Các nhà mốt quốc tế gia tăng doanh thu thông qua phương pháp tiếp thị nghệ thuật. Ảnh: Gucci. |
Sau 13 năm kể từ khi Chanel ra mắt tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Thượng Hải, thương hiệu xa xỉ nước Pháp dần khẳng định vị trí trong lĩnh vực nghệ thuật Trung Quốc. Chương trình Culture Chanel đem đến 400 tác phẩm mang tính biểu tượng, được lấy ra từ kho lưu trữ. Vào tháng 5, nhà mốt này cũng công bố đầu tư vào việc khôi phục và nâng cấp tổ chức nghệ thuật đương đại Power Station of Art.
Không chỉ Chanel, Gucci, Prada, Louis Vuitton, Cartier, Christian Dior và Valentino đều gia nhập thị trường nghệ thuật Trung Quốc, sử dụng chất liệu văn hoá độc đáo để chinh phục người tiêu dùng ở quốc gia này, theo Business of Fashion.
Triển lãm của Loewe thu hút sự chú ý của công chúng Trung Quốc. Ảnh: Loewe. |
Rủi ro khi gia nhập lĩnh vực nghệ thuật
Theo Renaud Bailly, Chủ tịch khu vực Bắc Á của Chanel, đây là cách nhà mốt này xây dựng mối quan hệ hợp tác đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, phương pháp đo lường hiệu quả thương mại từ hoạt động nghệ thuật của nhà mốt này vẫn là dấu hỏi lớn.
Phát ngôn viên của Chanel khẳng định Quỹ Văn hoá của doanh nghiệp không phải quỹ thương mại. Tuy nhiên, việc sử dụng nghệ thuật để hỗ trợ hoạt động bán hàng xa xỉ là một trong những chiến thuật tiếp thị phổ biến.
Khi gia nhập lĩnh vực nghệ thuật Trung Quốc, các thương hiệu cũng phải chú ý trong việc xây dựng nội dung, thông điệp phù hợp với văn hoá địa phương, tránh tạo rủi ro trong quá trình tiếp cận.
Garth Chow, Giám đốc công ty tư vấn Jingsheng có trụ sở tại Trùng Khánh (Trung Quốc), khuyên các nhãn hàng nên lưu ý đến việc lựa chọn nghệ sĩ hợp tác, định hướng nội dung các chiến dịch, chương trình nghệ thuật, tránh tạo ra tranh cãi trên mạng xã hội trong kỷ nguyên số.
Theo tiến sĩ Federica Carlotto, tác giả cuốn sách mới xuất bản Thương hiệu xa xỉ và sự hợp tác nghệ thuật, nhìn chung, các nhà mốt vẫn có cơ hội gia tăng doanh thu tại xứ tỷ dân từ các hoạt động nghệ thuật.
“Thế hệ trẻ của đất nước này thích nâng cao vốn văn hoá thông qua việc mua sắm”, Carlotto nhận định.
Trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu toàn cầu, phương pháp kết nối cảm xúc thông qua nghệ thuật cũng giúp các thương hiệu bán hàng.
Bức tường nghệ thuật Gucci thu hút nhiều người trẻ check-in. Ảnh: Gucci. |
Đối phó với sự nhàm chán của công chúng
Trong những năm gần đây, các thương hiệu xa xỉ đầu tư nhiều vào triển lãm tại Trung Quốc. Công chúng ở quốc gia này bắt đầu đòi hỏi cao hơn, dần thể hiện sự chán nản với những sự kiện nghệ thuật dày đặc.
Loewe đã nỗ lực đem đến sự mới mẻ cho cho các sự kiện này. Hồi tháng 3, thương hiệu tổ chức triển lãm Crafted World tại Trung tâm triển lãm Thượng Hải. Sự kiện này nhận được sự hưởng ứng từ công chúng nhờ thái độ tôn trọng đối với di sản văn hoá, ngành nghề thủ công.
Trong khi triển lãm của Dior hoàn hảo, triển lãm do Loewe tổ chức khơi gợi cảm xúc tốt hơn, giúp khán giả trẻ tuổi mong muốn mua những món đồ lưu niệm như móc khoá, ví và áo phông khi rời khỏi địa điểm tổ chức.
Bức tường nghệ thuật của Gucci tại Thượng Hải cũng góp phần thu hút sự chú ý từ phía công chúng. Sáng kiến nghệ thuật đường phố năm 2022 thu hút 500 triệu lượt xem vào thời điểm đó. Hashtag #BloomingShanghai cũng ghi nhận lượt tương tác lớn.
Bên cạnh đó, thị trường xa xỉ Trung Quốc cũng được đánh giá là tương đối trẻ. Vì vậy, các nhà mốt cũng cần cân nhắc hợp tác với các nghệ sĩ trẻ, có tính đột phá để thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.