Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ giáo viên phân công phụ huynh trực nhật, nhà trường nói gì?

Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm thừa nhận việc giáo viên chủ nhiệm phân công phụ huynh tới lớp trực nhật là không đúng chủ trương của nhà trường, khiến phụ huynh bức xúc.

Trường Tiểu học Ngô Thì Nhận (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường.

Hôm 25/9, trường Tiểu học Ngô Thì Nhận (huyện Thanh Trì, Hà Nội) nhận được thông tin phản ánh về việc "giáo viên ở Hà Nội phân công phụ huynh sau 17h mang chổi đến trực nhật lớp".

Mới đây, trường đã có báo cáo gửi UBND huyện Thanh Trì. Cụ thể, trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm cho biết từ đầu năm học, trường đã phổ biến nhiệm vụ năm học, các quy định nói chung và công tác vệ sinh môi trường nói riêng tới phụ huynh.

Theo đó, nhân viên lao công được giao phụ trách vệ sinh các khu vực chung như nhà vệ sinh, sân trường. Học sinh duy trì nề nếp trực nhật lớp hàng ngày để có ý thức lao động giữ gìn vệ sinh chung, rèn kỹ năng mềm về sự sẻ chia công việc với gia đình, xã hội.

Nhà trường không có chủ trưởng triển khai việc phân công phụ huynh sau 17h mang chổi đến trực nhật lớp.

Sau khi nắm thông tin, nhà trường đã rà soát và xác định cô giáo N.T.U., giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5, đã nhắn tin qua lại trên nhóm Zalo của lớp nhưng cách trao đổi, triển khai không đúng chủ trương của nhà trường, chưa thấu đáo và rõ ràng, khiến phụ huynh bức xúc và có ý kiến phản ánh.

Ngay sau đó, nhà trường đã yêu cầu giáo viên viết bản tường trình, đồng thời tổ chức họp hội đồng sư phạm quán triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên khi trao đổi, cung cấp thông tin đến phụ huynh phải đảm bảo đúng chủ trương của nhà trường.

Đồng thời, nhà trường đã liên hệ trao đổi để phụ huynh hiểu và chia sẻ với nhà trường. Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm khẳng định sau sự việc này, trường sẽ tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ, giáo viên kỹ năng trao đổi thông tin với phụ huynh để tạo được sự chia sẻ, đồng thuận, đồng hành cùng nhà trường trong mọi hoạt động.

Trước đó, một phụ huynh có con học lớp 1 tại trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm bức xúc khi giáo viên chủ nhiệm phân công tới trực nhật lớp vào 17h hàng ngày.

Giáo viên cho biết học sinh lớp 1 khó khăn trong việc dọn vệ sinh lớp nên một số lớp đã chi 500.000 đồng/tháng để thuê lao công của nhà trường dọn dẹp. Nếu lớp không thuê, cô giáo sẽ phân công phụ huynh tới trực nhật.

Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm thông báo "chiều nay, 4-5 phụ huynh đến vệ sinh lớp cho các con. Khi đi, phụ huynh mang chổi, hót rác, chổi lau nhà. Thời gian lúc 17h. Cô giáo sẽ phân công theo danh sách lượt từ trên xuống dưới. Năm phụ huynh đầu tiên đi hôm nay đi gồm (theo tên con)...".

Phụ huynh cho rằng việc trực nhật lớp học bao gồm quét lớp hay giặt giẻ lau bảng, tưới cây, quét hành lang... học sinh hoàn toàn có thể làm để rèn tính tự giác, kỷ luật và có trách nhiệm với cộng đồng. Vì vậy, phụ huynh không đồng tình việc thuê người làm việc này thay các con.

Ngoài ra, phụ huynh này cũng phản ánh nhà trường đã kêu gọi đóng góp với mức 300.000 đồng/học sinh lớp 1 để mua 10 chiếc điều hòa trị giá khoảng 100 triệu đồng và 100.000 đồng/học sinh toàn trường để làm sân cỏ nhân tạo trị giá khoảng 168 triệu đồng. Tiều mua điều hòa đóng vào kỳ I và tiền làm sân cỏ nhân tạo đóng vào kỳ II.

Phụ huynh này cho hay việc xã hội hóa dựa trên tinh thần tự nguyện, song phụ huynh không được lấy ý kiến trước về những khoản thu này. Trong cuộc họp phụ huynh, các thông báo này được đưa ra để thực hiện, mang tính “ấn định” mỗi học sinh đóng bao nhiêu tiền, mà không có sự thảo luận, bàn bạc.

Về nội dung trên, trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, cho biết nhà trường mới đang xin ý kiến của cha mẹ học sinh, chưa triển khai thu - nộp.

Ông Ngát khẳng định chủ trương xã hội hóa giáo dục là một việc làm cần thiết và ý nghĩa, song việc triển khai các kế hoạch phải chuẩn bị kỹ lưỡng, dựa trên sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Tranh cãi chuyện giải tán ban phụ huynh

Nhiều người cho rằng “hội cha mẹ học sinh” hay “ban phụ huynh” được “đẻ” ra chủ yếu để thu đủ các loại quỹ, do đó, cần tính chuyện dẹp bỏ.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm