Rạng sáng 5/5, 2 cô gái quốc tịch Nga bắt taxi đến phố Cấm Chỉ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Quá trình di chuyển, 2 du khách nhờ sạc điện thoại từ nguồn điện trên ôtô. Khi đến nơi, 2 cô gái vừa xuống xe thì lái xe taxi tăng ga bỏ đi, mang theo 2 điện thoại của du khách. Chiều cùng ngày, công an xác định lái xe là Trần Quốc Hưng (34 tuổi, quê Nam Định) và đã tạm giữ người này, đồng thời trả lại điện thoại cho nạn nhân.
Với hành vi này, tài xế taxi có thể bị xử lý như thế nào?
Tang vật vụ án. Ảnh: Công an cung cấp. |
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết cần củng cố lời khai, xác định ý chí chủ quan và ý thức của lái xe trong trường hợp này. Nếu anh ta không nhớ trên xe có điện thoại, không có chủ đích chiếm đoạt tài sản, sau khi phát hiện điện thoại bỏ quên mà báo cho hãng xe hoặc chính quyền địa phương để tìm chủ nhân thì không vi phạm pháp luật.
Ngược lại, nếu người này có mục đích chiếm đoạt tài sản, cố tình rời đi hoặc biết khách bỏ quên điện thoại sau khi rời đi nhưng không trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu tài xế không có chủ đích chiếm đoạt tài sản từ đầu song khi rời đi, anh ta phát hiện trên xe có điện thoại và không trả cho khách, người này có thể bị xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015.
Với giá trị tài sản trong khoảng từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng, khung hình phạt áp dụng là phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu kết quả xác minh cho thấy người lái xe biết rõ 2 du khách đang sạc pin trên xe, chưa trả tiền taxi nhưng sau khi họ xuống xe đã lập tức rời đi nhằm mục đích chiếm đoạt 2 chiếc điện thoại, anh ta có thể bị khởi tố về tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015.
Với giá trị tài sản từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, mức án áp dụng sẽ là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.