Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Làm gì khi bị sương mù não hậu Covid-19?

Tình trạng sương mù não hậu Covid-19 sẽ biến mất sau vài tuần mà không cần điều trị. Song, với một số người, nó có thể tồn tại tới hai năm và gây nhiều ảnh hưởng.

Sương mù não hậu Covid-19 là tình trạng khiến nhiều người gặp khó khăn khi tập trung, mất trí nhớ, rối loạn nhận thức, mệt mỏi, rối loạn hành vi hoặc một số triệu chứng thần kinh khác. Đây cũng là một trong 3 triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới.

Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) phát hiện Covid-19 có thể gây tổn thương não trực tiếp do viêm não, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hoặc phức tạp. Nhiều người có mức độ suy giảm nhận thức nghiêm trọng, trong đó, 25% người khỏi Covid-19 gặp vấn đề về thần kinh.

Theo TS Mill Etienne, Đại học New York, Mỹ, hầu hết người bị sương mù não hậu Covid-19 đều khỏi bệnh mà không phải điều trị sau vài tuần. Tuy nhiên, một số người mắc Covid-19 vào giai đoạn đầu đại dịch đến nay vẫn có triệu chứng này, đồng nghĩa nó kéo dài tới hơn hai năm.

Vị chuyên gia khuyến cáo nếu đang phải chiến đấu với sương mù não hậu Covid-19, bạn không nên né tránh mà hãy chấp nhận nó và tìm cách đối phó. Bởi sương mù não không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, nó còn khiến các hoạt động hàng ngày, chất lượng cuộc sống bị giảm sút.

Khi tình trạng mất tập trung, ghi nhớ hoặc bất kỳ vấn đề về thần kinh nào kéo dài sau 4-12 tuần hậu Covid-19, bạn nên tới gặp bác sĩ để có những chẩn đoán chính xác nhất.

Harvard Health Publishing dẫn lời khuyên của GS Andrew E. Budson, chuyên gia thần kinh về một số lời khuyên cải thiện tình trạng sương mù não hậu Covid-19 như sau:

- Tập thể dục mỗi ngày: Chúng ta có thể mất nhiều thời gian để bắt đầu các bài tập ở thời gian đầu, nhưng bạn cũng không cần quá nôn nóng. Các bài thể dục nhịp điệu kéo dài 2-3 phút, thực hiện vài lần/ngày là cách khởi đầu khá tốt. Sau đó, bạn nên duy trì thói quen luyện tập tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.

- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn cân bằng, nhiều trái cây, rau xanh, các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt đã được chứng minh giúp cải thiện khả năng tư duy, tăng cường trí nhớ và sức khỏe não bộ.

- Tránh rượu và chất kích thích: Rượu, bia, chất kích thích gây căng thẳng và ảnh hưởng xấu tới não. Nếu đang gặp vấn đề về thần kinh hậu Covid-19, bạn không nên sử dụng các chất này.

- Duy trì giấc ngủ hợp lý, đủ giấc: Với não bộ, giấc ngủ là “món ăn” quan trọng giúp cơ quan này thư giãn sau một ngày căng thẳng và cơ thể đào thải chất độc ra ngoài. Vị chuyên gia khuyến cáo bạn nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày, hạn chế thức khuya.

- Tham gia các hoạt động xã hội: Khoảng thời gian giãn cách xã hội khiến tâm trạng và thể chất của chúng ta bị ảnh hưởng. Các hoạt động xã hội không chỉ giúp bạn vui vẻ, thoải mái hơn mà còn hỗ trợ giảm thiểu stress, căng thẳng.

Bạn cũng có thể tham gia một số hoạt động trải nghiệm mới như nghe nhạc, thiền, kích thích nhận thức và giữ thái độ tinh thần tích cực…

Thêm hàng loạt di chứng mới ở người khỏi Covid-19

Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy nCoV có thể ảnh hưởng đa cơ quan, gây ra các bệnh lý nguy hiểm tới sức khỏe ngay cả khi người mắc đã khỏi Covid-19.

Cảnh giác với triệu chứng đau bụng kinh kéo dài

Những cơn đau rã rời đến vào mỗi kỳ kinh nguyệt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của Namira trong hàng chục năm.

Dịch Covid-19

Bảo Hân

Bạn có thể quan tâm