Mong muốn có thể hình nam tính hơn, Byn Nguyễn, hiện là người Việt sinh sống và làm việc tại Boston, Mỹ, đã lựa chọn gym. Qua nhiều năm tập luyện, anh đã "bỏ túi" không ít kinh nghiệm tập luyện, đặc biệt, về các chấn thương và cách phòng tránh để sở cơ thể khỏe khoắn, cơ bụng 6 múi như hiện tại.
Thể hình của Byn Nguyễn nhờ kiên trì tâp luyện. |
Dưới đây là chia sẻ Byn Nguyễn cùng Zing.vn:
Đau khớp, nhức mỏi cơ bắp, đau lưng dưới,... là một trong rất nhiều chấn thương mà những người tập gym hay gặp phải. Khi bạn tập, dù muốn hay không thì trong một khoảng thời gian nào đó bạn có thể bị chấn thương.
Bodybuilding là môn ít chấn thương nhất vì các động tác thực hiện đều nằm trong sự kiểm soát và ý muốn của bạn.
Xin nói trước, tôi không phải là một chuyên gia về bodybuilding, tôi chỉ có nhiều kinh nghiệm vì bản thân đã từng trải qua các chấn thương này. Tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu được một số kiến thức cơ bản về việc phòng tránh các chấn thương thường gặp khi tập.Tôi không bàn ở đây tất cả các loại chấn thương, bởi có quá nhiều loại khác nhau và không biết hết về chúng. Vì vậy, tôi sẽ tập trung vào những loại chấn thương mà quen thuộc và dễ mắc phải nhất.
Chấn thương lưng dưới
Hầu như tất cả những người đi tập đều đã có kinh nghiệm hoặc sẽ sớm trải nghiệm kiểu chấn thương này. Điều đặc biệt là đau lưng dưới thường xuyên xảy ra, không chỉ để dân đi tập mà nó còn xảy ra với tất cả mọi người.
Chấn thương lưng dưới có thể biến chứng thành thoát vị đĩa đệm cột sống |
Đau lưng dưới nếu nhẹ thì sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày nhưng trong một số trường hợp nó có thể trở thành một chấn thương rất nghiêm trọng, biến chứng thành thoát vị đĩa đệm cột sống. Nghĩa là vòng cơ bên ngoài của một trong những đĩa đệm của bạn bị rách và làm cho chúng phình ra và chèn vào rễ thần kinh. Nếu bạn bị đau lưng dưới nặng dẫn đến thoát vị đĩa đệm thì nó không chỉ đau riêng ở phần lưng mà còn có thể làm hỏng các dây thần kinh dẫn đến tổn thương nghiêm trọng tại một số cơ bắp ở phần dưới trong cơ thể, dẫn đến chân có thể bị tạm thời hoặc thậm chí tê liệt vĩnh viễn.
Trong trường hợp này, bạn sẽ cần phẩu thuật khẩn cấp để chữa trị. Vì vậy, khi bị đau lưng dưới bạn không nên xem thường nó.
Viêm gân
Viêm gân là một tình trạng viêm gân cơ nơi bám vào xương, sinh ra bởi sự tích tụ của những vết rách nhỏ bên trong gân do hoạt động quá mức và sai kĩ thuật. Việc tập gym đối với những người bán chuyên và chuyên nghiệp thì thường xuyên đặt áp lực vào cơ bắp và sợi gân trên cơ thể (gân là nối liền giữa cơ và xương).
Viêm gân nhẹ có thể tự mất đi trong vài ngày hoặc một tuần, nặng sẽ dẫn đến đau đớn và có thể mất rất nhiều thời gian để chữa lành hoàn toàn. Triệu chứng của viêm gân là bạn cảm thấy đau đớn khi uốn cong, căng cơ hoặc khi bạn ấn mạnh trực tiếp trên dây chằng ở vùng đó.
Nếu được điều trị sớm và đúng cách, viêm gân có thể chữa lành hoàn toàn, nhưng nó có thể tái phát rất dễ dàng khi bạn đặt quá nhiều áp lực vào chỗ đã từng bị viêm gân. Nếu bạn bị viêm gân nặng mà vẫn cố gắng tập thì sợi gân đó hoàn toàn có thể bị đứt, lúc đó thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Rách cơ bắp hoặc đứt dây chằng
Đứt dây chằng hay rách cơ bắp phải được chữa trị bằng bằng phẫu thuật và vật lý trị liệu. |
Rách dây chằng là kết quả cuối cùng của việc viêm gân khi không được điều trị. Tuy nhiên, trong một số cuộc thi powerlifting thế giới, có một số trường hợp dây chằng khỏe mạnh cũng có thể đột nhiên đứt dẫn tới xương đâm vào thịt từ việc squat hay deadlift nặng quá mức có thể.
Rách cơ bắp hay dây chằng cực kỳ đau đớn và bạn không còn một chút sức lực nào ở nơi bị rách hay đứt đó. Việc đứt dây chằng hay rách cơ bắp phải được chữa trị bằng bằng phẫu thuật và sau đó là vật lý trị liệu.
Bong gân
Bong gân xảy ra do vài sợi cơ bị rách khi bạn bất ngờ kéo dãn những sợi cơ đó. Triệu chứng điển hình của bong gân bao gồm đau, sưng, cứng khớp, viêm và bầm tím xung quanh cơ bắp. Điều tốt là bong gân thường xuyên không xảy ra đối với người tập thể hình vì bong gân thường xảy ra đối với các môn thể thao có sự chuyển động đột ngột, bất ngờ (điển hình là đá bóng).
Bong gân hoàn toàn có thể chữa lành sau một vài ngày hoặc vài tuần nghỉ ngơi.
Nếu bạn thực hiện số lần tập không kiểm soát, thường xảy ra khi để khớp chịu sức nặng của tạ – tức không dùng sức mạnh kiềm sức nặng của tạ mà để nó rơi tự do, làm tổn thương khớp. Thông thường các tổn thương này là kết quả của thời gian dài làm tổn thương khớp xương.
Các khớp hay sụn bị tổn thương thường dẫn tới đau khi bạn chuyển động hoặc ấn vào khớp đó. Các mô bị hư hại có thể gây ra một tình trạng viêm tại chỗ và tích tụ nước trong khớp. Tổn thương khớp hay sụn thường vĩnh viễn, chỉ có cách chữa khỏi là thay sụn hoặc thay khớp.
Tổn thương khớp hay sụn nếu nặng sẽ dẫn đến việc bị chấn thương vĩnh viễn.
Vậy làm sao để tránh chấn thương?
Chấn thương là kẻ thù lớn nhất của người tập thể hình, bởi nó có tác động tiêu cực đến chất lượng và kết quả buổi tập, hoặc thậm chí không cho phép bạn tập nơi bị chấn thương trong khoảng thời gian dài. Một số chấn thương sẽ để lại di chứng cho bạn mãi mãi, cản trở việc tập luyện và trong cuộc sống. Vì vậy, phòng, chống chấn thương rất quan trọng nếu bạn muốn tập luyện hiệu quả và lâu dài.
Những cách tốt nhất để ngăn ngừa chấn thương là:
- Để cơ thể ấm lên trước và giãn cơ sau mỗi buổi tập luyện.
- Bạn nên tập thực hiện các động tác theo đúng tư thế, kiểm soát lượng tạ và số lần/hiệp thực hiện.
- Ego lifting sẽ luôn mang lại những chấn thương nặng nhất cho cơ thể bạn. Nếu cảm thấy đau trong quá trình tập thì nên ngừng ngay trước khi cơn đau trở nên nặng hơn.
Các bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu khi không được tập luyện và nghĩ trong đầu: “Thôi kệ, mình chỉ tập nhẹ nhẹ thôi”, ... Khi vào phòng tập bạn rất khó có thể “tập nhẹ nhẹ” như bạn từng nghĩ. Việc bỏ qua các cơn đau và cố gắng tập luyện sẽ dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng thậm chí vĩnh viễn.
Lưu ý: Điều quan trọng khi trước khi bắt đầu một buổi tập là để làm ấm cơ bắp, gân, và các khớp liên quan đến các bài tập mà bạn sẽ thực hiện (dynamic stretching). Làm nóng có nghĩa là để tăng nhiệt độ của mô bằng cách bơm máu ấm trong những khu vực sắp tập bằng cách làm một số bộ lặp lại với số lần thực hiện cao và trọng lượng tạ nhẹ. Trước khi tập luyện cơ bắp, tôi thường tập 2-3 hiệp khoảng 20 lần với trọng lượng rất nhẹ (chỉ với 20 - 40% trọng lượng của của working lần đầu tiên của tôi). Sau đó, tôi nhẹ nhàng kéo căng các cơ bắp trong khoảng 15 giây. Không căng cơ bắp trước khi tập làm ấm cơ thể vì cơ bắp lúc này đang lạnh sẽ dễ dẫn tới thương tích hoặc chấn thương cho gân và dây chằng.
Thêm nữa, khi bạn vừa trở lại tập luyện sau một chấn thương nào đó, bạn nên dành ra vài tuần để cơ thể làm quen lại với 100% mức tạ của bạn lúc trước.