Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Anh thực hiện và công bố trên tạp chí The Lancet ngày 3/11. Các trường hợp ung thư cổ tử cung đã giảm mạnh ở phụ nữ Anh sau khi được tiêm vaccine HPV.
Khi so sánh tỷ lệ ung thư, tiền ung thư cổ tử cung trước và sau tiêm chủng tại Anh từ năm 2008, nhóm chuyên gia phát hiện sự sụt giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh này, nhất là trẻ em. Dự án thực hiện trên 13,7 triệu nữ giới.
“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên về tác dụng của việc tiêm chủng HPV bằng vaccine Cervarix với tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung”, bài báo viết.
Nhóm có mức giảm nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao nhất là 12-13 tuổi với thống kê 87%. Nghiên cứu cũng cho thấy người được tiêm chủng vaccine HPV trong độ tuổi 16-18 giúp giảm 34% nguy cơ mắc loại ung thư này. Ngoài ra, lợi ích mà vaccine HPV mang lại cho nhóm tuổi 14-16 là giảm nguy cơ 62%.
Trước đó ít ngày, một nghiên cứu lớn của Thụy Điển cũng cho thấy vaccine HPV làm giảm đáng kể nguy cơ bị ung thư cổ tử cung ở nữ giới, nhất là nhóm người trẻ.
Theo CNBC, công trình của Thụy Điển chỉ ra nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung giảm 88% ở những phụ nữ đã tiêm phòng trước 17 tuổi và 53% ở nhóm tiêm chủng trong độ tuổi 17-30. Nghiên cứu thực hiện trên 1,7 triệu trẻ em gái, phụ nữ và được công bố trên tạp chí y học New England.
Ung thư cổ tử cung do virus HPV là bệnh lây truyền qua đường tình phục phổ biến. Gần 99% bệnh nhân ung thư cổ tử cung bị nhiễm virus HPV. Trong đó virus HPV týp 16 và 18 chiếm đến 70% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.
Virus HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả âm đạo, hậu môn và thậm chí quan hệ tình dục bằng miệng và tay.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung tăng lên 443.000 người trên toàn cầu và trở thành loại ung thư nguy hiểm, cao thứ 2 sau ung thư vú.
Là bệnh lý nguy hiểm, song, nguy cơ mắc ung thư do lây nhiễm virus HPV có thể phòng ngừa bằng vaccine. Đây cũng là phương án hiệu quả nhất để phòng ngừa căn bệnh này. Năm 2020, WHO đưa ra chiến lược toàn cầu nhằm loại bỏ ung thư cổ tử cung.
Vaccine HPV đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ở độ tuổi trẻ sơ sinh bởi giúp ngăn chúng ta tiếp xúc virus. Đây cũng là độ tuổi tạo phản ứng mạnh nhất với vaccine. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị tất cả bé gái và bé trai 11-12 tuổi nên tiêm đủ hai liều vaccine HPV.
Loại vaccine này có thể được tiêm sớm nhất vào năm 9 tuổi và cần tiêm trước 26 tuổi. Một số người dưới 45 tuổi cũng có thể được tiêm khi tham khảo ý kiến từ bác sĩ.