Làm đạo diễn sự kiện, kiếm 30 - 50 triệu/tháng
Đạo diễn sự kiện là một nghề rất vất vả, phải đầu tư cao và rủi ro khá lớn. Vất vả ở việc phải khảo sát và đánh giá mức độ khả thi cho những ý tưởng và dự án mới. Tuy nhiên, thu nhập cũng tương xứng với sự vất vả đó.
Nếu bạn đã từng theo dõi một chương trình, sự kiện dù là lớn hay bé, trực tiếp hay qua ti vi thì chắc cũng không khỏi thắc mắc làm thế nào mà nó có thể diễn ra một cách trơn tru như vậy, từ MC, các diễn viên, khách mời, đến âm thanh, ánh sáng..., và ai là người đứng sau để điều khiển tất cả những vị trí đó?
Đó chính là công việc của một đạo diễn sự kiện. Xuất hiện từ khá lâu nhưng một vài năm trở lại đây, nghề đạo diễn sự kiện này mới thu hút giới trẻ và ngay lập tức đã trở thành một nghề cực hot không chỉ bởi những kinh nghiệm có thể thu nhận được từ công việc này mà còn tiền lương cũng rất hấp dẫn.
Đạo diễn Lê Trần Đắc Ngọc trong một sự kiện. |
Chuyên gia về yếu tố sáng tạo và... hậu cần
Theo Lê Trần Đắc Ngọc, theo nghề đạo diễn từ năm 20 tuổi, đạo diễn sự kiện được ví như một “chuyên gia” về các yếu tố sáng tạo, kỹ thuật và hậu cần.
Chính vì vậy những đặc điểm cơ bản nhất của công việc này đó chính là ý tưởng và làm sao để biến ý tưởng đó thành hiện thực, trở thành một sự kiện thành công. Ngoài ra đạo diễn sự kiện còn phải xây dựng chiến lực truyền thông, quảng bá hình ảnh và làm thương hiệu cho chính sự kiện của mình.
"Để trở thành một đạo diễn sự kiện, các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều con đường khác nhau có thể đi. Hiện tại Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và Đại học Văn hóa TP.HCM có đào tạo chuyên ngành Đạo diễn sự kiện. Ngoài ra các bạn còn có thể đi theo cách khó khăn hơn rất nhiều như mình đã từng đi đó chính là tự mò mẫm - đi theo học hỏi trực tiếp lý thuyết cũng như những kinh nghiệm của các anh chị đi trước", Ngọc chia sẻ.
Yêu cầu cần có của một đạo diễn sự kiện là gì?
Đắc Ngọc cho biết, kể từ khi khai sinh ý tưởng đến khi hoàn thành, một sự kiện được chia ra là 2 giai đoạn chính. Đó là lên đề án và chạy chương trình. Đầu tiên để có được một bộ đề án hay và hoàn chỉnh, người đạo diễn sự kiện đòi hỏi phải là một người có những kỹ năng toàn diện: sáng tạo, trình bày, lập kế hoạch, quản lý khủng hoảng, nắm rõ quy trình về F&B (Food and Beverage – lo việc “hậu cần” của sự kiện), kỹ năng giám sát, thiết kế và một vốn kiến thức thực tế khá lớn.
Nói cách khác, đạo diễn sự kiện vừa là một “creator” (người sáng tạo)”, vừa là một event planner (lập kế hoạch sự kiện) và trong quá trình tổ chức thì đảm nhận vai trò của một “event manager” (giám đốc sự kiện). "Ngoài ra Đạo diễn sự kiện phải am hiểu về thủ tục giấy tờ, có kỹ năng quản lý ngân sách, có kiến thức về marketing, có mối quan hệ tốt với giới truyền thông và quan trọng nhất là kỹ năng quản lý nhân sự" - Ngọc tâm sự thêm.
Nghề vất vả và rủi ro khá lớn
Đạo diễn sự kiện là một nghề rất vất vả, phải đầu tư và rủi ro khá lớn. Vất vả ở việc các bạn phải khảo sát và đánh giá mức độ khả thi cho những ý tưởng và dự án mới.
"Giả sử trong dự án sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây của Ngọc, khi làm ý tưởng Ngọc đã phải chinh phục đỉnh Fansipan, tham gia đạo tạo khổ luyện trong danh trại quân đội, trải nghiệm trong những trò chơi mạo hiểm khác như nhảy dù, nhảy cầu, lướt ván hay tham gia đua ngựa và đua xe phân khối lớn… Hay như trong dự án “Thắp sáng miền Ký ức” thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong 4 ngày, mình đã phải đọc, nghiền ngẫm và gần như đã học thuộc 3 quyển sách: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Tài Hoa Ra trận và Viết tiếp tuổi 20. Bởi vì làm những dự án liên quan tới lịch sử chỉ cần một sai sót nhỏ như mốc thời gian thì nội dung của chương trình sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều", Ngọc tâm sự
Ngoài ra sự thành công của một sự kiện không nằm trong tay của riêng người đạo diễn, mà nó được tạo nên từ rất nhiều khâu khác như âm thanh, ánh sáng, nhân sự và những yếu tố khách quan khác.
Đạo diễn sự kiện không giống đạo diễn phim, trách nhiệm của họ vô cùng nặng nề. Cảnh quay hỏng có thể quay lại nhưng khi sự kiện diễn ra, không được phép có sai sót, và mỗi sai sót thì đều để lại hậu quả. Chính vì vậy tỷ lệ phần trăm rủi ro trong công việc này là khá lớn.
"Nhưng cũng chính vì những khó khăn đó, công việc đạo diễn giúp cho mình có thêm rất nhiều trải nghiệm mới, thỏa sức sáng tạo và xây dựng những ý tưởng “táo bạo” của mình thành hiện thực. Qua đó giúp bản thân đúc rút được nhiều kinh nghiệm sống cũng như những kinh nghiệm trong công việc. Và đặc biệt nghề đạo diễn sự kiện còn đem lại cho Ngọc cơ hội tham gia trong các lĩnh vực khác như MC, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, kinh doanh, quản lý nhân sự… Đây là một nghề khá hot hiện nay, chính vì vậy nó cũng mang lại cho mình một khoản thu khá lớn", Ngọc cho biết.
Bình thường để hoàn thành xong một sự kiện nhỏ sẽ mất chừng 1 - 2 tháng, còn trong những dự án dài hạn hơn thì có thể được tính theo năm. Bình quân khoảng thu nhập từ công việc này hàng tháng của Ngọc dao động 30 - 50 triệu đồng/ tháng.
Họ tên: Lê Trần Đắc Ngọc Ngày sinh: 26/10/1990 Những chương trình đã tham gia chương vai trò Đạo diễn sự kiện: - Cuộc thi Hoa khôi trí tuệ Việt Nam 2011 - Chương trình “Trái tim nhân ái tỏa sáng 2012” - Chương trình Nghệ thuật và Doanh nhân - Đại nhạc hội DJ 2010, Liên hoan Ẩm thực Hà Thành 2010 (Trợ lý đạo diễn) - Cuộc thi Kết nối nụ cười 2011, - Thắp sáng miền Ký Ức - Chương trình từ thiện “"Vòng Tay Nhân Ái"… |
Theo Tri thức trẻ