Alturas là một thành phố nhỏ thanh bình thuộc bang California, Mỹ. Đó là nơi mà Peggy Carr, một nữ phục vụ bàn từng tan vỡ hôn nhân và có một con riêng, chuyển tới để sống cùng người chồng thứ hai và 5 con (gồm một con riêng của Peggy, một con riêng của chồng, ba con chung).
Ngày 23/10/1988, khi đang làm việc ở nhà hàng, cô cảm thấy đau ở ngực và hai chân nên vội trở về nhà để nghỉ ngơi. Chỉ nửa giờ sau, Peggy nôn mửa rồi mất khả năng đi lại. Hai người con đưa cô tới bệnh viện, nhưng bác sĩ không thể phát hiện nguyên nhân khiến Peggy lâm vào tình trạng đó nên họ yêu cầu cô rời bệnh viện.
Bi kịch của nữ phục vụ bàn
Ba ngày sau, các con lại phải đưa Peggy vào bệnh viện trong tình trạng trầm trọng hơn. Các bác sĩ bất lực nhìn người phụ nữ yếu dần mà không thể tìm ra liệu pháp điều trị.
Peggy Carr, người phụ nữ tử vong. Ảnh: Sun Sentinel. |
Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Vài ngày sau, hai con của Peggy (gồm một con riêng của chồng thứ hai) cũng cảm thấy đau đớn khắp cơ thể, mất nước và không thể ăn.
Rồi khi Peggy hôn mê và hai con của cô giành giật sự sống với tử thần, các bác sĩ rút ra kết luận: Ai đó đã đầu độc họ bằng chất Thalium Nitrate - một hợp chất không màu, không vị. Người ta thường dùng Thalium Nitrate để bẫy chuột, nhưng nhiều bang ở Mỹ đã cấm sử dụng nó.
Kết quả phân tích các đồ vật trong nhà 3 nạn nhân cho thấy một chai Coca-Cola chứa Thalium Nitrate. Chất độc đã tồn tại trong chai Coca-Cola từ quá trình sản xuất, hay khi các nạn nhân đem nó về nhà? Nếu giả thuyết thứ nhất là sự thật, đây sẽ thực sự là một thảm họa đối với tập đoàn Coca-Cola.
3 tháng sau khi hôn mê, Peggy qua đời vào ngày 3/3/1989. Khi ấy tóc cô đã rụng hết - một dấu hiệu của Thalium Nitrate. Hai con trai của cô may mắn hơn mẹ vì họ đã sống sót và phục hồi sức khỏe.
Chồng nạn nhân trở thành nghi phạm
Pye Carr, chồng của Peggy, trở thành nghi phạm đầu tiên. Nhóm điều tra phát hiện mối quan hệ giữa Pye và Peggy đã trở nên căng thẳng vài tháng trước khi cô trúng độc.
Các con xác nhận Pye không dành nhiều thời gian cho gia đình. Họ cũng không loại trừ khả năng cha muốn hại mẹ để thoát khỏi cuộc hôn nhân ngột ngạt.
Pye là kỹ sư mỏ nên am hiểu về hóa chất và cũng có cơ hội tiếp xúc Thalium Nitrate.
Song khi phân tích độc tố trong cơ thể Pye và những người con còn lại, nhóm điều tra nhận thấy họ đều có Thalium Nitrate trong cơ thể, nhưng ở mức không nguy hiểm. Nếu Pye đầu độc vợ và các con, tại sao anh ta lại nhiễm chất độc? Phải chăng anh ta cũng là một nạn nhân, nhưng may mắn sống sót?
Pye cung cấp một manh mối đáng chú ý. Trước khi Peggy trúng độc, ai đó đã nhét một tờ giấy vào hòm thư trước cổng nhà anh. Người viết thư yêu cầu cả nhà Peggy phải rời khỏi đó trong hai tuần nếu không muốn chết.
Pye cũng nói rằng hai vợ chồng hàng xóm từng rất bức xúc khi các con của anh hát karaoke quá to. Ngoài ra, hai vợ chồng hàng xóm cũng dọa kiện nhà Carr vì cải tạo nhà khi chưa xin giấy phép.
Cuộc đấu trí 18 tháng với nghi phạm có chỉ số IQ cao
George James Trepal, một lập trình viên, cùng vợ là hai người sống cạnh nhà Peggy. Anh ta là một người có chỉ số IQ rất cao, nên được kết nạp với MENSA - tổ chức của những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới.
George từng sống vài năm trong tù vì tội chế biến ma túy tổng hợp hồi thập niên 70. Trong tù, anh ta từng dạy hóa học cho các phạm nhân khác.
Nhóm điều tra nhận định George có động cơ sát hại các thành viên nhà Peggy do xích mích trong sinh hoạt. Anh ta có điều kiện bỏ thuốc độc vào chai Coca-Cola trong nhà Peggy vì khoảng cách gần giữa hai nhà. Tuy nhiên, cảnh sát không thể khám xét nhà George vì chưa có bằng chứng nặng ký để tòa đồng ý khám xét.
George James Trepal (người mặc áo cam) là lập trình viên có chỉ số IQ cao. Ảnh: Sun Sentinel. |
Hiểu rằng George siêu thông minh nên không thể điều tra theo cách thông thường, nhóm điều tra quyết định cử Susan Goreck, một nữ cảnh sát ngầm, tiếp cận George. Cảnh sát làm việc với Tổ chức MENSA để Susan gia nhập chi nhánh của họ ở Alturas.
Ngay sau khi gia nhập MENSA, Susan đã cố gắng tìm cách tiếp cận George. Nhưng trong 18 tháng sau đó, nghi phạm không bộc lộ bất kỳ sơ hở nào để Susan có thể tìm ra bằng chứng.
Một ngày nọ, George nói anh ta và vợ sẽ chuyển tới thành phố Sebring nhưng chưa bán được nhà, Susan đề xuất anh ta cho cô thuê nhà. George đồng ý.
Ngay sau khi Susan chính thức chuyển tới ngôi nhà, cảnh sát lập tức xin lệnh khám xét và tòa án đồng ý.
Nhóm cảnh sát tịch thu toàn bộ chai, ống nghiệm chứa chất lỏng trong ngôi nhà để phân tích. Sau đó, Susan hẹn gặp George và nói rằng hai cảnh sát đã gặp cô trong ngôi nhà mà cô thuê để hỏi về George. Khi gã lập trình viên nói rằng cảnh sát tới vì 3 người bên nhà hàng xóm bị đầu độc, Susan tung đòn quyết định.
Cô nói rằng hai viên cảnh sát kia đang nghi thủ phạm là George. Ngay lập tức, George trở nên mất bình tĩnh và cư xử khác thường. Người đàn ông này không biết rằng một nhóm cảnh sát đã theo dõi cuộc gặp từ xa và ghi âm, ghi hình mọi động tác của mình.
Sát thủ đền tội
Mặc dù vậy, sự hoảng hốt của George vẫn không phải là chứng cứ nặng ký để cảnh sát có thể xin lệnh bắt. Đúng lúc nhóm điều tra hết hy vọng thì các chuyên gia hóa học của cảnh sát thông báo cho thấy một số chai mà họ tịch thu trong nhà George chứa Thalium Nitrate. Ngay lập tức, cảnh sát xin lệnh bắt George.
Vụ bắt George diễn ra tại nhà mới của anh ta ở thành phố Sebring.
Phiên xử George James Trepal diễn ra khá căng thẳng vì công tố viên không có bằng chứng trực tiếp để chứng minh sự liên quan của bị cáo, chẳng hạn như dấu vân tay hay DNA. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn tin rằng xích mích giữa nhà Trepal và nhà Peggy là động cơ đủ lớn để một người tự cao tự đại như George sẵn sàng đoạt mạng những người láng giềng.
Bồi thẩm đoàn cũng nhận định việc George tích trữ Thalium Nitrate trong nhà và việc Peggy chết vì Thalium Nitrate liên quan tới nhau. Thái độ bất thường của bị cáo khi Susan nói anh ta là nghi phạm cũng củng cố niềm tin của bồi thẩm đoàn.
Ngày 3/6/1991, tòa án tuyên bố George James Trepal phạm tội cố ý giết người và lĩnh án tử hình. Tòa kết luận vợ của bị cáo, vốn là một bác sĩ, không biết âm mưu đầu độc hàng xóm của chồng.