Trong hội nghị tổng kết năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT công bố ba phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Thay đổi này lập tức thu hút sự chú ý của các nhà giáo dục.
Phương án 2: Thi 5 bài là phù hợp nhất
Là bộ phận trực tiếp chịu ảnh hưởng khi một trong ba phương án thi này được thực hiện, ông Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho biết hoàn toàn đồng ý với chủ trương nên có một kỳ thi quốc gia.
Ông Lê Xuân Trung - hiệu trưởng THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) - Ảnh: Xuân Trung. |
Cá nhân ông đã mong đợi kỳ thi chung cần được tổ chức từ lâu: “Tôi cho rằng lẽ ra chúng ta phải làm cách đây 5-6 năm. Nhưng muộn còn hơn không, vì vậy từ năm 2015 Bộ GD-ĐT cần tiến hành ngay, không thể chậm trễ hơn nữa”.
Mỗi phương án của Bộ GD-ĐT đều có ưu nhược điểm riêng, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế, vị hiệu trưởng này chọn cách làm thứ 2.
Với phương án này các học sinh sẽ thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (bắt buộc) và một bài khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Lịch sử và Địa lý) (tự chọn). Tuy nhiên, ông góp ý Bộ GD-ĐT nên yêu cầu các học sinh phải thi tất cả 5 bài thay vì được lựa chọn.
Đây là giải pháp tối ưu để phát huy được hiệu quả và thúc đẩy các nhà trường thực hiện nền học vấn giáo dục phổ thông toàn diện, phong phú, đa dạng để học sinh bước vào những bậc học cao hơn hoặc có thể rẽ sang thực hiện hoạt động hướng nghiệp độc lập.
Theo ông, thời gian đầu thực hiện chắc chắn kỳ thi này sẽ có bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể thể làm được. Ví dụ, nếu các nhà trường chưa dạy và học tích hợp thì Bộ GD-ĐT sẽ ra đề tổng hợp, mỗi bài thi gồm nhiều phần nội dung khác nhau ở từng môn khác nhau. Đây là việc Bộ hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt.
Đối với việc tổ chức chấm thi, ông Trung cho biết điều đó không có gì phức tạp. Các giám thị chỉ mất một động tác là chấm truyền. Một bài thi tổng hợp sẽ có nhiều người chấm từng nội dung mà mình được đảm nhiệm.
“Khi chúng ta có đề thi chính xác, lựa chọn người chấm chính xác, thanh kiểm tra chính xác thì không có chuyện nhầm lẫn được” ông Trung nhận định.
Tổ chức coi thi nghiêm túc, chấp nhận tỷ lệ thật
Một vấn đề mà ông Lê Xuân Trung rất quan tâm đó là việc coi thi như thế nào để chúng ta nghiệm thu được sản phẩm chính xác. Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, công tác này sẽ có sự phối hợp giữa các Sở GD-ĐT, trường phổ thông và đại học, cao đẳng.
“Đây là phương án tốt, có thể ngăn chặn được sự cả nể, coi thi chưa chặt chẽ. Việc coi thi chung giữa hai lực lượng phổ thông và đại học cũng như chấm thi chung giữa hai lực lượng này sẽ tạo ra một kết quả mà xã hội sẽ tin cậy. Vấn đề đề thi sao cho đáp ứng được yêu cầu phân hóa để công nhận trình độ tốt nghiệp và làm căn cứ để vào đại học”, ông Trung đánh giá.
Vị hiệu trưởng này cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Có thể từ trước tới nay chúng ta quen với con số đỗ gần 100%. Bây giờ , nếu tổ chức một kỳ thi thực sự nghiêm túc, chúng ta cần chấp nhận tỷ lệ đỗ thật. Đó có thể là 70% hay là 50% thì chúng ta vẫn vui vẻ và đáng mừng”.
Để giảm sức ép trượt - đỗ tốt nghiệp THPT và tạo điều kiện cho các học sinh, Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo chung, học sinh sau khi hoàn thành chương trình THPT xong, với những em tổng kết có học lực trung bình lớp 12 và cả 3 năm có thể cấp chứng chỉ hoàn thành xong chương trình phổ thông. Chứng chỉ này có giá trị lập nghiệp học trung cấp, học nghề, hoặc tham gia vào lực lượng vũ trang.
Theo ông Trung để chất lượng giáo dục thay đổi là cả một quá trình chuyển mình kéo dài từ 15-20 năm, không thể một sớm, một chiều. Tuy nhiên những gì cần thiết phải làm thì toàn ngành và xã hội cần chung sức tạo nên sự đột phá.
Học sinh được đào tạo toàn diện sẽ dễ xin việc
Hiệu trưởng THPT Lê Lợi cho rằng: “Thế hệ trẻ Việt Nam còn thiếu rất nhiều kỹ năng thậm chí là tri thức nói chung như trình độ ngoại ngữ, tin học còn rất yếu. Điều đó dẫn tới nguồn nhân lực của Việt Nam không thể và khó hội nhập quốc tế".
Trong quá trình công tác trong ngành giáo dục, ông Lê Xuân Trung từng chứng kiến rất nhiều học sinh cũ xin được việc bởi có nhiều kỹ năng trong cuộc sống.
Thầy giáo này chia sẻ: “Các em tuy bằng cấp không bằng những bạn cùng ứng cử, nhưng lại có năng khiếu nghệ thuật hay hiểu biết về xã hội nên lại được ưu tiên tuyển trước”.
Vì vậy, ngoài việc cung cấp kiến thức, vị lãnh đạo này luôn trăn trở giúp học sinh có được sự phát triển toàn diện, xây dựng những kỹ năng cần thiết cho các em như giao tiếp, thuyết trình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ông nói: “Mỗi tuần nhà trường đều tổ chức các lớp kỹ năng, ngoài ra còn có nhiều hoạt động xã hội khác cho các em tham gia. Dù các em vẫn chưa thấy được ngay ích lợi của những giờ học đó, nhưng chúng tôi tin rằng đó sẽ là hành trang tốt để học sinh bước vào đời”.
Vị hiệu trưởng này nhận định: “Lâu nay do quan niệm học ứng thi, trọng bằng cấp và kỳ thi đại học lại diễn ra theo khối đã trở thành tiền đề khiến giáo dục trong nhà trường bị lệch. Hầu hết các trường đều tổ chức lớp theo ban A, B, C, D. Từ đó các em cũng chỉ học những môn mình sẽ thi còn các môn khác biết rất sơ sài”.
Để giải quyết vấn đề này, ông Trung nhấn mạnh điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo và quyết tâm triển khai thực hiện của toàn ngành giáo dục, các địa phương, sự nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên.
Đặc biệt, việc thống nhất chung một kỳ thi quốc gia chính là tiền đề đổi mới để nhìn nhận lại cách làm giáo dục của nước ta hiện nay.