối của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Khiêm là người dân tộc thiểu số, đến từ tỉnh lẻ. Bố mẹ làm nông, hàng tháng chỉ có thể chu cấp cho Khiêm 1,5 triệu đồng sinh hoạt phí.
Giữa cơn càn quét ‘bão’ giá, mọi chi phí sinh hoạt đều tăng theo giá xăng, đến suất cơm bụi cũng tăng giá khiến Ngọc Khiêm phải chật vật chi tiêu. Ảnh: NVCC. |
Với mức chi tiêu đắt đỏ ở Hà Nội, hết giờ học ở trường, Khiêm lao đi làm thêm đến tận đêm khuya để có tiền trang trải cuộc sống. Vì khá bận, nam sinh thường xuyên ăn ngoài, cả ngày mất khoảng 50.000-60.000 đồng. Cậu cho rằng ăn ngoài vừa đỡ tốn thời gian nấu nướng, lại hạn chế phát sinh các chi phí như tiền gas, tiền điện, tiền mua thức ăn.
Mức lương làm công việc phục vụ cộng thêm bố mẹ cho, tháng cao nhất, Khiêm có 4,5 triệu đồng để chi trả cho tất cả khoản phí, từ tiền trọ, tiền điện, nước đến tiền ăn uống, xăng xe.
Với số tiền đó, trước đây, nếu tính toán tốt, mỗi tháng không phát sinh các khoản khác, Khiêm vẫn đủ để sinh hoạt trong 30 ngày, thậm chí có thể dư ra vài trăm nghìn đồng.
Nhưng bây giờ, giữa cơn càn quét "bão" giá, mọi chi phí sinh hoạt đều tăng theo giá xăng, đến suất cơm bụi cũng tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng, chất lượng bữa ăn cũng giảm, chỉ vài miếng thịt hay đậu, rau, lạc khiến Khiêm phải chật vật chi tiêu.
Chưa kể, Khiêm đang học năm cuối, chịu thêm các chi phí phát sinh phục vụ học tập, hoạt động trong lớp, làm đồ án tốt nghiệp. Nam sinh phải tăng ca làm đêm mới đáp ứng được.
Đây cũng hoàn cảnh của Việt Hùng (22 tuổi). Với số tiền trợ cấp ít ỏi từ bố mẹ, để tiết kiệm chi tiêu, Hùng sống cùng một người bạn, tận dụng thịt, trứng bố mẹ gửi từ quê lên để nấu cơm mang đi học. Tuy nhiên, hàng ngày, Hùng vẫn phải đi chợ để mua thêm rau hoặc thực phẩm khác khi hết.
Nam sinh cho biết thời gian này, mọi thực phẩm tại chợ đều lên giá. Chi phí sinh hoạt hàng tháng đội lên đáng kể. Giá thực phẩm tăng cũng đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống sẽ giảm khi cậu phải giảm số món và giá trị dinh dưỡng của đồ ăn.
“Có hôm, mình đi chợ mua một củ cà rốt 0,4 kg mà hết gần 30.000 đồng, một cây cải bắp cũng 25.000 đồng, 2 củ khoai tây mất đến 20.000 đồng. Giá tăng như vậy, mình không dám mua nhiều”, Hùng chia sẻ.
Thắt chặt chi tiêu
Cũng chịu tác động mạnh từ việc tăng giá, Kim Liên, 22 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, rơi vào cảnh loay hoay tính toán, lấy chỗ nọ bù chỗ kia.
Với 4,5 triệu đồng kiếm được từ đi làm thêm, Liên phải tính toán sao cho mọi thứ vừa đủ chi tiêu, nhất là khi giá cả leo thang. Ảnh: NVCC. |
Bố mẹ mất sớm, Liên ở cùng bà ngoại. Trước đây, cuộc sống một mình xa nhà đã khó khăn. Hiện tại, cô càng chật vật khi giá cả ngày một đi lên. Hiện giờ, việc đi đổ xăng cũng khiến Liên đắn đo.
“Trước đây, chỉ 70.000 đồng, mình đổ được đầy bình. Nhưng bây giờ, mình mất gần gấp đôi, đổ đầy bình, xót tiền lắm”, Liên tâm sự.
Đi chợ cũng trở thành công việc đau đầu không kém. Mấy ngày nay, cô bất ngờ khi giá thịt gà tăng lên 95.000 đồng/kg trong khi trước đó, Liên chỉ mua với giá 70.000 đồng/kg là cao.
Cầm tiền đi chợ, Liên phải cân nhắc cẩn thận từng món đồ, tránh lạm chi. Ngày trước, mỗi lần ra chợ, nữ sinh mua 0,5 kg thịt để ăn dần. Hiện tại, cô chỉ dám mua 0,2 kg. Liên chủ yếu mua rau và mì tôm để ăn qua bữa.
Do hoàn cảnh gia đình, Liên làm thêm đến 8 tiếng/ngày. Tháng trước, cô kiếm được 4,5 triệu đồng. Nữ sinh phải tính toán sao cho mọi thứ vừa đủ chi tiêu.
Cô dành 1,5 triệu đồng trả tiền thuê trọ, 1,5 triệu đồng trả góp mua máy tính phục vụ học tập, 400.000 đồng xăng xe và gần một triệu đồng tiền ăn. Mọi thứ vừa khít khiến lúc xe hỏng, Liên phải vay mượn bạn bè để đem đi sửa.
“Giá cả tăng, lương thấp, mình không mua gì cho bản thân và người nhà. Nhưng khó nhất vẫn là không có tiền tiết kiệm, mình không dám đi khám sức khỏe, sợ khám ra bệnh, không có tiền chữa, nên cứ để vậy”, Liên chia sẻ về những khó khăn của mình.
Thắt chặt chi tiêu để thích nghi với hoàn cảnh là cách duy nhất Khiêm, Hùng, Liên có thể làm ở giai đoạn này.
Ngọc Khiêm suy nghĩ lại việc tự nấu ăn. Cậu cũng tính chỉ dùng xe máy khi đi học và chuyển sang đi bộ hoặc xe buýt đến chỗ làm. Nam sinh hạn chế những việc như uống cà phê, ăn uống bên ngoài cùng bạn bè. Trước đây, thỉnh thoảng, Khiêm vẫn đi chơi, đi du lịch để thoải mái đầu óc. Nhưng gần một năm nay, cậu bỏ hẳn các khoản này.
Kim Liên cũng bỏ thói quen ăn vặt hay đặt đồ cá nhân trên mạng. Những ngày nghỉ, cô tranh thủ làm ca "gãy", ăn ở quán làm thêm để tiết kiệm tiền ăn uống. Cô hạn chế tối thiểu việc chi tiêu cho bản thân. Cả năm, cô không mua cho mình bộ quần áo mới. Nhiều bộ được Liên mặc từ hồi THPT đến nay.
Trong khi đó, Việt Hùng bán chiếc xe ga cũ tốn xăng để mua xe cub cũ, vừa thuận tiện lại tiết kiệm hơn. Nam sinh tính toán lại các khoản chi cho ăn uống, chỉ mua vừa đủ lượng đồ ăn, giảm món hoặc chia nhỏ số lượng.
“Mình chỉ mong giá xăng giảm, giá cả hàng hóa dần ổn định để cuộc sống sinh viên đỡ khó khăn”, Hùng tâm sự.