“Tại sao lại cứ phải mặc định sinh viên ra trường lương phải thấp? Nhiều người mới ra trường nhưng có sẵn kinh nghiệm và năng lực, đương nhiên, họ sẽ đòi hỏi mức lương xứng đáng với công sức của họ”, L.H. (23 tuổi), cử nhân Kinh tế Đầu tư CLC, ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), chia sẻ với Zing.
Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá thấp năng lực của sinh viên hoặc sinh viên mới ra trường. Ảnh: Forbes. |
Từ chối mức lương 16 triệu
L.H. cho biết đã vài lần đi ứng tuyển ở một số công ty. Cô nhận thấy có nhiều nhà tuyển dụng đánh giá rất thấp năng lực của sinh viên hoặc sinh viên mới ra trường. Khi L.H. đưa ra mức lương mong muốn của bản thân, cô nhận về không ít “gạch đá” và cho rằng cô đang ảo tưởng khi đưa ra con số như vậy.
Trong khi đó, ngay từ khi bắt đầu năm nhất ĐH, L.H. đã xác định hướng đi và xây dựng những kế hoạch cho bản thân. Thừa nhận mình là người tham vọng, cô tự đòi hỏi bản thân đến khi ra trường phải có song song cả hai thứ là kinh nghiệm và mức lương cao xứng đáng với những gì bản thân đã, đang, sẽ làm.
Chính vì vậy, không chỉ trau dồi kiến thức trên ghế nhà trường, chỉ sau vài tháng nhập học, với lợi thế biết 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Hàn, L.H. bắt đầu tìm kiếm cho mình cơ hội trong công việc để tích lũy kinh nghiệm, xây dựng thương hiệu cho bản thân, mở rộng các mối quan hệ.
Với những thứ mình xây dựng được, cô cho biết từng từ chối lời mời làm trợ lý giám sát dịch vụ của một tập đoàn lớn với mức lương 16 triệu đồng ngay từ khi chưa ra trường.
Cô cho rằng với công việc này, mình khó có thể phát triển được bản thân khi chỉ lặp lại duy nhất một công việc mà không có sự mới mẻ. Bên cạnh đó, mức lương thấp hơn kỳ vọng cũng là lý do để cô từ chối khi trước đó, cô đã có công việc với mức lương cao hơn.
Hiện tại, L.H. đang đảm nhiệm vị trí quan hệ khách hàng tại một công ty Hàn Quốc với mức lương 20 triệu đồng khi mới ra trường một năm. Cô cho biết đây vẫn là mức thấp so với những người mà cô tiếp xúc hàng ngày và đã có một số nhà tuyển dụng đưa tới cô nhiều cơ hội hơn với mức lương 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên L.H. vẫn chưa nhận lời bên nào bởi có dự định, kế hoạch riêng cho bản thân.
“Đó vẫn chỉ là những con số. Thứ quan trọng là mình hướng đến nâng cấp bản thân mỗi ngày về mọi mặt. Mình không hướng tới gì cao xa, chỉ cần bản thân tốt hơn ngày hôm qua, đổi lại, mức lương hay bất cứ thứ gì đều có thể cao hơn”, L.H. chia sẻ.
Việt Hà (23 tuổi, từ Hà Nội) phá vỡ định kiến sinh viên mới ra trường khó nhận lương cao. Ảnh: NVCC. |
Phá vỡ định kiến của số đông
Cũng giống như L.H., Việt Hà (23 tuổi, từ Hà Nội) phá vỡ định kiến sinh viên mới ra trường chỉ có thể nhận lương thấp. Từng là sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương, thời điểm hơn một năm trước, khi Hà mới ra trường và bắt đầu đi làm, điều cô chú trọng là cô sẽ đóng góp được gì vào sự phát triển của công ty và sự thăng tiến như thế nào.
Nhưng đối với Hà, tiền lương sẽ là thứ để minh chứng cho những điều trên. Nữ sinh kỳ vọng con số không quá cao nhưng cũng không quá thấp bởi đây là động lực để cô phấn đấu, chứng minh năng lực bản thân.
“Tuy nhiên, theo quan điểm của mình, mức lương cần được tính theo kinh nghiệm, sự đóng góp thực tế của cá nhân chứ không phải được tính theo mốc thời gian là vừa mới ra trường”, Việt Hà nhận định.
Tại thời điểm đó, lương mặt bằng chung cho sinh viên mới ra trường tầm 5,5-7 triệu đồng và thưởng. Hà mạnh dạn từ chối một vài công ty với mức lương trên vì lương cứng chưa đạt được kỳ vọng bởi cô đã có một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Lộ trình thăng tiến của công ty cũng không phù hợp kế hoạch cô đề ra.
Ngoài ra, một phần lý do Hà từ chối nhận việc vì không đồng ý với quan điểm của một số nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm nên mặc định lương thấp, thậm chí chỉ có trợ cấp.
Hà nhận định vấn đề sinh viên ra trường chưa có kinh nghiệm có thể đúng với nhiều người, tuy nhiên, không thể đúng 100% với những cá nhân nỗ lực, học hỏi ngay từ khi còn ngồi trên ghế đại học.
Sau khi từ chối mức lương trên, Hà được đề xuất mức lương tốt hơn ở các công ty khác, 8-9 triệu đồng. Cuối cùng, nữ sinh đồng ý làm ở một công ty về thương mại điện tử với mức lương 7 triệu đồng và thưởng doanh số.
“Mình nghĩ ở thời điểm đó, mức lương cứng 7 triệu đồng không cao nhưng cũng không quá thấp. Thay vào đó, mình nhìn thấy sự phát triển, thăng tiến trong tương lai và người sếp mình có thể học hỏi”, Hà chia sẻ về quyết định của mình.
Đến thời điểm này, Hà đã làm việc được hơn một năm. Với kinh nghiệm từ trước cùng sự cố gắng, học hỏi phát triển bản thân, Hà làm việc với năng suất có thể phá vỡ định kiến về sinh viên mới ra trường.
Từ lương cứng 7 triệu đồng và thưởng doanh số, đến nay, Việt Hà có thu nhập mỗi tháng lên đến 50 triệu đồng.
Thước đo để thỏa thuận lương
Việt Hà cho rằng không có thước đo chung cho việc thỏa thuận mức lương mà mỗi cá nhân đều có thước đo riêng tùy theo nhu cầu và mục đích của mỗi người. Tuy nhiên, Hà nhận định với sinh viên mới ra trường, các nhà tuyển dụng thường quan tâm đến yếu tố tốt nghiệp trường nào, trình độ đến đâu.
Theo Hà, trước khi thỏa thuận hay đưa ra mức lương với nhà tuyển dụng, mỗi ứng viên phải tự trả lời 2 câu hỏi - bản thân mình có những gì và công ty có những gì.
Cô gái trẻ nhận định không chỉ đối với sinh viên mới ra trường mà ngay cả ứng viên lâu năm khi ứng tuyển cần đánh giá bản thân về các mặt học vấn, kinh nghiệm thực tế, định hướng cá nhân, quan trọng bản thân đóng góp được gì cho nhà tuyển dụng để họ sẵn sàng chi trả.
Về phía công ty, ứng viên cần tìm hiểu, xem xét công ty mang lại cho ứng viên những gì như môi trường, kiến thức, kỹ năng làm việc, định hướng, lộ trình thăng tiến của công ty có phù hợp với bản thân không.
“Mình không muốn dùng từ xin việc, vì mình nghĩ việc tuyển dụng và ứng tuyển giống như một hợp đồng mua bán. Cả 2 bên đều có nhu cầu và đều cần lợi ích”, Hà chia sẻ về góc nhìn của bản thân.