Dịp 30/4-1/5 năm nay kéo dài 4 ngày, đây là khoảng thời gian thích hợp để đi du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài Vũng Tàu là điểm đến quen thuộc của người dân TP.HCM, Đà Lạt cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc trong dịp lễ năm nay.
Để có một chuyến đi chơi vui vẻ và an toàn, đây là những kinh nghiệm cũng như lưu ý khi cầm lái ôtô đi Đà Lạt.
Hai cung đường đi Đà Lạt phổ biến từ TP.HCM
Từ TP.HCM, du khách có thể di chuyển đến Đà Lạt theo 2 cung đường chính là theo hướng Dầu Giây (Đồng Nai) hoặc đi đường biển rồi vòng sang đèo Tà Pao (Bình Thuận). Mỗi cung đường sẽ có những cảnh đẹp cũng như nguy hiểm riêng.
Từ TP.HCM, bạn cần tìm đường đi đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để rời khỏi thành phố. Khoảng thời gian lý tưởng để xuất phát đi Đà Lạt là 3-4h sáng, di chuyển vào khung giờ này giúp tránh khỏi kẹt xe ở đoạn đường Mai Chí Thọ dẫn vào cao tốc cũng như đến chân đèo Bảo Lộc lúc trời đã sáng.
Đường đi Đà Lạt từ TP.HCM thuận tiện nhất. |
Nếu lựa chọn cung đường biển rồi vòng qua Tà Pao, bạn cần lái xe rẽ xuống lối ra Long Thành rồi chạy hướng Vũng Tàu. Nếu đi đường Dầu Giây thì lái xe hết cao tốc rồi rẽ trái đi vào quốc lộ 1A, sau đó rẽ phải qua quốc lộ 20.
Đối với lái mới, đi theo hướng Dầu Giây lên quốc lộ 20 là cung đường an toàn và dễ đi nhất, quãng đường này dài khoảng 300 km. Thời gian di chuyển trung bình khoảng 6-8 tiếng nếu không xảy ra kẹt xe ở cao tốc hay trên đèo.
Nếu đi cung đường đèo Tà Pao, bạn có thể trải nghiệm luôn cung đường ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bình Thuận. So với đi hướng Dầu Giây quen thuộc, cung đường này mang đến trải nghiệm thú vị hơn nhưng cũng không kém phần nguy hiểm, đặc biệt là đoạn đường đèo Tà Pao.
Quan sát kỹ biển báo hiệu trên đường
Quốc lộ 20 được biết đến là đoạn đường tương đối khó khăn với lái mới lẫn những người đã có kinh nghiệm.
Một lưu ý khi chạy trên quốc lộ 20 là cần quan sát kỹ biển báo hiệu khu vực trong đô thị cũng như vạch kẻ đường. Đối với ôtô, tốc độ cho phép ngoài khu vực đô thị là 80 km/h (không có dải phân cách cứng) hoặc 90 km/h (có dải phân cách cứng, 2 làn đường), trong đô thị là 50 km/h (không có dải phân cách cứng) hoặc 60 km/h (có dải phân cách cứng, 2 làn đường).
Bạn cần mang theo đầy đủ giấy tờ xe (cà-vẹt, giấy đăng kiểm, bảo hiểm) để xuất trình cho cảnh sát giao thông khi được yêu cầu.
Kiểm tra kỹ phương tiện trước chuyến đi
Trước khi bắt đầu chuyến đi, bạn cần kiểm tra toàn xe để đảm bảo chuyến đi được diễn ra an toàn, suôn sẻ.
Đối với chuyến đi Đà Lạt, đèn là hệ thống cần được kiểm tra kỹ vì cung đường này thường có sương mù trên đèo. Ngoài ra, lốp xe cũng cần đo lại áp suất để mang đến sự thoải mái cũng như an toàn. Tất nhiên, bình xăng đầy là điều không thể thiếu cho chuyến hành trình. Với quãng đường không quá xa, bạn không phải lo lắng đổ thêm xăng trong hành trình TP.HCM đi Đà Lạt.