Tối 23/11, ôtô 5 chỗ di chuyển tới khu vực ngã tư đường Hùng Vương - Huỳnh Minh Thạnh (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thì xảy ra va chạm với xe máy chở 2 thanh niên. Vụ việc khiến 2 người xe máy văng xuống đường, một người rơi trước đầu ôtô.
Sau vụ va chạm, ôtô dừng lại vài giây thì bất ngờ tăng ga lao về phía trước, bánh trước cán qua người nạn nhân. Vụ việc khiến 2 nạn nhân bị thương nặng phải đi cấp cứu. Kết quả kiểm tra cho thấy tài xế ôtô vi phạm nồng độ cồn, chạy tốc độ cao và không bật đèn khi tới giao lộ.
Trường hợp này, lái xe có thể bị xử lý ra sao?
Chiếc xe gây tai nạn tại hiện trường. Ảnh cắt từ clip. |
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình), để xác định trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này, cần làm rõ nhiều yếu tố như ý chí chủ quan của tài xế ở thời điểm đạp ga; động cơ, mục đích thực hiện hành vi của người này hay hậu quả do hành vi này để lại... Từ những căn cứ này, vụ việc có thể xảy ra theo các chiều hướng như sau:
Thứ nhất, nếu xác định sau vụ va chạm, tài xế cố tình lao xe vào nạn nhân, đây là dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Theo ông Hùng, với việc nạn nhân đã nằm dưới đường còn chiếc xe được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, việc lao xe vào người đó hoàn toàn có thể gây ra hậu quả chết người. Một người có đầy đủ nhận thức, dù thực hiện hành vi với ý chí chủ quan cố tình tước đoạt mạng sống nạn nhân hay không, phải ý thức được hậu quả nghiêm trọng mà hành vi có thể gây ra.
Bởi vậy, ông Hùng cho rằng nếu trường hợp này xảy ra, tài xế có thể bị xử lý về tội Giết người. Do nạn nhân chưa tử vong, hành vi này thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù.
Ngoài ra, với việc vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, người này còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ hai, nếu tài xế không chủ đích lao xe vào nạn nhân mà chỉ đạp nhầm chân ga do mất kiểm soát hoặc tăng ga nhằm bỏ chạy, tùy thuộc vào hậu quả là mức độ thương tật của nạn nhân, người này có thể bị xử lý về tội Vô ý gây thương tích (Điều 138) hoặc Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) tại Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Điều 138, trường hợp thương tật của nạn nhân từ 31% trở lên, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù còn theo Điều 260, người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích cho một người từ 61% trở lên, thuộc trường hợp phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, mức phạt sẽ là 3-10 năm tù.
Trường hợp một hành vi có dấu hiệu của 2 tội, ông Hùng cho biết theo nguyên tắc thu hút tội danh, tội có hình phạt cao hơn sẽ được áp dụng. Như vậy, khung hình phạt đối với người vi phạm trong trường hợp này có thể là 3-10 năm tù.
Trường hợp mức độ thương tật của nạn nhân chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự, tài xế này sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và thiệt hại về tài sản cho nạn nhân đối với phần thiệt hại do yếu tố lỗi của mình gây ra.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.