So với thu phí thủ công (MTC), thu phí tự động có nhiều ưu điểm hơn như không sử dụng tiền mặt, xe không cần dừng khi qua trạm... Hình thức thu phí tự động (ETC) tại Việt Nam hiện có 2 công ty chính cung cấp dịch vụ là VETC và ePass.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thực tế, nhiều chủ xe gặp phải không ít tình huống rắc rối khi di chuyển qua những trạm thu phí tự động dù đã dán thẻ định danh.
Mức xử phạt gây tranh cãi
Nghị định 100/2021/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về việc xử phạt khi điều khiển phương tiện không đủ điều kiện vào làn đường dành riêng cho thu phí tự động. Cụ thể, xe chưa đăng ký thu phí tự động hoặc tài khoản không đủ tiền đi vào làn đường dành riêng ETC sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Làn ETC cho phép phương tiện di chuyển qua mà không cần dừng lại mua vé. Ảnh minh họa: Hồng Quang. |
Anh Đỗ Quang Huy, một tài xế hơn 20 năm lái xe tại Hà Nội, từng gặp rất nhiều trường hợp phương tiện không đáp ứng điều kiện nhưng vẫn chạy vào làn thu phí tự động, hầu hết vẫn được tiếp tục di chuyển bằng cách đưa tiền mặt cho nhân viên soát vé.
Cá nhân anh Huy cảm thấy có đôi chút khó chịu về việc này, tuy nhiên anh nhận xét mức xử phạt lên đến 2 triệu đồng đối với lỗi lái xe không đủ điều kiện chạy vào làn ETC là quá nặng.
"Phạt gấp đôi mức phí qua trạm là đủ rồi", anh Huy chia sẻ. Ngoài ra, anh cũng cho biết nên xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chen vào làn ETC, "tôi thấy nhiều người chạy vào làn ETC dù không đủ điều kiện vẫn không bị phạt, nếu bị phạt rồi mất thời gian giải quyết thì sẽ không cố tình chạy vào nữa", anh nói thêm.
Ngược với anh Đỗ Quang Huy, người dùng khác tên Hoàng Lê (Hà Nội) cho rằng việc đi vào làn ETC mà xe không đáp ứng được điều kiện thì nên bị xử phạt. "Làn ETC đã có biển báo và vạch phản quang hàng trăm mét rồi. Không dán thẻ định danh mà cố tình đi vào thì sai rồi, còn tài khoản khi dưới 100.000 đồng đã thông báo, mình có dự định đi tỉnh thì phải có sự chuẩn bị chứ không thể nào quên được", anh Hoàng bày tỏ quan điểm.
Anh Nguyễn Lê (TP.HCM) cũng có cùng ý kiến với anh Hoàng Lê, anh nói: "Không dán thẻ định danh mà đi vào làn ETC thì bị phạt là đúng rồi, phạt càng nặng càng tốt. Sao có cái chuyện chậm một chút rồi thông cảm được".
Nhiều trường hợp phương tiện không đủ điều kiện vẫn di chuyển vào làn ETC. Ảnh minh họa: Hồng Quang. |
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, nhận định cần phải phạt nặng những trường hợp không đủ điều kiện nhưng vẫn vào làn ETC. "Thu phí tự động cần có sự chấp hành nghiêm chỉnh của người tham gia giao thông, nếu phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn ETC thì người điều khiển phải chủ động di chuyển vào làn khác", ông nói.
Thu phí không dừng nhưng vẫn phải dừng
Bên cạnh vấn đề xử phạt người điều khiển phương tiện, tình trạng hệ thống thu phí tự động gặp lỗi, phải dùng tiền mặt để thanh toán cũng khiến cho nhiều lái xe khó chịu.
"Tôi đã có lần vào làn ETC nhưng thanh chắn không tự mở dù còn tiền trong tài khoản thanh toán, phải mất 5 phút chờ đợi và phía sau là những tiếng còi thúc giục rất áp lực", anh Lê Minh Hoàng bày tỏ.
Anh Hoàng cũng nói thêm nếu phạt phương tiện không dán thẻ đi vào làn ETC, thì cũng phải có biện pháp chế tài đơn vị cung cấp dịch vụ để xảy ra lỗi gây ảnh hưởng đến khách hàng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng vẫn có thể xử phạt đơn vị cung cấp dịch vụ vì đây là hợp đồng dân sự giữa chủ phương tiện và đơn vị cung cấp. Hai bên đều có trách nhiệm cũng như quyền lợi riêng được ghi rõ trong hợp đồng.
"Nếu hệ thống thu phí tự động gặp sự cố, cách xử lý đơn giản nhất là bên cung cấp dịch vụ chủ động mở rào chắn", ông Thịnh đưa ra ý kiến.
Thiếu tính năng liên kết tài khoản ngân hàng
Hiện tại, VETC và ePass đều cho phép nạp tiền thông qua hình thức tiền mặt cũng như chuyển khoản. Tuy nhiên, các hình thức này đều yêu cầu khách hàng nạp tiền trước, hầu hết phương thức thanh toán đều tính thêm phí giao dịch khiến cho không ít khách hàng phản đối.
Cụ thể, VETC thu mức phí nạp tiền 1.430-1.500 đồng và 0,85-0,88% tổng giá trị giao dịch khi nạp tiền qua cổng thông tin khách hàng trên ứng dụng và website. Đối với ePass thì mức phí là 880-2.000 đồng và 0,66-2% tổng giá trị cho mỗi giao dịch nạp tiền.
"Việc bắt người dùng nạp tiền trước, sử dụng sau của thu phí tự động khá bất cập. Tôi nghĩ nên có thêm hình thức liên kết với tài khoản ngân hàng, thu phí bao nhiêu thì trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, lái xe sẽ tránh được việc bị phạt vì số dư trong tài khoản thu phí tự động không đủ", anh Quang Huy đề xuất.
Hệ thống laser soi chiếu lắp đặt tại trạm ETC BOT xa lộ Hà Nội. Ảnh: Duy Hiệu. |
Về việc đưa ra thêm phương án giải quyết khác ngoài việc xử phạt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: "Các trạm thu phí hoàn toàn có thể triển khai thêm những cách xử lý khác đối với những phương tiện không đủ tiền trong tài khoản thu phí tự động, tuy nhiên sẽ tăng chi phí cũng như rắc rối hơn trong khâu vận hành".
Anh Lê Thanh Hưng (TP.HCM) chia sẻ đang có ý định dán thẻ thu phí tự động để tiết kiệm thời gian khi đi qua trạm, tuy nhiên thiếu tính năng liên kết ngân hàng cũng như một số tuyến đường vẫn chưa áp dụng VETC lẫn ePass khiến anh băn khoăn. "Tôi thường xuyên di chuyển từ TP.HCM đi Vũng Tàu, cao tốc TP.HCM - Dầu Giây và các trạm thu phí trên QL 51 không chấp nhận thẻ VETC và ePass thì đăng ký cũng không có tác dụng", anh nói.
So với ứng dụng VETC, ứng dụng ePass có lợi thế hơn nhờ khả năng nạp tiền thông qua ví điện tử ViettelPay và Momo. Trong khi đó ứng dụng VETC chỉ hỗ trợ nạp tiền bằng thẻ ATM nội địa, mobile banking và thẻ tín dụng/ghi nợ.
Bộ GTVT đã có văn bản đồng ý đề xuất thu phí điện tử không dừng hoàn toàn trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đây cũng là tuyến đường đầu tiên tại Việt Nam không có thu phí thủ công, phương tiện muốn di chuyển trên cao tốc buộc phải lắp thẻ định danh. Trong tương lai, thu phí điện tử không dừng ETC sẽ thay thế hoàn toàn thu phí thủ công MTC.