Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lấy ráy tai sao cho đúng?

Bình thường thì tai có khả năng tự làm sạch nhờ chuyển động từ trong ra ngoài của hệ thống lông trong ống tai, vậy điều gì làm rất nhiều người bị mê hoặc bởi sở thích lấy ráy tai?

Có truyền thống từ lâu đời ở nhiều nước châu Á, lấy ráy tai là một tiến trình khá tỉ mỉ và mang lại cảm giác kích thích cực kỳ dễ chịu đối với rất nhiều người.

Trên các trang mạng xã hội, du khách phương Tây nào từng có trải nghiệm được lấy ráy tai khi đến VN, Nhật hoặc Thái Lan đều mô tả cảm giác của họ là “kỳ thú”, “cực kỳ thư giãn”, “cảm giác được xoa dịu khó tả”, thậm chí còn được ví von như là quá trình “làm tình cho tai”!

Trên thực tế, rất nhiều người có thói quen ngoáy tai hằng ngày (nhất là sau khi tắm) hoặc đôi ba ngày một lần, thế nhưng khi có dịp khám tai - mũi - họng thì đều được các bác sĩ khuyến cáo là không nên ngoáy tai quá thường xuyên. Vậy chính xác vấn đề là thế nào, nên hay không nên?

Nên sắm dụng cụ riêng khi đi lấy ráy tai ở tiệm.

Nên sắm dụng cụ riêng khi đi lấy ráy tai ở tiệm.

Ráy tai được chính thức biết đến như một chất sáp do ống tai ngoài tiết ra để đảm trách nhiệm vụ bắt giữ bụi bặm, vi khuẩn, thậm chí là các côn trùng nhỏ... khi chúng xâm nhập vào trong ống tai. Sau đó, qua cử động khi nhai của xương hàm dưới thì các lông trong ống tai sẽ chuyển động nhẹ nhàng theo hướng từ trong ra ngoài và đẩy khối sáp này ra ngoài gần lỗ tai.

Tại đây, dưới tác động của không khí, ráy tai bị khô đi, bong ra khỏi tai và rơi ra ngoài mà không cần chúng ta tác động đến. Như vậy, bình thường chúng ta không nên ngoáy tai hằng ngày vì sẽ làm mất đi một yếu tố bảo vệ tự nhiên cho tai khỏi bụi bặm và nhiễm trùng.

Có chuyên gia khuyên bình thường chỉ nên ngoáy tai nhẹ nhàng tối đa 2-3 lần mỗi tháng. Thế nhưng, quá trình trên đôi khi không diễn tiến êm thấm như vậy. Một số người tiết ra sáp tai quá nhiều, hoặc sáp tiết ra quá khô hay quá dính thì có thể bị kết dính thành một khối ngày càng to, gây bít kín hoặc gần kín ống tai như cái nút chặn nên thường được gọi là “nút ráy tai”. 

Theo nghiên cứu của Viện Tai mũi họng Hoa Kỳ, khoảng 10% trẻ em, 5% người lớn và trên 57% người già bị ảnh hưởng bởi điều này.

Nút ráy tai có thể gây ra các triệu chứng như ù tai, nghe kém, ngứa tai, chóng mặt, đau, hoặc ho (vì khi ráy tai quá to có thể chèn ép và kích thích dây thần kinh phế vị, vốn có nhánh nối tai với cơ hoành, kích thích này gây ra phản xạ ho).

Với những trường hợp như trên thì chắc chắn nút ráy tai phải được lấy sạch, nhưng nên lấy nút ráy tai thế nào? Về mặt chính thống, nếu muốn tự làm ở nhà thì các chuyên gia tai mũi họng đều khuyến cáo không nên dùng que gòn (vì sẽ nén chặt nút ráy tai hơn và đẩy nó vào sâu hơn) cũng như không tự “đào bới” bằng cây móc tai, chìa khóa hay nắp bút, que tăm... (nguy cơ gây tổn thương da ống tai hoặc làm thủng màng nhĩ rất cao).

Thay vào đó nên nhỏ vào tai vài giọt dầu thực vật, oxy già hoặc dầu tắm trẻ em... để ráy tai trở nên lỏng lẻo hơn và tự rơi ra ngoài.

Hoặc có thể dùng vòi tắm hay bơm tiêm xịt nước ấm vào trong tai để ráy tai mềm nhão ra (lưu ý là với áp lực rất nhẹ để không làm vỡ màng nhĩ), sau đó khi nghiêng tai xuống thì dòng nước chảy ra sẽ lôi ráy tai đi theo.

Nếu đã làm hết các cách nói trên mà vẫn không làm sạch được ráy tai thì nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng, họ sẽ dùng các dụng cụ lấy dị vật phối hợp với máy hút y tế lấy sạch nút ráy tai một cách nhẹ nhàng và an toàn.

Sắm dụng cụ riêng khi đi tiệm

Đối với việc lấy ráy tai ở các tiệm cắt tóc, gội đầu như đầu bài viết đã nói, có lẽ người ta đến vì cả hai mục đích: làm sạch tai lẫn tìm cảm giác thư giãn.

Đây là một nhu cầu thực tế, người viết cũng không hề có ý định bài bác hay khuyến khích, chỉ lưu ý vài điều vì an toàn của chính bạn:

- Dụng cụ phải đảm bảo vệ sinh để tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm và bệnh da liễu.

Tại các phòng khám tai mũi họng rất thường gặp bệnh nhân bị lây nấm ống tai ngoài sau khi lấy ráy tai ở tiệm.

Tốt nhất nên sắm bộ dụng cụ của riêng mình nếu bạn có sở thích được ngoáy tai ngoài tiệm.

- Dặn dò người ngoáy tai phải thao tác hết sức nhẹ nhàng. Nếu gặp nút ráy tai khó lấy thì không cố sức bới móc sẽ dễ gây tổn thương cho tai, mà nên đến phòng khám tai mũi họng để được giải quyết.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20141208/lay-ray-tai-sao-cho-dung/681906.html

Theo BS Phan Quốc Bảo (Cơ sở 2 BV ĐH Y dược TP.HCM)/ Sức khỏe đời sống

Bạn có thể quan tâm