Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiệt sức vì bài vở lớp 1, con gái nhiều lần khóc nức nở

Dù công tác trong ngành giáo dục nhưng tôi không tán đồng với việc dạy chữ sớm cho con trước khi vào lớp 1. Không ngờ đây là lý do khiến con tôi mới vào học lớp 1 đã kiệt sức.

Trẻ lớp 1 áp lực, kiệt sức vì bài vở. Ảnh minh họa: Vietnamnet.

Từ háo hức ban đầu

Khi các con bắt đầu vào các cấp học mới như lớp 1, lớp 6 và lớp 10, phụ huynh thường bối rối gấp bội. Tôi cũng không phải là ngoại lệ khi hàng ngày phải kèm cho con gái đang học lớp 1.

Khi con học mầm non, tôi cho bé theo học các lớp năng khiếu mà con yêu thích như vẽ tranh, đánh đàn… Mỗi cuối tuần, hai mẹ con tôi thường ngồi đọc sách cùng nhau.

Dù không biết chữ nhưng việc được mẹ kể chuyện và ngắm tranh minh họa khiến con tôi rất vui và háo hức.

Trí tưởng tượng của bé vì thế cũng tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế lại phũ phàng khi con bắt đầu vào lớp 1.

Đến trận chiến mỗi tối

Con gái tôi gần như kiệt sức sau mỗi buổi học vì không theo kịp các bạn trong lớp. Bởi đại đa số các bé đều đã được học chữ từ những năm còn học mầm non.

Thậm chí, ở nhiều trường mầm non ngoài công lập, các cháu không chỉ biết chữ mà còn làm được những phép tính phức tạp, kiểu 22 + 55 + 11 = ?.

Do chưa biết chữ nên con gái tôi phải nỗ lực nhiều hơn các bạn cùng lớp. Ngày nào cũng vậy, cứ 7h30 con đi học, 16 giờ về đến nhà.

Sau bữa tối, con gái tôi phải ngồi vào bàn học. Con xoay xở với nhiều loại bài tập như tập viết, làm toán, bài tập tiếng Anh, bài tập Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội...

Mỗi ngày có từ 3 đến 4 môn học thì tương ứng có bài tập đi kèm, chưa kể các bài như luyện đọc tăng cường, tập viết tăng cường, tiếng Anh nâng cao.

Các yêu cầu hoàn thành bài tập đều được giáo viên nhắn trong nhóm Zalo chung cả lớp để phụ huynh nhắc con làm. Nếu các bé không hoàn thành, cô giáo cũng sẽ gửi tin nhắn nhắc nhở đến phụ huynh.

Do đó, bài tập về nhà không chỉ là gánh nặng đối với học sinh mà các bậc phụ huynh cũng chịu nhiều áp lực. Trước kỳ thi, hai mẹ con “vật lộn” với mớ bài vở như một trận chiến đầy áp lực.

Dù đã cố gắng để làm bài vào buổi tối nhưng đến thứ 7, chủ nhật, con gái tôi vẫn phải tranh thủ hoàn thành các bài tập.

Từ khi bắt đầu đi học, cháu trầm tính và ít hoạt bát hẳn so với trước kia. Thậm chí, có lúc buồn vì kết quả học tập không như ý, con gái tôi bật khóc tức tưởi.

Đốt cháy giai đoạn khiến trẻ hụt hơi

Trong khi đó, khi cho con sang Mỹ học, chị gái tôi đã rất ngạc nhiên.

Phụ huynh không phải mua một cuốn sách giáo khoa nào cả, cặp đi học của cháu mỗi ngày chỉ là một chiếc ba lô gọn nhẹ.

Bên trong ba lô thông thường chỉ có một tệp nhựa (dạng file kẹp giấy), chủ yếu để kẹp khoảng 3 tờ giấy cỡ A4 là bài tập về nhà mỗi ngày, giấy thông báo của nhà trường đến phụ huynh.

Khi học lớp 1, các cháu sẽ được học đa dạng các môn để rèn kỹ năng như: Đọc, Nghệ thuật ngôn ngữ, Đánh vần, Toán, Khoa học, Nghiên cứu xã hội, Ứng xử... nhưng hoàn toàn không có sách giáo khoa cồng kềnh, mà được phát những bài học in trên tờ giấy rời cỡ A4.

Cháu tôi chỉ cần học ở trường từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Các cháu dù đi học nhưng vẫn có nhiều thời gian vui chơi và phát triển một cách tự nhiên.

Từ câu chuyện đi học của cháu tôi ở nước ngoài, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về gánh nặng vô hình trong học tập mà con gái mình và rất nhiều trẻ em Việt Nam đang phải chịu đựng.

Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành các quy định nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh vẫn phải cặm cụi hoàn thành các bài tập về nhà theo yêu cầu của giáo viên.

Xét ở góc độ tâm lý, nếu chúng ta có cách biến việc học trở thành niềm yêu thích thì sẽ tạo động lực cho các em học tập, tiếp thu tốt các nội dung.

Ngược lại, việc học nặng nề, căng thẳng sẽ ảnh hưởng không ít đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Trẻ em gặp phải áp lực bài vở sẽ dễ nảy sinh tâm lý sợ học, ngại đến trường.

Thiết nghĩ, việc học là việc cả đời, cần tính bền vững. Nếu cứ tạo nhiều áp lực, ép trẻ chín sớm, đốt cháy giai đoạn thì trẻ sẽ càng dễ hụt hơi.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên

Giáo dục thời hậu đại dịch

Theo India Today, các trường học phải thay đổi nhanh hơn do sự gián đoạn thị trường ngày nay và những thay đổi trong nhu cầu của các doanh nghiệp.

https://vietnamnet.vn/kiet-suc-vi-bai-vo-con-gai-lop-1-cua-toi-nhieu-lan-khoc-tuc-tuoi-2097401.html

Minh Anh / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm