Du lịch
Kinh nghiệm du lịch
'Kỳ hoa dị thảo' trong rừng Sa Mu
- Thứ sáu, 15/12/2023 18:06 (GMT+7)
- 18:06 15/12/2023
Không chỉ nổi tiếng là điểm trekking "mộng mị" với rừng rêu, cung Sa Mu - U Bò (Sơn La) còn là "địa bàn" của nhiều loại thảo dược quý, khách mê thực vật học có thể đến khám phá.
|
Cung đường trekking đỉnh Sa Mu - U Bò, tuy chỉ mới được du khách quan tâm nhiều trong năm nay, nhưng hễ ai đặt chân đến đây đều ngỡ ngàng trước cảnh sắc huyền diệu cùng thảm thực vật đa dạng. Đặc biệt, đối với dân leo núi chính hiệu, vẻ đẹp nguyên sinh của rừng Sa Mu không đâu có thể so sánh được. Nhiều người còn ưu ái, gọi đây là một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam. |
|
Theo cổng thông tin điện tử huyện Bắc Yên, đỉnh Sa Mu - U Bò có độ cao 2.890 m so với mực nước biển, nằm trong rừng đặc dụng Tà Xùa, vừa được cắm chóp vào tháng 12/2022. Ngọc Linh (28 tuổi, TP.HCM), vừa chinh phục đỉnh Sa Mu cuối tháng 11, đánh giá cung trekking này khá dễ đi, đặc biệt là dân vừa dấn thân vào bộ môn trekking như cô. "So với núi Bạch Mộc Lương Tử (Kỳ Quan San), Nam Kang Ho Tao ở Lai Châu, đỉnh Sa Mu có phần "dễ thở" hơn nhiều. Bàn về cảnh thì mỗi nơi mỗi vẻ, đều rất độc đáo", Ngọc Linh cho hay. |
|
Rừng đặc dụng Tà Xùa có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Anh Nguyễn Trọng Cung, (31 tuổi, Thái Bình), vừa trở về sau chuyến trekking đỉnh Sa Mu hôm 9/12, cho biết anh là cựu sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (Hà Nội), trong quá trình học tiếp xúc với nhiều loại cây cỏ, dược liệu, khi đặt chân đến rừng anh như "cá gặp nước". Vẻ đẹp khu rừng không khỏi khiến anh trầm trồ, thích thú. "Tôi nhận ra kha khá loại dược liệu thông qua hình dáng và hoa. Là một dân leo núi lâu năm, cộng thêm đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, tôi tưởng sẽ không có cảnh gì làm tôi ngỡ ngàng nữa. Ý nghĩ này đã sai khi tôi đặt chân đến rừng Sa Mu", anh chia sẻ. |
|
Ngoài ra, trong rừng còn có một số loài hoa hay thực vật dùng làm gia vị như cây hồi, hoa cây hoa đỗ quyên, thu hải đường, cỏ lào, anh thảo, thường sơn, tử châu quả tím, viễn chí... và nhiều cây phong lá đỏ. |
|
Đối với môn đi bộ đường dài, đặc biệt các cung đi xuyên rừng, mỗi một bước chân là một lần tác động đến thiên nhiên. "Ban quản lý rừng Tà Xùa không phổ biến rõ cách thức giữ gìn thảm thực vật, nhưng tôi nghĩ hành động hái hoa, bẻ lá là việc không nên làm. Nếu một người đi qua bẻ một hoa, thì khu rừng còn lại gì. Tôi không khuyến khích các bạn trẻ chặt cây để khô, rồi đem nướng lợn cả con, việc làm này rất tốn tài nguyên", anh Cung chia sẻ. |
|
Đồng quan điểm, Vương Phạm (24 tuổi, TP.HCM) cho rằng các bạn trẻ đi leo núi dù là tự túc hay theo đoàn nên tự ý thức hành động nơi rừng xanh. Thêm nữa, các porter (người dẫn đoàn, thường là dân bản địa) có thể chủ động nhắc nhở thành viên nhặt rác dọc đường đi, đầu lọc thuốc lá. |
|
Anh Cung chia sẻ thêm khách tham gia leo núi nên trang bị quần loại nhiều túi. Mục đích là chứa nhiều bao đựng rác nhất có thể, vừa đi đường vừa nhặt rác. Nước uống nên để vào bình đựng cá nhân, không nên dùng loại đóng chai. Ngoài ra, Trọng Cung cũng tiết lộ anh có dự định lập nhóm lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử để nhặt rác. |
|
Theo thống kê, khu rừng đặc dụng Tà Xùa hiện có 671 loài thực vật, 364 chi và 129 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao. |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
Tường Vi
Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
du lịch bền vững
Lai Châu
trekking