Từ ngày 6/6, 70 công ty với hơn 3.000 người lao động ở Vương quốc Anh bắt đầu tham gia chương trình thí điểm làm việc 4 ngày/tuần lớn nhất từ trước đến nay.
Theo mô hình 100:80:100, nhân viên sẽ nhận được 100% lương, làm việc 80% thời gian và cam kết đạt 100% năng suất.
Theo The New York Times, đây là thử nghiệm mới nhất trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm giảm số giờ làm việc của người lao động trong khi giữ nguyên lương.
Các cuộc thử nghiệm tương tự do chính phủ hậu thuẫn cũng sẽ bắt đầu vào cuối năm nay ở Tây Ban Nha và Scotland.
Người đi làm ở London. Ngày 6/6, chương trình thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần bắt đầu và sẽ kéo dài 6 tháng tại Anh. Ảnh: Kirsty O'Connor/PA. |
Nhiều nước tham gia
Làm việc 4 ngày/tuần là giấc mơ trong nhiều thập kỷ. Năm 1956, Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon dự đoán về xu hướng này “trong tương lai không xa”. Nhưng thực tế, nó được thực hiện không đồng nhất trên toàn cầu những năm qua.
Các công ty làm theo cách riêng của họ, đặc biệt khi Covid-19 thay đổi văn hóa làm việc truyền thống.
Tại Mỹ, một số doanh nghiệp cho phép nhân viên cắt giảm tuần làm việc của họ bằng cách nghỉ thứ 6, làm việc theo ca kết hợp, giảm lương để làm việc ít giờ hơn hoặc tự mình đặt ra thời gian biểu.
Một số công ty ở New Zealand đang thử nghiệm tuần làm việc ngắn hơn theo lời kêu gọi của Thủ tướng Jacinda Ardern vào tháng 5/2020. Bà cho biết quyết định cuối cùng thuộc về các doanh nghiệp, nhưng khuyến khích họ xem xét vì điều này “chắc chắn giúp ích cho ngành du lịch của đất nước”.
Các công ty ở Ireland và Australia bắt đầu chương trình thí điểm vào ngày 1/8 tới. Hai cuộc thử nghiệm nữa sẽ bắt đầu ở Mỹ và Canada vào tháng 10.
Mô hình làm việc 4 ngày/tuần được thử nghiệm tại nhiều quốc gia thuộc khắp các châu lục. Ảnh: iStock. |
Hầu hết nỗ lực diễn ra ở khu vực tư nhân, nhưng chính phủ Scotland, Tây Ban Nha và Nhật Bản tuyên bố hỗ trợ cho mô hình làm việc 4 ngày/tuần.
Tây Ban Nha đưa ra thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần vào tháng 4 năm ngoái sau lời kêu gọi từ đảng cánh tả Más País. Theo The Guardian, chương trình thí điểm sẽ kéo dài trong 3 năm, với 50 triệu euro được phân bổ nhằm giúp các công ty giảm giờ làm việc với rủi ro tối thiểu.
Tháng 9/2021, Đảng Quốc gia Scotland công bố kế hoạch thí điểm tuần làm việc 4 ngày, chỉ áp dụng cho các công việc văn phòng. Theo cuộc khảo sát với 2.203 người do Viện nghiên cứu Chính sách Công Scotland thực hiện, 80% cho biết tuần làm việc ngắn hơn sẽ tác động tích cực đến sức khỏe của họ, trong khi 88% sẵn sàng tham gia chương trình này.
Chính phủ Nhật Bản cũng công bố kế hoạch khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng tuần làm việc 4 ngày trong hướng dẫn chính sách kinh tế hàng năm, được công bố vào tháng 6/2021.
Theo The Washington Post, lãnh đạo quốc gia này hy vọng cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động, giúp họ có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình và học hành.
Đại dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy sự phát triển của mô hình làm việc 4 ngày/tuần. Ảnh: iStock. |
Hạnh phúc hơn
Từ năm 2015 đến 2019, các cơ sở làm việc ở Iceland đã tiến hành 2 thử nghiệm quy mô lớn về giảm thời gian làm việc từ 40 giờ xuống còn 35-36 giờ/tuần mà không giảm lương.
Phân tích kết quả được công bố vào tháng 7/2021. Theo đó, các chương trình thí điểm, có sự tham gia của 2.500 người lao động, được coi là “thành công vượt bậc”, với 86% lực lượng lao động của đất nước đang làm việc ít hơn hoặc được quyền rút ngắn thời gian của họ.
Quan trọng hơn, báo cáo cho thấy năng suất của nhân viên vẫn giữ nguyên hoặc được cải thiện ở hầu hết nơi làm việc. Ngoài ra, sức khỏe cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ tăng lên đáng kể, với ít trường hợp căng thẳng, kiệt sức hơn, theo Independent.
“Mô hình tuần làm việc 4 ngày khiến người sử dụng lao động nhận ra rằng họ có thể tin tưởng vào nhân viên của mình. Ảnh: WSJ. |
Năm 2019, Trường Kinh doanh Henley tại Đại học Reading khảo sát hơn 500 lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 2.000 nhân viên ở Vương quốc Anh nhằm hiểu rõ hơn về tác động của tuần làm việc 4 ngày đối với lực lượng lao động.
Theo đó, 2/3 doanh nghiệp báo cáo sự cải thiện về năng suất của người lao động, trong khi 78% cho biết nhân viên hạnh phúc hơn, ít căng thẳng hơn (70%), ít ngày nghỉ ốm hơn (62%) và tuần làm việc 4 ngày giúp họ thu hút cũng như giữ chân người lao động (63%).
Gần một nửa (40%) nhân viên cho biết họ sử dụng thêm ngày nghỉ để phát triển các kỹ năng chuyên môn, trong khi 1/4 (25%) dành thời gian để làm tình nguyện.
Thời gian bổ sung cho các hoạt động cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất cũng liên quan đến việc tăng năng suất. Nhiều người cho biết họ có giấc ngủ ngon hơn và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, người thân.
Dấu chân carbon (lượng khí nhà kính, chủ yếu là cacbon dioxide, thải vào khí quyển bởi hoạt động cụ thể của con người) cũng có thể được giảm bớt với việc đi lại ít hơn và không gian văn phòng thu nhỏ.
Người lao động hạnh phúc hơn với số ngày làm việc trong tuần giảm đi vì họ có thêm thời gian cho gia đình và sở thích cá nhân. Ảnh: Audra Melton. |
Theo Wired, phần lớn nghiên cứu chỉ ra người lao động ủng hộ mô hình làm việc 4 ngày/tuần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có mặt trái.
Ví như các công ty rút ngắn thời gian làm việc nhưng vẫn cần duy trì năng suất. Do đó, cùng khối lượng công việc sẽ bị ép hoàn thành nhanh hơn dẫn đến tình trạng kiệt sức. Lịch trình dày đặc hơn cũng khiến đồng nghiệp ít có thời gian tán gẫu hay ăn trưa cùng nhau tại nơi làm việc.
Các chuyên gia không ngạc nhiên khi nghe điều này. Ngay cả những người vận động cho tuần làm việc 4 ngày cũng thừa nhận việc thay đổi lịch trình không phải là giải pháp cho tất cả vấn đề.
Nếu nhận thức được các vấn đề có thể xảy ra khi rút ngắn thời gian làm việc, họ sẽ có cơ hội tốt hơn để giảm thiểu mặt hại và tối đa hóa lợi ích. Đa phần vẫn đồng ý rằng ưu điểm của làm việc 4 ngày/tuần vượt trội hơn rất nhiều so với nhược điểm.