![]() |
Uống thuốc tránh thai cấp tốc, phụ nữ có khả năng gặp nhiều tác dụng phụ. Ảnh: The Sun. |
ThS.BS Nguyễn Thị Bích Ty, khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết quá trình thụ thai thường diễn ra khi tinh trùng gặp trứng ở vòi trứng. Trứng đã thụ tinh sẽ di chuyển về buồng tử cung để làm tổ trong khoảng 3-5 ngày.
Chính khoảng thời gian "vàng" này là cơ hội để các biện pháp tránh thai khẩn cấp phát huy tác dụng, ngăn chặn một thai kỳ ngoài ý muốn.
Hiện, trên thế giới có ba phương pháp tránh thai khẩn cấp được sử dụng rộng rãi:
Thứ nhất là Progestins liều cao. Đây là phương pháp sử dụng thuốc chỉ chứa hormone progestin với hàm lượng cao. Tổng liều thường là 1,5 mg Levonorgestrel hoặc 3 mg Norgestrel (uống một lần duy nhất).
Với Levonorgestrel, có thể uống 1,5 mg một lần hoặc chia làm hai lần, mỗi lần 0,75 mg cách nhau 12 giờ. Phương pháp này được đánh giá hiệu quả cao (tỷ lệ có thai khoảng 1,1 %) và ít tác dụng phụ hơn so với thuốc ngừa thai phối hợp. Tuy nhiên, bác sĩ Ty lưu ý rằng thuốc này có thể không phổ biến bằng thuốc phối hợp.
Thứ hai là thuốc ngừa thai phối hợp (công thức Yuzpe). Phương pháp này sử dụng các loại thuốc ngừa thai hàng ngày với liều lượng cao hơn. Liều đầu tiên cần chứa ít nhất 100 mcg Ethinyl Estradiol kết hợp với một loại progestin (0,5 mg Levonorgestrel, 1 mg Norgestrel hoặc 2 mg Norethindrone).
Uống liều đầu càng sớm càng tốt trong vòng 5 ngày sau giao hợp, sau đó uống liều thứ hai cách 12 giờ. Người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc để đảm bảo uống đủ số lượng viên theo liều khuyến cáo. Tỷ lệ có thai khi sử dụng phương pháp này cao hơn progestin đơn thuần, khoảng 2-3,2%, và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.
Cuối cùng là đặt dụng cụ tử cung có đồng. Đây là phương pháp hiệu quả (nguy cơ có thai chỉ 0,1 %) khi được thực hiện trong vòng 5 ngày sau giao hợp không an toàn. Ưu điểm của phương pháp này là còn có tác dụng tránh thai lâu dài.
Tuy nhiên, việc đặt dụng cụ tử cung cần được thực hiện bởi nhân viên y tế đã qua đào tạo và có những chống chỉ định nhất định, đặc biệt thận trọng với những phụ nữ chưa sinh con.
Tránh thai khẩn cấp là lựa chọn tối ưu trong các tình huống như thất bại của các biện pháp tránh thai thông thường, bị cưỡng hiếp, hoặc phụ nữ có tần suất quan hệ tình dục không thường xuyên (1-2 lần/năm).
Uống thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ gặp các dụng phụ như xuất huyết âm đạo bất thường, buồn nôn hoặc nôn. Việc sử dụng progestin hoặc các thuốc tránh thai khẩn cấp khác không làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi hoặc sảy thai nếu chẳng may có thai sau đó.
Tuy nhiên, chị em không nên xem đây là biện pháp tránh thai thường xuyên vì hiệu quả không cao và không bảo vệ cho những lần quan hệ sau đó. Nó cũng không có tác dụng phòng tránh các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục. Phụ nữ nên tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tránh thai lâu dài hiệu quả hơn.
Việc tiếp cận dễ dàng với các phương pháp tránh thai khẩn cấp, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ nạo phá thai.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.