Bông chào đời khi được 27 tuần, trước dự sinh hơn 3 tháng, nặng 1,3 kg. Em nằm tại một bệnh viện phụ sản từ lúc mới sinh nhưng sức khỏe rất yếu, diễn biến ngày càng nặng, đầu to dần và ứ nước. Trong suốt 2 tháng, các y bác sĩ tại bệnh viện địa phương đã thử nhiều giải pháp để cai máy thở cho bé nhưng thất bại. Em bị viêm phổi nặng, nhiều ổ nhiễm trùng, tiên lượng rất xấu.
Không nơi nào dám nhận phẫu thuật, người mẹ bất lực cầu cứu TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM.
Bé Bông là thành quả ngọt ngào từ tình yêu của vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền (29 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Thành, quận 2, TP.HCM) sau 5 năm kết hôn. Bốn tháng đầu thai kỳ, chị Huyền đều đặn khám thai và cảm nhận rõ ràng mầm sống khỏe mạnh trong bụng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát mạnh, thành phố phong tỏa khiến chị khó thể khám thai thường xuyên.
Buổi sáng đầu tháng 9, chị Huyền chết lặng lúc thấy huyết hồng và dịch nhầy khi thai kỳ mới tuần 27. Hai vợ chồng đèo nhau vượt qua hàng chục chốt kiểm soát, đến bệnh viện tuyến quận, sau đó được chuyển thẳng đến một bệnh viện phụ sản lớn của TP.HCM.
“Bác sĩ tiêm cho tôi 2 mũi thuốc giúp em bé trưởng thành phổi, vậy là sau 10 giờ, tôi chuyển dạ. Con chào đời trước ngày dự sinh hơn 3 tháng, nặng 1,3 kg, bị suy hô hấp, phải nằm trong lồng ấp. Tôi xuất viện về nhà, mỏi mòn trông đợi ngày được vào thăm con”, chị Huyền kể.
Thế nhưng, ước nguyện ôm ấp con đầu lòng của mẹ trẻ vụt tắt sau khi nhận cuộc gọi từ bệnh viện: Em bé bị giãn não thất, viêm phổi nặng, đang thở máy.
Câu chuyện sẽ bớt trắc trở hơn nếu bé được phẫu thuật não và giải quyết tình trạng viêm phổi. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn, các bác sĩ bệnh viện nhi không đồng ý mổ vì bé không thể cai được máy thở, viêm phổi nặng, nhẹ cân và nguy hiểm nhất là nguy cơ từ ổ nhiễm trùng.
“Các bác sĩ yêu cầu đợi em bé đủ cân nặng 2 kg và cai máy thở thì bệnh viện mới nhận mổ. Nhưng khi nào bé tăng cân, cai được máy thở thì bác sĩ không dám tiên lượng. Từ khi sinh đến nay, con gái phải nằm một mình trong lồng ấp, chiến đấu từng nhịp thở, nay bị thêm não úng thủy. Tôi như chết lặng, thương con nhưng không biết phải làm thế nào”, chị Huyền nhớ lại giai đoạn khó khăn.
Hai tháng trôi qua, chị Huyền sống trong những ngày khóc nhiều hơn nói, không khí gia đình lặng ngắt. Tiếng chuông điện thoại cũng trở thành nỗi ám ảnh với 2 vợ chồng. Mỗi lần điện thoại từ bệnh viện gọi đến là thông báo tình trạng em bé bị các biến chứng nặng hơn, nặng hơn nhiều, rất nặng. Bé tăng được 2,1 kg nhưng vẫn không cai được máy thở, đầu bé cũng càng lúc càng phình to do não úng thủy.
Nghe đến não úng thủy, người mẹ 29 tuổi chưa thể hình dung được căn bệnh con gái đang mang cũng như những gì chờ đợi phía trước, chỉ biết rằng con là tài sản vô giá mà chị phải cứu con bằng mọi cách.
“Tôi cố bám víu và tìm bệnh viện để chuyển con đi bởi nếu tiếp tục như vậy, con sẽ không qua khỏi. Chợt nhớ đến tin BVĐK Tâm Anh TP.HCM từng điều trị thành công bé bị não úng thủy tương tự Bông, tôi đánh liều gọi đến bệnh viện. May mắn, bác sĩ Phượng đã liên lạc lại và đồng ý tiếp nhận bé. Tôi như người chết đuối vớ được cọc”, chị Nguyễn Thị Huyền kể.
Sau khi trao đổi tình hình với mẹ bệnh nhi, TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, lập tức liên lạc với các chuyên gia ngoại khoa để bàn kế hoạch điều trị. Tuy nhiên, ngay khi nghe tổng trạng em bé, nhiều bác sĩ băn khoăn vì tỷ lệ tử vong hơn 90%, con số mà bất kỳ ai cũng bàng hoàng nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất.
Với hàng chục năm tâm huyết, cống hiến, tiến sĩ Phượng tiếp nhận và điều trị vô số ca bệnh khó. Tuy vậy, với trường hợp bé Bông, gánh nặng không chỉ ở bác sĩ sơ sinh mà cả đội ngũ chuyên gia nội - ngoại khoa giỏi đều cần chấp nhận thách thức để mang 10% cơ hội sống cho bé.
“Họ sợ ca mổ thất bại vì nguy cơ quá cao. Tôi cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp rằng vấn đề nhiễm khuẩn chắc chắn được giải quyết. Lúc này, họ mới đồng ý”, tiến sĩ Phượng nói.
Tiến sĩ Cam Ngọc Phượng lý giải em bé lúc sinh ra chưa có tình trạng não úng thủy. Đây là biến chứng sinh non, nhưng điều trị không hiệu quả trong thời gian dài nên tình trạng trở nặng. Ngoài ra, bé Bông còn gặp biến chứng nặng về phổi.
“Một ngày sau, Bông được chuyển qua Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Bé thở máy, chiếc đầu khoảng hơn 1 kg, to hơn cả cơ thể em, nhìn rất xót. Với tình trạng này, chắc chắn ca phẫu thuật rất khó khăn”, tiến sĩ Phượng kể lại ấn tượng ngày đầu gặp ca bệnh đặc biệt này.
Sau khi làm thủ tục nhập viện, bé Bông nằm tại phòng hồi sức riêng biệt để cách ly nguy cơ nhiễm trùng với bệnh nhi sơ sinh khác. Em có hai điều dưỡng riêng cùng đội ngũ bác sĩ đầu ngành, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm như TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, BS.CKI Lê Thị Ngọc Dung, BS.CKI Tô Vũ Thiên Hương… túc trực chăm sóc. Tiến sĩ Phượng cũng nghiên cứu nhiều phương án để bắt tay ngay vào phác đồ điều trị.
Thách thức đặt ra đối với tình huống này là nếu phẫu thuật dẫn lưu não cho trẻ, nguy cơ viêm màng não do nhiễm trùng rất cao. Trong khi đó, bé đang phụ thuộc vào môi trường thở máy, nhiễm trùng, nhiễm nấm, sức khỏe không thể chịu đựng được ca phẫu thuật. Nếu mạo hiểm, tỷ lệ thất bại gần như chắc chắn. Nhưng nếu không phẫu thuật, đầu bé càng lúc càng to hơn, chèn ép trung tâm hô hấp, bé không thể tự thở nên không cách nào cai máy thở. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại suốt 2 tháng, khiến các quyết định gần như rơi vào tiến thoái lưỡng nan.
Bông đã dùng qua hầu hết loại kháng sinh trẻ em, do đó, kháng sinh thông thường không còn hiệu quả. Để giải quyết các ổ nhiễm trùng, tiến sĩ Phượng quyết định cho bé dùng kháng sinh người lớn.
Bệnh nhi cũng được cấy máu, cấy đờm để tìm tác nhân vi trùng và điều trị theo đúng kháng sinh đồ. Sau đó một tuần, phổi em bé tạm ổn, nhiễm trùng được kiểm soát đúng như lời hứa ban đầu.
Ngay lập tức, một ca hội chẩn liên chuyên khoa được triệu tập với các chuyên gia Trung tâm Sơ sinh và Ngoại thần kinh. Lúc này, bé Bông vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, phần đầu to quá khổ chèn ép trung tâm hô hấp.
Suốt buổi hội chẩn, chị Huyền ngồi lặng lẽ bên hành lang Trung tâm Sơ sinh chờ TS.BS Cam Ngọc Phượng. Đôi mắt chị mọng nước vì khóc nhiều sau những lời khuyên từ bỏ điều trị.
“Gia đình khuyên là nếu phẫu thuật xong mà bé vẫn nằm như vậy thì tội lắm, hay là em để bé đi, rồi kiếp sau con lại đầu thai làm con mình?”, chị Huyền òa khóc. Tiến sĩ Phượng nhìn vào đôi mắt ngấn nước của sản phụ: “Em suy nghĩ kỹ chưa? Quyết định ở gia đình nhưng chị khuyên em nên đi tiếp…”.
Kể lại khoảnh khắc định mệnh đó, chị Huyền nói: “Lẽ ra tôi đã quyết định dừng lại, để kiếp sau con đầu thai được nguyên vẹn hình hài, nhưng BS.CKI Lê Thị Ngọc Dung rơm rớm nước mắt khuyên gia đình hy vọng thêm lần này. Ngay lúc đó, trong đầu tôi nhớ lại những niềm vui khi mang thai, lúc nhìn thấy con qua camera với đôi bàn tay nắm chặt. Thấy thương con quá, tôi quyết định đi tiếp, tiền bạc hay tương lai thế nào cũng chấp nhận”.
10 ngày sau khi nhận được cái gật đầu tin tưởng từ gia đình, ca phẫu thuật được tiến hành và thành công đúng như dự đoán. Ngay thời điểm ca mổ diễn ra, tỷ lệ hy vọng đã tăng từ 10% lên 50%.
“Khoảng cách 40% đó là cả sự nỗ lực của ê-kíp, niềm tin của gia đình và có lẽ cũng nhờ sức sống kỳ diệu của em bé”, tiến sĩ Phượng nói.
Một tuần sau ca mổ, sức khỏe của Bông dần ổn định, phần đầu cũng nhỏ dần. Lúc này, TS.BS Cam Ngọc Phượng bắt đầu phác đồ cứu lá phổi. Vấn đề khó khăn là em bé đã phụ thuộc vào thở máy suốt 2 tháng, phổi bị xơ nên dù đã hết nhiễm trùng thì bé vẫn không thể tự thở.
“Chiến lược đưa ra là giảm dần thông số máy, sử dụng thuốc điều trị phổi mạn tính, song song bổ sung dinh dưỡng tối đa vì lúc này gần như bé quá gầy yếu, chỉ còn da và xương. Nhờ kết hợp tổng lực 3 biện pháp này, em bé cai được máy thở. Đây là bước thành công thứ 2”, TS.BS Phượng vui mừng thông báo.
Nhờ trang thiết bị hiện đại, hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như đội ngũ chăm sóc trẻ sinh non giàu kinh nghiệm tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, tỷ lệ hy vọng của bé Bông tăng lên khoảng 70-80%.
Tuy nhiên, những phần việc còn lại vẫn còn gian nan, bé có nguy cơ hít sặc và các biến chứng do thần kinh chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, công việc chăm sóc trẻ sinh non đúng cách không đơn giản.
“Suốt thời gian qua, bé Bông được chăm sóc bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh chuyên nghiệp, tận tâm. Do đó, trước khi rời phòng hồi sức, các điều dưỡng và kỹ thuật viên cũng túc trực thường xuyên để giúp bé phản xạ bú, tập thở và hỗ trợ cha mẹ em làm quen cách chăm sóc”, BS.CKI Tô Vũ Thiên Hương chia sẻ.
Tiến sĩ Phượng cho biết sau khi tất cả ổn định, bé Bông được theo dõi hành trình khôn lớn, tầm soát các bệnh tim bẩm sinh thông qua hội chẩn với Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Với thế mạnh nhiều “siêu trung tâm” kề cạnh, tạo mạng lưới vững chắc, bệnh nhi có thể được chăm sóc, điều trị một cách hoàn hảo bởi những chuyên gia hàng đầu, từ Trung tâm Sản phụ khoa, Trung tâm Tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh. Bé Bông cũng được dùng những loại thuốc tốt nhất để điều trị các vấn đề về lợi tiểu, kiểm soát tim, kiểm soát nhiễm khuẩn và bệnh phổi mạn tính.
Ngày gặp lại con, chị Nguyễn Thị Huyền sững sờ, rưng rưng không tin vào mắt mình. Trước mắt chị không còn là Bông yếu ớt “bé như hạt tiêu”, mà là một em bé bụ bẫm, da dẻ hồng hào và hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác.
Đón bé Bông từ BS.CKI Tô Vũ Thiên Hương, chị Huyền ôm con trong tay, nghe nhịp thở đều đều, xoa tay, xoa chiếc má lúm đồng tiền bé xíu, cảm giác yêu thương ruột thịt khiến người mẹ chực trào nước mắt.
“Ngày xin chuyển viện, bác sĩ nói cơ hội hồi phục mong manh lắm, chỉ 3-5% và chi phí có thể rất lớn. Nhưng cứu con mà, tiền bạc sau này làm ra được, còn con chỉ có một. Tôi mang ơn bác sĩ Phượng vô cùng vì đã động viên bước tiếp, để có được cơ hội ôm con trong tay như hôm nay”, chị Huyền xúc động.
Mãi đến sau khi ca mổ thành công, phóng viên mới đặt câu hỏi cho TS.BS Cam Ngọc Phượng: “Tình trạng bệnh nhi quá nặng, hầu như không ai dám nhận, vì sao bệnh viện đồng ý?”.
Nữ bác sĩ khiêm tốn trả lời rằng chính bà cũng cảm thấy sợ, nhưng không phải sợ thất bại hay ảnh hưởng danh tiếng, mà là nếu không thử, cơ hội sống của em bé gần như bằng 0.
“Thật ra ở những nơi khác, họ ngại nhiễm trùng, sợ thất bại. Còn với Tâm Anh, mình cũng đã cố gắng làm hết sức, không thử sao biết được. Cũng có thể do bệnh viện khác quá đông, không thể chu toàn tất cả em bé. Tâm Anh lại có thế mạnh là không gian sạch sẽ, chăm sóc ổn định hơn”, tiến sĩ Phượng nói.
Thế mạnh về hệ thống trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn đạt chuẩn quốc tế cùng đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm, tâm huyết là điều được tiến sĩ Phượng tự hào nhắc lại nhiều lần.
Bởi trang thiết bị hồi sức sơ sinh cùng hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã được tiến sĩ Phượng cùng chủ đầu tư đặt trọn tâm huyết, nỗ lực phòng ngừa tối đa lây nhiễm chéo, bảo vệ sức khỏe trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ sinh non.
Tiến sĩ Phượng cũng chia sẻ thêm ngay thời điểm nhận bệnh nhi, bà nghiêm túc nói với người nhà rằng không thể hứa sẽ điều trị thành công. Nhưng không điều trị, để bé nằm thoi thóp như thế thì đồng nghĩa chờ mất mạng vì nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng.
Chính tình yêu thương và sự day dứt không nỡ nhìn những em bé sinh non đoản mệnh, cùng lợi thế là bệnh viện đa khoa với nhiều trung tâm lớn, nhiều chuyên gia giỏi đã giúp tiến sĩ Phượng đủ tự tin tiếp nhận ca bệnh khó này.
Với mục tiêu giữ lại và chăm sóc trẻ sinh non ở mọi tình trạng từ sinh non đến bệnh lý phức tạp, TS.BS Cam Ngọc Phượng đang nỗ lực đưa Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, phác đồ điều trị và nguồn lực tiệm cận với thế giới.
“Chúng tôi tâm niệm trẻ sơ sinh là mầm non tương lai, không thể bỏ lại bất cứ trẻ thơ nào nếu y học còn có thể cứu vãn và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng vì những em bé như Bông cũng như trẻ sinh non khắp Việt Nam”, TS.BS Cam Ngọc Phượng nói.
Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.
Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website tamanhhospital.vn, fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789).