Từ sáng hôm qua (ngày 12/9), các thầy, cô tại trường Tiểu học Hợp Thanh B (xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vừa đảm bảo dạy học, vừa tất bật nấu nướng, chuẩn bị cho hơn 100 học sinh ăn bán trú tại trường.
Đó là những học sinh của thôn Phú Hiền (xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức), nơi đang chịu úng ngập nặng nề do hoàn lưu sau bão số 3. Đường đi ở thôn có chỗ nước lên tới bụng, gây khó khăn cho học sinh mỗi ngày đến lớp.
Hơn 100 học sinh thôn Phú Hiền ăn bán trú tại trường Tiểu học Hợp Thanh B từ hôm 12/9. Ảnh: NTCC. |
Lũ về, học sinh ở nội trú tại trường
Ngày 13/9, trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Nguyễn Tiến Nhật, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hợp Thanh B, cho biết sau khi tiếp nhận phản ánh của phụ huynh, ban giám hiệu đã xây dựng phương án và báo cáo các cấp lãnh đạo về việc sẽ tổ chức ăn bán trú buổi trưa cho học sinh của thôn Phú Hiền.
Trong thông báo gửi tới phụ huynh sáng 12/9, nhà trường nhắn nhủ nếu nhà bị ngập, phụ huynh có thể đăng ký cho các con ăn bán trú và ngủ tại trường, hoàn toàn miễn phí. Các con nhớ đem theo một vài bộ quần áo để ở lại trường trong những ngày ngập lụt.
Thầy Nhật cho biết nhà trường đã khẩn trương bố trí chỗ ăn, ngủ để đảm bảo việc học tập của các em. Để an toàn, nhà trường cũng vận động phụ huynh cho con nội trú, ngủ đêm tại trường để thầy cô chăm sóc, tránh trường hợp về nhà không người trông nom sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Tối 12/9, hơn 30 em đã đăng ký ngủ lại trường. Nhiều học sinh cũng đăng ký ở lại trường vào đêm thứ bảy và đêm chủ nhật. Thầy Nhật cho hay nhà trường đã mua bổ sung chăn, màn, gối để các em được ngủ ngon.
Sau giờ học, các em tắm rửa tại trường. Quần áo học sinh tắm xong sẽ có thầy cô giặt, sấy để các con có đồng phục mặc hàng ngày.
"Các thầy cô giáo trẻ cũng tình nguyện ở lại trường qua đêm để chăm sóc và trông nom học sinh ngủ", thầy Nhật chia sẻ.
Trong khi đó, trường Tiểu học Vạn Thái (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) có một điểm trường lẻ nằm ở thôn Thái Bình, xã Vạn Thái. Mấy ngày nay, con đường dẫn đến điểm trường ngập đến ngang cổ. Khu vực sân trường chìm sâu trong nước đục.
Thầy cô giáo cùng phụ huynh đã nhanh chóng chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị dạy học lên tầng 2 để đảm bảo an toàn. Hơn 300 học sinh tại điểm trường này dự kiến sẽ học trực tuyến, song không khả thi do có đủ thiết bị, đường truyền...
Nhà trường quyết định chuyển toàn bộ hơn 300 em sang điểm trường chính cách đó hơn 2 km để học tập trực tiếp. Hàng trăm bộ bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng từ điểm trường lẻ đã được chuyển về trường chính. Nhà trường cũng mượn thêm phòng học của trường mầm non, phòng của thôn để đảm bảo đủ 12 phòng cho các em học trực tiếp.
Nước đổ về điểm lẻ của trường Tiểu học Vạn Thái. Ảnh: NTCC. |
Hàng nghìn học sinh vẫn chưa thể đến trường
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, ngày 13/9, toàn thành phố có 153 trường học chưa thể đón học sinh đến trường học tập trực tiếp.
Trong số này có 44 trường mầm non, 53 trường tiểu học, 40 trường THCS, 16 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường trực thuộc sở.
Tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), ông Nguyễn Đức Thắng, trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, cho biết ngày 13/9, huyện còn một trường Tiểu học Hồng Quang là cho học sinh học trực tuyến do sáng nay, nước tràn vào trường gây ngập úng.
Dự báo được tình hình, từ hôm qua, nhà trường đã huy động thầy cô chuyển đồ đạc lên tầng 2, kê cao bàn ghế để hạn chế thiệt hại.
Trong khi đó, tại huyện Ba Vì (Hà Nội), ngày 13/9, một trường cho học sinh nghỉ học, 8 trường chuyển học trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Số học sinh phải nghỉ học do mưa, lũ gây ra ngập trường, đường thôn bị ngập là hơn 1.500 em; hơn 5.100 em phải chuyển sang học online.
Tại quận Ba Đình, ba trường gồm Mầu giáo số 8, Tiểu học Nghĩa Dũng, THCS Phúc Xá phải nghỉ học do trường thuộc phường Phúc Xá, nằm tại khu vực ngoài đê sông Hồng, nhiều học sinh, giáo viên phải đi sơ tán và bị mất điện. Hôm nay, nước đã rút, các nhà trường đã tổ chức dọn dẹp, vệ sinh, đẩy bùn đất theo dòng nước rút, đảm bảo để học sinh quay trở lại trường.
Hiện, Hà Nội có 9 trường học được sử dụng làm nơi tránh lũ cho nhân dân trên địa bàn, gồm trường THCS Thượng Cát, Tiểu học Cổ Nhuế 2B (quận Bắc Từ Liêm); THCS Xuân Mai B, THCS Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ); Mầm non Trung Giã, Tiểu học Trung Giã B (huyện Sóc Sơn); Mầm non Thư Phú, Tiểu học Thống Nhất (huyện Thường Tín); THCS Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây).
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.