Chiều 21/9, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các nhà phát hành phim tổ chức tọa đàm Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19. Tại đây, các nhà phát hành đã đồng lòng kêu gọi giới sản xuất, làm phim hãy sớm mang phim ra rạp thay vì lùi lịch đến cuối năm hoặc sang năm 2021.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CJ CGV, dự đoán với tốc độ phát triển hiện nay, điện ảnh Việt có thể đạt 120 triệu lượt xem trong năm 2024.
Sau tọa đàm, Zing có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hoàng Hải về lý do các nhà phát hành thuyết phục giới sản xuất ra phim ngay và nếu không được chấp thuận, thì sao?
Giám đốc phát hành của CJ CGV Nguyễn Hoàng Hải. |
"Cần Tiệc trăng máu và Lật mặt 5 sớm ra rạp"
- Những số liệu mà ông đưa ra thể hiện rõ sự tích cực. Nhưng rõ ràng, thời gian qua có những phim Việt thất bại về doanh thu, như “Bằng chứng vô hình”. Nhà phát hành né tránh những con số không khả quan?
- Như Tổng giám đốc Galaxy M&E Lương Công Hiếu cũng nói ở tọa đàm, tính trung bình thì năm 2019 doanh thu của các phim Việt là huề vốn. Top 5 phim có lời, còn đa phần là lỗ. Do vậy, một vài phim lỗ trong năm nay cũng không nằm ngoài quy luật chung. Sẽ có phim được đón nhận và có phim chưa được đón nhận.
Còn điều mong chờ của chúng tôi là những phim Việt lớn sẽ sớm được các nhà sản xuất cho ra rạp. Những phim như vậy sẽ có khả năng làm thay đổi hành vi của khán giả. Hành vi này là trở lại rạp xem phim.
Tất nhiên là phim nhỏ cũng sẽ vẫn ra. Nhưng để thay đổi được hành vi thì cần những phim lớn như Tiệc trăng máu hay Lật mặt 5. Tôi cũng tin nếu những phim đó ra trong bối cảnh hiện nay vẫn đạt doanh thu lớn như mong đợi.
- Thực tế nhiều phim đã hoàn thành nhưng nhà sản xuất quyết định lùi lịch sang tận năm sau. Vậy, ngoài lời kêu gọi, có điều gì đảm bảo để giới sản xuất, nhà làm phim chấp nhận mạo hiểm ra phim luôn?
- Nếu tất cả phim Việt đều lùi sang năm 2021 thì thị trường sẽ rất sôi động và đông đúc. Khi quá đông đúc thì để giành suất sẽ khó hơn, và cũng khó để nhận được sự hỗ trợ nhiều như khi ra phim bây giờ. Khi nhiều phim cùng muốn ra rạp, thì phim nào xuống, phim mới sẽ thay thế liền.
Bây giờ thì rõ ràng là không có cạnh tranh. Như vậy, ra phim thời điểm hiện tại, rạp sẽ hỗ trợ 100%, có nhiều lợi thế hơn khi ra vào năm sau. Ở mặt khác, nếu phim của nhà sản xuất chỉ dừng ở mức trung bình cao, chưa hẳn xuất sắc mà vẫn chọn rời sang năm sau thì có thể sẽ khó có chỗ đứng. Bây giờ là cơ hội rất tốt để các phim ra rạp.
- Bom tấn của quái kiệt Christopher Nolan như "Tenet" cũng còn chông chênh về doanh thu toàn cầu khi ra mắt giai đoạn này. Vậy, một bom tấn Việt như thế nào sẽ có thể làm nên chuyện?
- Peninsula (Bán đảo) - một phim của Hàn Quốc - đạt doanh thu hơn 80 tỷ đồng ở Việt Nam. Thắng lợi của Peninsula rõ ràng cho thấy phim chất lượng tốt vẫn ăn khách ở Việt Nam và được khán giả đón nhận.
Tôi tin là phim Việt cũng như vậy, với các tên tuổi đã được bảo chứng như Lật mặt hay Tiệc trăng máu, đủ để mang lại kết quả tích cực. Lật mặt bây giờ đã tới phần 5, có Lý Hải, trong khi Tiệc trăng máu cũng có dàn sao nổi tiếng đảm bảo, tại sao lại không dám ra rạp.
Tác động của Covid-19 cũng đã khiến giới điện ảnh gắn bó với nhau hơn, chung tay hơn để đẩy mạnh sự phát triển của điện ảnh.
- Ngoài khuôn khổ một cuộc tọa đàm, các nhà rạp có động thái gì khác để thuyết phục giới sản xuất?
- Ngoài tọa đàm, họp báo, chúng tôi là bên CGV cùng các nhà rạp như Galaxy, BHD sẽ tiếp tục ngồi với nhau để hỗ trợ nhà sản xuất đưa phim ra. Chúng tôi luôn cam kết về sự hỗ trợ nếu các nhà sản xuất đồng ý ra phim trong giai đoạn hiện nay. Còn nếu năm sau thì khả năng hỗ trợ sẽ không được tốt như bây giờ.
- Có phải trong một chừng mực nào đó, tác động của dịch bệnh cũng khiến giới điện ảnh đứng gần nhau hơn?
- Tôi nghĩ là có điều đó, tác động của Covid-19 cũng đã khiến giới điện ảnh gắn bó với nhau hơn, chung tay hơn để đẩy mạnh sự phát triển của điện ảnh. Tôi hy vọng sự chung tay này sẽ có hiệu quả lâu dài.
Giới phát hành cho rằng những phim lớn, đã hoàn thành nên sớm ra rạp để được hỗ trợ. |
"Nếu nhà sản xuất cương quyết lùi lịch ra rạp, chúng tôi sẽ chiếu phim cũ"
- Ông nghĩ gì về ý kiến: Trước đây, phim Việt bị các rạp ép suất chiếu, còn bây giờ, khi bom tấn ngoại không có, các nhà rạp mới thực sự để mắt đến giá trị phim Việt?
- Nếu nói bây giờ mới nhận ra giá trị của phim Việt là không đúng. Thực tế, các rạp, nhà phát hành đều nhận ra tầm quan trọng của phim nội địa.
Nhìn thị trường điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, chúng ta thấy chính phim nội địa làm cho nền điện ảnh của họ phát triển. Phim nội địa mới đóng góp cho sự phát triển, chứ không phải phim ngoại.
Thị trường điện ảnh Việt cũng vậy, nếu không có Hai Phượng hay Cua lại vợ bầu với doanh thu hơn 200 tỷ đồng thì nền điện ảnh không thể phát triển tới 16-20% trong một năm như vậy.
Chúng tôi luôn hiểu rằng phim Việt mới là cách để duy trì cuộc sống cho mình.
- Nhưng, các nhà sản xuất cũng có quyền nghĩ rằng trước đây họ luôn phải chờ đợi các rạp, nhà phát hành. Đến khi tình hình khó khăn, các nhà phát hành và nhà rạp mới kêu gọi phim Việt như vậy?
- Không đúng, lúc bình thường, phim Việt cũng luôn được các rạp hỗ trợ hết mức. Chúng tôi luôn hiểu rằng phim Việt mới là cách để duy trì cuộc sống cho mình. Tôi luôn luôn nói rằng phim Việt quan trọng và cần được thúc đẩy hơn nữa.
- Nếu các nhà sản xuất vẫn cương quyết không ra phim dù đã được kêu gọi thì sao?
- Quyết định vẫn thuộc về các nhà sản xuất. Nhà rạp hay nhà phát hành hỗ trợ hết mức. Nhưng nếu các nhà sản xuất vẫn quyết không ra phim thì chúng tôi sẽ chọn giải pháp khác là chiếu lại phim nội địa cũ, những phim ăn khách thời xưa để duy trì thói quen đến rạp của khán giả.
- Một số nhà phát hành như CGV cũng có phim. Tại sao ông không ra phim của mình trước như cơ sở đảm bảo cho các nhà sản xuất khác?
- Thực ra nếu rạp có phim nào lớn thì cũng sẽ ra. Như CJ CGV là nhà phát hành của phim Ròm, chúng tôi cũng quyết ra vào cuối tháng 9. Chúng tôi cũng kỳ vọng phim này sẽ góp phần làm thay đổi hành vi của khán giả.
Ngoài ra, thời gian tới chúng tôi cũng có phim Sài Gòn trong cơn mưa. Phim này không phải bom tấn nhưng hay và dễ thương. Và vẫn còn một số phim khác để đảm bảo duy trì thị trường và chứng minh hiệu quả trong tháng 10, 11.
- Cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh có hỗ trợ gì trong bối cảnh khó khăn hiện nay?
- Cục Điện ảnh ủng hộ những gì chúng tôi làm. Cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự đầu tư, chỉ đạo cụ thể nhưng tâm lý chung là sẽ cùng tham gia, hỗ trợ.