Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lái xe tải tạt đầu xe cứu thương có thể bị xử phạt thế nào

Với việc bị lập biên bản về các hành vi không nhường đường cho xe ưu tiên và không có giấy phép lái xe, mức phạt có thể áp dụng đối với ông P. sẽ là 16-20 triệu đồng.

Chiều 17/10, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh ôtô tải biển số 22C-082.48 cố ý không nhường đường cho xe cấp cứu trên Quốc lộ 2C, đoạn thuộc địa phận huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Đây là xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, đang làm nhiệm vụ đưa một người phụ nữ bị trâu húc vỡ gan, tràn dịch màng phổi đi cấp cứu ở Hà Nội.

Xác định tài xế là ông Vũ Thế P. (44 tuổi, ở thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương), lực lượng chức năng đã triệu tập người này tới làm việc, lập biên bản về các hành vi Không nhường đường xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ và Không có giấy phép lái xe.

tat dau xe cuu thuong anh 1

Lập biên bản xử phạt ông Vũ Thế P.

Theo khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển phương tiện không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt về hành vi "Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ". Chế tài có thể áp dụng đối với tài xế P. trong trường hợp này là phạt tiền 6-8 triệu đồng.

Ngoài ra, người này có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Đối với hành vi Không có giấy phép lái xe, khoản 11, Điều 2 Nghị định này quy định mức phạt đối với người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô không có giấy phép lái xe sẽ là phạt tiền 10-12 triệu đồng.

Như vậy, tổng mức phạt mà ông P. có thể đối diện sẽ là 20 triệu đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 32 Nghị định này và Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt đối với trường hợp người điều khiển ôtô không có giấy phép lái xe.

Do đó, việc cơ quan công an tạm giữ phương tiện của ông P. là đúng quy định. Thời hạn tối đa tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt, thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương có bị xử phạt?

Theo luật sư, hành vi vượt đèn đỏ là lỗi vi phạm hành chính, nhưng xảy ra trong tình thế cấp thiết thì người vi phạm sẽ không bị xử phạt.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm