Hen suyễn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của trẻ. Ảnh: Flickr. |
Những phụ huynh có con mắc bệnh hen suyễn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tạo cho con môi trường an toàn và lành mạnh. Họ không chỉ phải chứng kiến cảnh con mình thở khó nhọc trong cơn hen suyễn mà còn cần liên tục theo dõi các tác nhân tiềm ẩn có thể làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Bệnh hen suyễn ở trẻ em là tình trạng đường thở của trẻ bị sưng và hẹp lại, khiến trẻ khó thở. Đây là tình trạng phổi mạn tính, ảnh hưởng nhiều trẻ em trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính vào năm 2019, bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến 262 triệu người, gây ra 455.000 ca tử vong. Trẻ em bị hen suyễn thường tiếp xúc với các tác nhân như phấn hoa, bụi hoặc không khí lạnh, khiến đường thở bị viêm nhiều hơn, gây ra các triệu chứng như thở khò khè, ho, tức ngực, khó thở.
Các triệu chứng này ở trẻ em có thể có mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ nhẹ đến nặng và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày cũng như giấc ngủ của trẻ. Với phương pháp điều trị, phòng ngừa thích hợp, bao gồm dùng thuốc, tránh các tác nhân gây hen suyễn, bệnh nhi hen suyễn có thể có cuộc sống bình thường, năng động.
Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ em
Tiến sĩ Poonam Sidana, Giám đốc khoa Sơ sinh và Nhi khoa tại Bệnh viện CK Birla, Delhi, Ấn Độ, nói với Indianexpress: “Trẻ có thể bị nhiều loại dị ứng khác nhau như khi tiếp xúc với mạt bụi, vẩy da thú cưng, phấn hoa, nấm mốc, phân gián... Những chất gây dị ứng này có thể đe dọa, làm tăng các triệu chứng hen suyễn. Trẻ tiếp xúc với những chất gây dị ứng này cũng có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn”.
Bà giải thích thêm rằng nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cảm lạnh thông thường, cúm, RSV, có thể dẫn đến các đợt hen suyễn ở trẻ em. Những bệnh này khiến triệu chứng hen suyễn thêm trầm trọng khi làm đường thở bị viêm và phản ứng quá mức.
Hơn nữa, trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá, cả trong thời kỳ trong bụng mẹ và sau khi sinh, có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn. Ô nhiễm không khí, bao gồm bụi, chất chất ô nhiễm công nghiệp, khí thải ôtô, cũng là nguyên nhân.
Thuốc hít là liệu pháp phổ biến và hiệu quả để kiểm soát cơn hen suyễn. Ảnh: Unsplash. |
Cách kiểm soát cơn hen suyễn
Bác sĩ Sidana cũng chia sẻ thống kê cho thấy cứ 10 trẻ thì có khoảng một trẻ mắc bệnh hen suyễn.
“Cách kiểm soát hen suyễn phổ biến nhất cho trẻ em là liệu pháp hít bằng máy phun sương hoặc bình đệm rất an toàn, tác dụng nhanh. Phương pháp điều trị này bao gồm việc hít thuốc vào phổi của trẻ, có thể làm giảm các triệu chứng nhanh chóng và hiệu quả. Hai loại thuốc phổ biến được sử dụng trong ống hít là Corticosteroid và thuốc giãn phế quản. Trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn lên cơn hen suyễn, thuốc giãn phế quản thường được sử dụng vì chúng giúp giảm đau ngay lập tức”, bà nói.
Bà nói thêm điều cần thiết là giữ không gian trong nhà sạch sẽ, không có bụi, thông gió tốt. Theo nữ chuyên gia, thuốc đuổi muỗi cũng là nguyên nhân khiến trẻ lên cơn hen suyễn. Tương tự, thảm, đồ chơi mềm… có thể tích tụ bụi, nấm mốc, ảnh hưởng xấu đến bệnh nhi. Do đó, gia đình nên dùng máy hút bụi hoặc lau ướt thay vì lau khô.
Ngoài ra, nếu có con bị hen suyễn, cha mẹ nên thường xuyên hẹn gặp bác sĩ để cho con theo dõi chức năng phổi. Điều này giúp xác định sớm bất kỳ thay đổi nào trong các triệu chứng của bệnh và kiểm soát tình trạng bệnh thích hợp nhằm tránh các đợt cấp tính có thể xảy ra”, bà khuyên.
Cách để ngăn ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ:
- Hạn chế tiếp xúc với những chất gây ra cơn hen suyễn.
- Tránh xa khói thuốc lá trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh.
- Khuyến khích trẻ chơi hoặc tham gia các hoạt động giúp phổi hoạt động hiệu quả.
- Duy trì lối sống lành mạnh cho con
- Tiêm phòng là chìa khóa, hãy đảm bảo rằng con bạn được tiêm phòng vaccine thích hợp. Bạn nên theo dõi sát sao tình hình bệnh hen suyễn của con để mọi việc trong tầm kiểm soát.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.