Học sinh lớp 12 băn khoăn trước nhiều lựa chọn khi các trường mở thêm ngành. Ảnh: Việt Linh. |
Trước thềm tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học trên cả nước thông báo mở và tuyển sinh loạt ngành mới ở nhiều phương thức khác nhau.
Đối với Anh Thư, học sinh lớp 12 ở Hà Nội, các trường mở thêm ngành mới là chuyện vui vì thí sinh có thêm lựa chọn ngành học. Nhưng điều này cũng tạo ra bài toán khó vì em cần "cân đo đong đếm" thật kỹ trước khi đặt bút chọn ngành phù hợp cho 4 năm đại học.
Ngành mới, tổ hợp mới
Trong đợt tuyển sinh năm 2024, các trường đại học lớn thông báo tuyển sinh ngành mới.
Ví dụ, vào ngày 8/6, Đại học Y Hà Nội thông báo mở thêm 3 ngành mới là Tâm lý học, Hộ sinh và Kỹ thuật phục hình răng.
Đại học Y Hà Nội tuyển sinh ngành mới theo tổ hợp mới. |
Một điểm mới của mùa tuyển sinh 2024 chính là trường tuyển sinh theo tổ hợp mới là B08 (Toán, Sinh, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và C00 (Văn, Sử, Địa).
Tổ hợp D01 và B08 áp dụng với ngành Y tế công cộng, D01 áp dụng ngành Tâm lý học; C00 ngành Tâm lý học.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo mở thêm ngành mới là Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng theo tổ hợp C00, D01, D04, D78.
Nhà trường nêu rằng điểm mới và khác biệt của chương trình cử nhân Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng là hướng đến mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng nghiên cứu, nắm bắt, định hình nền điện ảnh và nghệ thuật đại chúng dân tộc.
Chương trình cũng nhằm thúc đẩy những trào lưu điện ảnh/nghệ thuật đại chúng lớn trên thế giới vào Việt Nam và giới thiệu điện ảnh/nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời có thể tham gia trực tiếp vào đời sống và sự vận động của nền văn hoá đại chúng đương đại, nắm bắt được các hình thái công chúng và quy luật vận động của thị hiếu nghệ thuật, hoà nhập vào bối cảnh toàn cầu hoá văn hoá.
Trong khi đó, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có đến 5 ngành liên quan đến kỹ thuật.
Cụ thể, 6 ngành mới của trường bao gồm Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin), Quan hệ lao động (thuộc lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý).
Ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tuyển khoảng 100 chỉ tiêu mỗi ngành. Các ngành còn lại, mỗi ngành tuyển 50 chỉ tiêu.
Đại học Ngoại thương cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính (chương trình đào tạo Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh). Chỉ tiêu trong năm nay là 30, các năm sau có thể tăng.
Về phía Đại học Ngân hàng TP.HCM, trường dự kiến mở 6 ngành mới là Marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro (thuộc ngành Kế toán).
Hay tại Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường dự kiến mở thêm 4 ngành mới là Thiết kế vi mạch, Khoa học dữ liệu, Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng. Trong đó, chương trình đào tạo ngành Thiết kế vi mạch gồm 132 tín chỉ, dự kiến tuyển 100 sinh viên trong năm đầu tiên.
Ngoài 4 ngành mới, trường sẽ đào tạo thêm 3 chuyên ngành khác cho hệ đại học chính quy là Hóa dược, Hóa - Mỹ phẩm và Quản lý dự án xây dựng. Các chuyên ngành này trước đây đã được Đại học Bách khoa TP.HCM đào tạo bậc thạc sĩ.
Thí sinh nhiều thắc mắc
Khi nghe tin Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội mở ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng, Anh Thư khá hào hứng vì em cũng đang muốn thử sức với ngành học này.
Đối với nữ sinh, nhà trường mở thêm ngành này là tín hiệu tốt vì điều đó cho thấy các trường đã quan tâm nhiều hơn đến các ngành liên quan nghệ thuật, điện ảnh. Khi trường mở ngành, học sinh cũng có thêm cơ hội để tiếp cận kiến thức và mở rộng cơ hội việc làm.
Thí sinh e ngại, chưa dám "chốt" chọn ngành vì chưa yên tâm. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Tuy nhiên, Anh Thư vẫn còn e ngại, chưa dám "chốt" chọn ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng. Lý do là đây là năm đầu tiên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tuyển sinh. Như vậy, nếu trúng tuyển, Thư sẽ là một trong những sinh viên đầu tiên học ngành này.
Nữ sinh đặt câu hỏi với những ngành mới được mở, nhất là ngành đặc thù liên quan nghệ thuật, đội ngũ giảng viên là những người có trình độ, bằng cấp ra sao. Về phần giáo trình, nữ sinh cũng tò mò sinh viên sẽ sử dụng giáo trình do giảng viên trường biên soạn hay nguồn giáo trình của trường khác.
"Điều em lo nhất là sinh viên khóa đầu thường sẽ làm 'chuột bạch' thử nghiệm, cái gì cũng mới và có thể thiếu sự đảm bảo. Bọn em còn không có anh chị khóa trên để học hỏi kinh nghiệm nên cảm giác theo một ngành mới rất bất an, giống như đi một con đường mới không có dấu chân của người đi trước", Thư nói với Tri Thức - Znews.
Không mạo hiểm chọn ngành mới như Anh Thư, nhưng Minh Ngọc, học sinh lớp 12 ở Hà Nội, cũng có nhiều thắc mắc khi đọc tin các trường đại học thông báo mở thêm ngành đào tạo.
Đối với những người thích sự an toàn như Ngọc, kết quả đầu ra của sinh viên sẽ là yếu tố để em lựa chọn ngành học. Do đó, nữ sinh thắc mắc khi mở những ngành mới, các trường tính đến yếu tố đầu ra thế nào và trường sẽ lấy điều gì làm yếu tố thu hút thí sinh đăng ký.
Ngoài ra, nữ sinh cũng đặt câu hỏi về việc giả sử không tuyển đủ chỉ tiêu, hoặc số lượng thí sinh quá ít để mở ngành, nhà trường sẽ làm gì để đảm bảo các thí sinh trúng tuyển vẫn đảm bảo quyền lợi học tập.
"Nhiều khi em thắc mắc các trường mở ngành ồ ạt như vậy, lỡ một ngành chỉ có khoảng 3-5 bạn đăng ký và trúng tuyển thì sao? Khi đó trường vẫn mở ngành cho các bạn học hay lại buộc các bạn phải chuyển ngành khác?", Minh Ngọc nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.