Nhiều bạn trẻ e ngại giá cả đắt đỏ tại các workshop. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Đều đặn mỗi tháng một lần, Hoàng Tuấn (25 tuổi, quận 1, TP.HCM) lại đến workshop vẽ tranh quen thuộc. Dành 400.000 đồng và 3 tiếng đồng hồ, anh được hướng dẫn vẽ theo mẫu, sử dụng một đồ uống và tận hưởng không gian yên tĩnh.
Theo nhân viên văn phòng này, mức giá trên là hợp lý. Anh yêu thích vẽ và từng phải trải nghiệm nhiều workshop khác nhau cho đến khi tìm được một nơi thích hợp như hiện tại.
“Tôi từng chi trả 650.000 đồng để tham gia một workshop vẽ ngoài trời, được cung cấp một khung tranh và một đồ uống. Số tiền quá đắt, trong khi chương trình không mấy thú vị. Lần khác, tôi trả 250.000 đồng cho một buổi vẽ nhưng phòng ốc ngột ngạt, học viên lại quá đông, ồn ào”, Hoàng Tuấn kể lại những lần học vẽ của mình.
Những năm gần đây, các workshop thủ công xuất hiện dày đặc tại các thành phố lớn nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của người trẻ. Khi tham gia buổi học, học viên được hướng dẫn cơ bản về những kỹ thuật theo từng chủ đề như làm gốm, cắm hoa, vẽ tranh….
Song, điểm đến tưởng chừng lý tưởng vào cuối tuần này lại đang khiến nhiều người trẻ phân vân, bối rối vì có nhiều mức giá. Nhiều nơi có phí tham gia cao trong khi chất lượng chưa thật sự tương xứng. Trong khi đó, một số địa điểm lại tranh thủ tiếp thị, chèo kéo học viên mua sản phẩm gây trải nghiệm không như mong đợi.
Đắt đỏ với người trẻ
Chia sẻ với phóng viên, Hoàng Tuấn cho biết bắt đầu tham gia các workshop thủ công từ khoảng năm 2019, thời điểm mô hình giải trí này chưa mấy phổ biến và đa dạng như hiện tại. Khi đó, một lớp vẽ tranh theo mẫu kèm một đồ uống đã có giá 400.000 đồng/buổi.
Hoàng Tuấn là người yêu thích các workshop vẽ tranh. |
Đến nay, sau 4 năm, mức giá trung bình vẫn duy trì ở con số tương tự. Tuy vậy, chất lượng của các workshop mang tính “hên xui”, buộc học viên phải trải nghiệm nhiều nhằm có sự so sánh, lựa chọn.
“Tôi đăng ký không ít buổi vẽ tranh canvas, túi tote… Nhìn chung, tôi thấy hầu hết workshop có giá đắt so với chất lượng. Một vài workshop khác như làm nến thơm, nước hoa cũng tốn kém không ít, trung bình 500.000 - 800.000 đồng/lần. Sau mỗi buổi, nhận thành phẩm đem về, tôi chắc chắn đó là lần cuối đến đây”, Hoàng Tuấn bày tỏ.
Tương tự, Diệu Vy (26 tuổi, quận 5, TP.HCM) cũng thường dành cuối tuần để tìm đến các hoạt động thư giãn nhẹ nhàng, ít tiếng ồn.
Trước đây, nhân viên văn phòng này thích các triển lãm nghệ thuật, tranh ảnh vì không gian đẹp, lại ít tốn kém. Tuy nhiên, những buổi trưng bày này không tổ chức thường xuyên. Từ đó, cô tìm hiểu các loại hình workshop đa dạng ở TP.HCM.
“Tôi từng đi workshop làm nến, cắm hoa, làm bánh, bắn len, vẽ tranh, làm gốm, làm vòng tay…, mỗi thứ thử một lần”, Diệu Vy nói.
Tùy vào từng chủ đề hoặc quy mô, mỗi buổi workshop sẽ có mức giá khác nhau. Trung bình, cô chấp nhận chi trả 300.000-600.000 đồng cho một buổi học làm đồ thủ công kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ và có thành phẩm đem về nhà.
Với Diệu Vy, workshop không phải là hoạt động quá lý tưởng vào cuối tuần vì khá đắt đỏ so với thu nhập của mình. Những buổi cà phê, ăn uống thông thường cùng bạn bè thường tiết kiệm hơn.
Đôi khi, cô thất vọng, cảm thấy phí tiền vì chất lượng workshop không tương xứng với số tiền mình bỏ ra.
“Khi workshop tufting (bắn len thủ công) xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội, tôi và bạn cũng đăng ký tham gia với chi phí 550.000 đồng/người. Nơi tổ chức có diện tích rất nhỏ, nằm trên một căn nhà cũ kỹ, có nhiều cửa hàng khác. Họ nhận số lượng người tham gia quá đông trong một khung giờ nên không gian ồn ào, chen chúc, ai cũng cầm điện thoại để quay, chụp, check-in…”, cô mô tả lại.
Diệu Vy thích những workshop làm gốm, làm bánh, song chi phí cao khiến cô phải cân nhắc nếu có quay lại lần sau. |
Trong khi đó, Nguyễn Mai Anh (27 tuổi, quận 4, TP.HCM) lại có kỷ niệm không mấy vui khi tham gia một workshop đan móc và bị nhân viên thuyết phục “nâng cấp” sản phẩm.
Theo đó, được bạn trai gợi ý, cô đăng ký một buổi đan len được tổ chức tại quận 10. Trên fanpage và tin nhắn tư vấn, nhân viên workshop thông báo mức phí tham gia 250.000 đồng chưa bao gồm đồ uống, tuy nhiên không nói rõ về món đồ sẽ được thực hành.
Đến nơi, Mai Anh mới biết mình được hướng dẫn làm một bông hoa nhỏ bằng len, sau đó đính lên kẹp tóc hoặc ghim cài áo.
“Bạn nhân viên nói nếu muốn thực hiện sản phẩm lớn, cầu kỳ hơn như túi đeo, ví bút hoặc băng đô, chúng tôi cần đóng thêm 150.000-300.000 đồng. Tôi không đăng ký thêm, nhưng nhiều bạn trong lớp thì có. Cả lớp mỗi người đan một món đồ, í ới gọi hướng dẫn, người xong trước như tôi sẽ ra về sớm”, cô kể lại.
Mai Anh chi tổng cộng 300.000 đồng cho buổi workshop, bao gồm gọi thêm một đồ uống và mang về tặng bạn trai chiếc ghim cài áo hình hoa hồng.
Đơn vị tổ chức workshop loay hoay định giá
Triển khai mô hình workshop bắn len mới mẻ, Đăng Khoa (TP.HCM) cho biết hoạt động kinh doanh của anh vẫn lỗ, chưa thể hòa vốn đầu tư. Với mức giá tham gia 350.000 - 650.000 đồng/người, anh chỉ đủ trả tiền mặt bằng, nhân sự và nguyên vật liệu, khó thu lời.
Theo chủ sở hữu workshop thủ công này, khoản chi phí mặt bằng tương đối cao, song chỉ có thể hoạt động hết công suất vào dịp cuối tuần. Trong tuần, khách hàng của anh (18-35 tuổi) đều đi học, đi làm, không thể dành 2-3 tiếng đồng hồ cho hoạt động vui chơi giải trí.
Hơn nữa, sức chứa tối đa của studio là 10-12 người, không thể phục vụ nhiều khách hàng hơn. Số lượng khách này cũng vừa đủ để đội ngũ nhân viên, nghệ nhân hướng dẫn tận tình, giúp đỡ chu đáo. Với số lượng người tham gia giới hạn, khoản thu chỉ đủ duy trì hoạt động vận hành workshop.
Theo chia sẻ của Khoa, tình trạng loạn giá workshop diễn ra tương đối phổ biến. Cụ thể, một số cá nhân có tay nghề, chuyên môn trong một lĩnh vực (vẽ tranh, làm gốm, làm con dấu) có thể tự đứng ra tổ chức workshop tại nhà, đơn vị kinh doanh tư nhân, do đó đưa ra mức giá tham gia khá thấp.
Điều này gây khó khăn cho các đơn vị phải chịu chi phí mặt bằng, lương nhân sự, tạo ra cuộc cạnh tranh. Ngoài ra, chất lượng nguyên liệu cũng tạo ra sự chênh lệch về giá tham dự workshop.
“Không muốn khách hàng chỉ tham gia hoạt động bắn len thủ công để giết thời gian, tôi cố gắng lựa chọn loại len tốt nhất, giúp sản phẩm sau khi hoàn thiện có thể sử dụng được trong thời gian dài. Tuy nhiên, chi phí vật liệu cao cũng khiến giá thành đội lên tương đối nhiều, dễ bị khách hàng chê đắt”, Khoa nói.
Nhiều mô hình workshop được mở ra với đa dạng dịch vụ: làm nến, vẽ tranh, đan móc, bắn len... Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Khác với Đăng Khoa, Hiển (Hà Nội), chủ sở hữu một workshop vẽ tranh, cho biết mô hình kinh doanh này đang tạo ra lợi nhuận. Workshop của anh kết hợp với một quán cà phê nên có thể chia sẻ chi phí mặt bằng, giảm thiểu áp lực tạo ra doanh thu vào những ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu).
Với quy mô 30 người tham dự trong một lần, workshop này thu phí 299.000 đồng/người, giảm mức giá xuống 269.000 đồng/người nếu đăng ký theo nhóm từ 2 người trở lên. Bên cạnh tranh vẽ mang về, khách hàng còn được sử dụng một đồ uống và một bánh trong thời gian ngồi tô vẽ.
Xác định khách hàng mục tiêu là người trẻ 18-25 tuổi, Hiển nhận thấy phí tham gia còn khá cao, chưa thể phủ sóng toàn bộ tệp người tham dự tiềm năng. Vì thế, trong tương lai gần, anh dự định tối ưu hóa mô hình workshop nhằm giảm giá thành, thu hút nhiều cá nhân, hội nhóm đăng ký hơn.
Theo chia sẻ của Hiển, không giống các lĩnh vực truyền thống như ăn, uống, xem phim, workshop là một mô hình kinh doanh mới, nở rộ trong khoảng 2-3 năm nay. Vì thế, việc loạn giá khó tránh khỏi.
"Tôi cho rằng thị trường này cần thêm thời gian để ổn định giá. Đây là vấn đề chung của các lĩnh vực kinh doanh mới", Hiển chia sẻ.
Tại Hàn Quốc, các workshop thủ công là hoạt động thu hút đông đảo người trẻ tham gia. Nhiều khách du lịch đến Hàn Quốc và người trẻ xứ nước này xem việc được tạo ra những món đồ thủ công mỹ nghệ như người dân bản xứ là một trải nghiệm đáng tiền, theo Korea Travel.
Một số các workshop đắt khách nhất tại đây là làm đũa thủ công ở khu vực phía sau cung điện Gyeongbokgung, nạm xà cừ, làm phụ kiện cho hanbok hoặc vẽ tranh Sumukhwa.
Trong khi đó, tại Thái Lan, các workshop gắn liền với văn hóa, con người của xứ chùa Vàng cũng đắt khách không kém. Các buổi workshop làm đồ da, thêu, dệt lụa luôn thu hút đông đảo sự quan tâm. Mỗi buổi workshop ở Thái Lan cũng có giá trung bình 15-75 USD (350.000 đồng - 1,7 triệu đồng).
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.