Vụ việc hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B được "nhân bản" 1 thành 2 xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đang gây xôn xao dư luận. Liên quan đến sự việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, cho biết trước mắt đơn vị đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Xanh Pôn về việc đình chỉ hoạt động đối với 3 nhân viên.
“Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu bệnh viện làm rõ và xử lý nghiêm minh, không bao che, tập thể, cá nhân nếu có vi phạm. Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu bệnh viện rà soát lại tất cả khoa trong bệnh viện, không riêng gì khoa, phòng liên quan đến vụ việc”, ông Hiền thông tin.
Nhân viên tại bệnh viện đã cắt đôi bộ test từ 1 thành 2. Ảnh: VTV24 |
Về phía bệnh viện, TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc bệnh viện, cho hay: "Sự thật như thế nào chúng tôi vẫn đang phải tìm hiểu thêm. Nguyên tắc làm việc là khi tìm ra sai phạm của ai, bệnh viện sẽ xử lý đúng. Chúng tôi xác định sẽ làm việc trong cả tối nay để xác định rõ sự việc. Trong ngày mai, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức họp báo để có tiếng nói chính thức về sự việc", TS.BS Hưng thông tin.
Trước đó, tại khoa Vi sinh, của Bệnh viện Xanh Pôn đã xảy ra tình trạng làm ăn gian dối, bớt xét trang thiết bị trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B. Mỗi bệnh nhân đến đây xét nghiệm HIV và viêm gan B sẽ được test nhanh, lấy mẫu máu xét nghiệm mang đi phân tích.
Quá trình test nhanh với mỗi que thử không được thực hiện đúng quy trình mà được những nhân viên tại đây dùng kéo cắt làm 2 với vệt kéo đúng vào vị trí giữa của vạch hóa chất xét nghiệm. Chỉ với thao tác như trên, một que thử đáng lẽ chỉ được sử dụng cho một người nay lại được chẻ đôi dùng cho 2 người. Bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ. Sau đó, mẫu máu của nhiều bệnh nhân sẽ được nhỏ vào để làm xét nghiệm và cho ra kết quả sau 4 giờ.
Ba nhân viên liên quan đã bị đình chỉ gồm Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Loan - Phó phụ trách khoa Vi sinh y học; bà Trần Thanh Lam - cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh y học và bà Phạm Thị Thùy Linh - cử nhân xét nghiệm y học, lao động hợp đồng công tác tại khoa Vi y sinh.
Quyết định đình chỉ công tác đối với cá nhân có liên quan tới sự việc. |
Theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, để có kết quả xét nghiệm có chính xác, kỹ thuật viên phải tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất, tức một mẫu xét nghiệm chỉ được dùng một que thử.
"Trong 40 năm trong nghề, tôi chưa từng nghe tới việc cắt đôi que thử HIV và viêm gan B như vậy. Tôi cũng không dậy ai làm việc đó. Lần đầu tôi nghe tới sự việc như vậy. Khi một que thử được cắt đôi, kết quả đúng sai không thể biết được", PGS Luật cho hay.
Ông cũng cho biết thêm việc trộn các mẫu máu quá nhiều trong một giếng hóa chất theo tiêu chuẩn sẽ không cho kết quả chính xác. Để có kết quả đúng, kỹ thuật viên phải tuân thủ theo đúng quy định của hãng sản xuất dụng cụ xét nghiệm.
"Mọi sự cải tiến đều phải có cơ sở khoa học và kết quả. Nếu muốn cắt đôi que thử trong xét nghiệm thì trước đó phải có nghiên cứu và thực chứng bằng kết quả, để tránh việc chẩn đoán sai cho người bệnh", PGS Luật cho hay.