Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao đổi về quá trình xây dựng, ý nghĩa của dự án Luật Nhà giáo. |
Sáng 7/10, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10 về lấy ý kiến, thẩm tra dự thảo Luật Nhà giáo.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết dự thảo Luật Nhà giáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, trên tinh thần khoa học, trách nhiệm, cầu thị, tuy nhiên đây là luật mới, khó, tác động rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn, là luật đối tượng không phải luật lĩnh vực…
Do đó, trong quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và lấy ý kiến rộng rãi xã hội, đặc biệt là 4 nhà gồm nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà đào tạo - các cơ sở đào tạo giáo viên, nhà sử dụng - các Sở GD&ĐT, trường học…
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng Luật Nhà giáo mong muốn phát triển đội ngũ nhà giáo chứ không phải ban hành thêm những điều khoản để quản lý nhà giáo; cố gắng nhất để nhà giáo có được môi trường làm việc thu hút được người tài, người tâm huyết vào ngành giáo dục và giữ chân được nhà giáo.
Dự thảo luật cũng đặc biệt quan tâm tới đội ngũ nhà giáo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ hội rút ngắn khoảng cách giáo dục.
Đề cập tới một số vấn đề cần điều chỉnh, hoàn thiện cụ thể, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh Luật Nhà giáo cần thể hiện được tư tưởng “tôn sư trọng đạo” và tư tưởng “thầy ra thầy, trò ra trò”. Đây là 2 nguyên lý cực kỳ quan trọng, từ nguyên lý đó để đến các chính sách.
Các thành viên Hội đồng cũng mong muốn ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo để từ đó khắc phục hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn khi áp dụng chế độ, chính sách cho nhà giáo.
Các góp ý của thành viên hội đồng thể hiện mong muốn dự án Luật Nhà giáo sẽ có có chính sách đột phá, đặc biệt là về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.